Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khai thác tài nguyên nhạc số

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho hay theo thống kê, khoảng 70 triệu người Việt dùng mạng internet, trong đó số lượng người sử dụng mạng giải trí (gồm cả âm nhạc) thuộc hàng lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Chúng ta có thị trường âm nhạc trực tuyến rất lớn”, ông Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận. Việc này lại càng được thấy rõ trong một thống kê khác cho thấy xu thế tiêu dùng nhạc tại Việt Nam cũng như trên thế giới tăng vượt 20% dư địa trên môi trường internet.

“Miếng bánh” bản quyền

Chính bởi nhận ra tiềm năng lớn của thị trường âm nhạc trực tuyến tại Việt Nam, nhiều đơn vị đã nhanh chóng tham gia vào cuộc chơi khai thác bản quyền âm nhạc trên nền tảng này, trong đó có những “lính cũ” (đơn vị hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc) như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và cả “lính mới” như MCM Online, đơn vị sử dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên internet do nhạc sĩ Lê Minh Sơn làm tổng giám đốc vừa ra mắt. Việc xuất hiện những đơn vị bảo vệ bản quyền bằng công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp tạo nên hệ sinh thái nội dung số lành mạnh. Bởi trên thực tế, những trang/kho nhạc số lớn của thế giới đều đã áp dụng công nghệ trong việc bảo vệ bản quyền từ lâu.

Khai thác tài nguyên nhạc số - ảnh 1

Ca sĩ Phương Vy và nhiều ca sĩ khác cho rằng: “Không biết đường đâu mà lần khi các đơn vị khai thác giẫm đạp lên nhau trong hoạt động kinh doanh âm nhạc trên YouTube”. NSCC

“Việc quản lý tốt bản quyền sẽ dần hình thành nền văn hóa sử dụng âm nhạc có bản quyền, khi đó các tác giả sẽ nhận được sự tôn trọng, từ đó mang lại sự khích lệ tinh thần cho họ. Khát vọng của tôi còn là những người nhạc sĩ phải sống được bằng tác phẩm của mình, nghĩa là đơn vị sử dụng phải trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ. Điều tưởng như là hiển nhiên đó, nhưng thực ra lại là điều mà nhiều nhạc sĩ như tôi mong muốn từ lâu”, nhạc sĩ Lê Minh Sơn bày tỏ. Ông Nguyễn Quang Đồng cũng cho rằng: “Giá trị tinh thần phải cùng đi với giá trị kinh tế”. “Nguồn thu lợi nhuận từ việc bảo vệ bản quyền mới mang tính bền vững, tạo sự thúc đẩy phát triển thị trường giải trí trực tuyến. Đó là điều mà những quốc gia có ngành công nghiệp giải trí đã làm”, ông Đồng nói.

Cần minh bạch, trung thực

Trên thực tế, dù việc bảo vệ bản quyền trên nền tảng số không mới với thế giới nhưng lại là lĩnh vực còn nhiều bỡ ngỡ với Việt Nam. Thời gian qua, đã có những vấn đề xung quanh việc bảo vệ tác quyền trên nền tảng số. Không ít ca sĩ, nhạc sĩ bày tỏ sự bức xúc khi bị cảnh báo bản quyền, đánh gậy hỗn loạn trên YouTube. Ngoài vụ nhạc sĩ Giáng Son bị khiếu nại bản quyền đối với chính con đẻ của mình là tác phẩm Giấc mơ trưa (thơ Nguyễn Vĩnh Tiến) khi cô lập kênh YouTube và chia sẻ bài hát này lên kênh, còn có những ca sĩ bị đánh gậy sập cả kênh YouTube của chính mình.

"Nguồn thu lợi nhuận từ việc bảo vệ bản quyền mới mang tính bền vững, tạo sự thúc đẩy phát triển thị trường giải trí trực tuyến. Đó là điều mà những quốc gia có ngành công nghiệp giải trí đã làm"

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông

Nhạc sĩ Hoài An cho rằng: “Chỉ cần hiểu biết đúng về sở hữu trí tuệ (SHTT), có sự trung thực thì tình hình bản quyền không có nhiều vụ việc ồn ào như gần đây. Về SHTT, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất, công ty kinh doanh nội dung số… nên hiểu đúng các thuật ngữ, hiểu chi tiết các điều khoản, có liên kết một đơn vị tư vấn chuyên về luật SHTT. Và hơn hết, chúng ta cần có sự minh bạch, trung thực với tài sản SHTT”.

Theo anh, bên cạnh những đơn vị làm việc nghiêm túc, có những đơn vị “vơ vét” những quyền mà họ không hề có, hoặc cố tình tìm cách “lách” bằng những bản hợp đồng nhiều điều khoản “đánh lừa” cả nghệ sĩ (đa số các nghệ sĩ làm việc bằng sự tin tưởng là chính, đôi khi họ còn không đọc hết các hợp đồng này). Không chỉ vậy, anh cho biết có trường hợp lấy những bản ghi đã có, tách giọng ca sĩ ra, chồng thêm nhiều giọng bè, thêm các nhạc cụ, để tạo thành bản master mới rồi cho đó là 100% quyền của mình (điều này không được phép, trừ khi có sự đồng ý của chủ sở hữu bản ghi và những người có quyền lợi liên quan). “Chính tâm lý “ăn xổi ở thì” ở một vài đơn vị kinh doanh bản quyền nội dung số, vội vã kiếm lợi nhuận nhiều và nhanh nhất, lợi dụng sự cả tin và chưa hiểu rõ luật SHTT của các nghệ sĩ, đã tạo nhiều vụ tranh cãi về bản quyền thời gian qua”, nhạc sĩ Hoài An bức xúc.

Ở góc nhìn khác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chua chát: “Môi trường âm nhạc ở thế giới mạng có lành mạnh hay không, có lẽ phụ thuộc vào tư duy của người kinh doanh. Chưa kể một số công ty “cướp” luôn bản quyền những bài dân ca, cải lương, chèo, hò… rồi đi đánh bản quyền những người sử dụng khác. Một số công ty vin vào thời hạn bảo hộ tác phẩm (50 năm sau khi tác giả qua đời, tác phẩm được sử dụng như tài sản chung), chiếm luôn bản quyền những tác phẩm này để khai thác kinh doanh; mà YouTube không cần biết hay phân định từng trường hợp, chỉ cần ai đang nắm bản quyền, đăng ký trước là nó tự động cảnh báo, đánh gậy những người phát sau”.

Ông Nguyễn Văn Chung cho rằng môi trường âm nhạc trên mạng giờ là sân chơi của những người rành công nghệ, am hiểu các bước, thủ thuật, để sao cho kinh doanh thuận lợi, chứ không phải của ca nhạc sĩ nữa. “Có vẻ luật để quản lý, ở đây là lĩnh vực âm nhạc, chưa phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường và công nghệ, nên kiện tụng vẫn sẽ còn nhiều. Tôi bây giờ thấy quá phiền phức sau nhiều tranh chấp nên mỗi lần bị thất thoát từ tác quyền xem như mình học thêm bài học”, nhạc sĩ nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hân, đại diện đơn vị tham gia phát triển công nghệ của MCM Online, Việt Nam có thể tham khảo ở các ngành công nghiệp âm nhạc quốc tế. Ông Hân ví dụ một kênh nhạc có thể coi như một sân khấu, việc ủy quyền có thể đa dạng, nghệ sĩ có thể ủy quyền cho những đơn vị khác nhau và việc này được quy định chi tiết cũng như việc ủy quyền không vi phạm lẫn nhau. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng thừa nhận Việt Nam đang có nhiều lỗ hổng về mặt bảo vệ bản quyền, nhưng bảo vệ bản quyền chính là mảnh ghép để kinh tế số phát triển. “Đây là lĩnh vực kinh doanh lớn nên cần có sự thúc đẩy”, ông Đồng bày tỏ.

Theo Ngọc An – Nguyên Vân/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)