Lâu nay, mỗi khi nhắc đến huyện Hòn Đất (Kiên Giang) là nhắc đến một vùng đất anh hùng và những con người anh hùng. Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Thị Ràng (Tư Phùng) đã từng chiến đấu và hy sinh tại đây, và nhà văn Anh Đức lấy hình tượng để xây dựng nhân vật chị Sứ cho tiểu thuyết Hòn Đất, tác phẩm được dựng thành phim.
Đường vào Khu di tích Hòn Đất.
Đến Kiên Giang dù bận rộn mấy, du khách cũng dành thời gian ghé qua Hòn Đất tham quan khu di tích lịch sử, thăm ngôi mộ của nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sĩ Phan Thị Ràng, từ lâu mọi người quen gọi là chị Sứ. “Đến để đốt nén nhang, để được tận mắt chứng kiến ở cái xứ mà đồng bằng nhưng lại có núi và biển gặp nhau, và hình dung ra cảnh đạn cày bom xới, dân Hòn Đất đã đứng dậy chiến đấu ngoan cường” – nhiều du khách cho biết. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất Nguyễn Ngọc Quyết, tiềm năng du lịch của Hòn Đất khá đa dạng, phong phú. Trong quá trình phát triển, huyện xác định đây là ngành kinh tế quan trọng vừa đáp ứng đời sống tinh thần, vừa tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đến với Hòn Đất, là đến với một địa thế có một không hai ở ĐBSCL. Nơi mà sông liền núi, núi liền biển, biển liền đồng bằng. Điểm nhấn tại núi Hòn Đất là khu tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hệ thống hang. Tại núi Hòn Me, có khu trưng bày hiện vật chứng tích chiến tranh, trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các hang động. Tại núi Hòn Quéo, có ngôi chùa Tam bảo kỳ viên tự, bên dưới là khu bãi đá bán sơn thủy…
Ở huyện Hòn Đất còn có di tích lịch sử Bia chiến thắng Sóc Xoài, di tích kiến trúc văn hóa chùa Khmer Sóc Xoài, di chỉ khảo cổ nền chùa tại xã Mỹ Phước, di chỉ văn hóa Óc Eo tại Mỹ Hiệp Sơn, khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thời chống Pháp, Đền thờ Trần Hưng Đạo, Đền thờ Vua Hùng…
Theo kế hoạch phát triển du lịch của huyện Hòn Đất từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn năm 2020, điểm nhấn của du lịch Hòn Đất là khu vực Ba Hòn, thuộc xã Thổ Sơn. Theo đó, Hòn Đất tập trung nguồn lực xây dựng hạ tầng phát triển du lịch, khai thác các loại hình giải trí như: Cáp treo, leo núi tham quan hang động, viếng chùa, thăm nhà tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng; tắm biển nhân tạo, tham quan cảng du lịch Hòn Quéo, thưởng thức các món ăn đặc sản xứ hòn, biển và đồng bằng… mục tiêu thu hút trên 180.000 lượt khách mỗi năm, giải quyết việc làm cho 500 lao động.
Cái khó trong phát triển du lịch Hòn Đất còn là hệ thống giao thông yếu kém, nhà nghỉ xa các điểm tham quan và không đạt tiêu chuẩn, các loại hình du lịch đơn điệu, trùng lấp với các địa phương lân cận; chưa có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp…
Vì vậy, Hòn Đất cần sớm hoàn thiện hệ thống giao thông; xem lại việc khai thác đá tại núi Hòn Sóc tránh ảnh hưởng môi trường. Đầu tư thêm những loại hình du lịch mới lạ, hướng dẫn kỹ năng du lịch cho người dân để giữ được chân du khách mỗi khi đến Hòn Đất. Thay đổi nhận thức về quản lý và phát triển du lịch của chính quyền địa phương… Cần giải pháp đồng bộ để đưa du lịch xứ Hòn Đất đi lên.
Trọng Nghĩa (SGGP)
Bình luận (0)