Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khai thác titan tại Bình Định: Báo động đỏ!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy hoạch khai thác titan đến năm 2010 của tỉnh Bình Định, sản lượng sản phẩm titan đạt 52% là 100.000 tấn và xỉ ti tan 10.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, Bình Định đã báo động "đỏ" việc khai thác và chế biến khoáng sản titan đã vượt quá qui hoạch cho phép.

Người dân đổ xô khai thác titan tại Cát Thành (Bình Định). (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Trên địa bàn tỉnh Bình Định đến nay đã có 30 giấy phép khai thác với công suất thiết kế 620.000 tấn/năm. Dự kiến năm 2009 có 14 giấy phép mới được cấp, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 5 giấy phép và số còn lại Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cấp.

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, qua thực tế khai thác và tách tuyển khoáng sản titan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 52% TiO2, thì năm 2007 đạt sản lượng 183.000 tấn, năm 2008 đạt 230.000 tấn và dự kiến năm 2009 đạt 290.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng này cũng mới chỉ đạt từ 30-45% công suất hiện có.

Cũng trong thời gian qua, tỉnh Bình Định còn cho phép đầu tư 6 nhà máy chế biến sâu titan, với tổng công suất 179.000 tấn/năm (chủ yếu sản xuất xỉ titan) và đến nay đã có 4 nhà máy đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2009 với sản lượng 45.000 tấn xỉ titan.
Như vậy, việc cho phép khai thác, tách tuyển và chế biến xỉ titan của tỉnh Bình Định đã vượt quá quy hoạch của tỉnh và của cả nước. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là việc cấp phép khai thác và chế biến titan "tràn lan" như hiện nay tại tỉnh Bình Định đã gây nhiều bức xúc cho cán bộ và nhân dân.
Đó là việc khai thác sản lượng quá lớn, không đủ điều kiện chế biến sâu để xuất khẩu, nên có tình trạng gian lận cho xuất khẩu titan thô gây lãng phí tài nguyên.
Thêm vào đó, có lúc, có nơi khai thác ồ ạt gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến nguồn nước ngầm sinh hoạt khu vực mỏ và xe vận chuyển khoáng sản làm hư hỏng đường sá ở địa phương gần khu vực mỏ. Nhiều đơn vị chỉ lo khai thác mà không tổ chức hoàn thổ và trồng lại rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển.
Để chấn chỉnh lại trật tự trong khai thác chế biến titan, theo ông Nguyễn Kim Phương, tỉnh Bình Định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần rà soát xem xét lại việc cấp giấy phép mới và đảm bảo qui hoạch khai thác chế biến titan của tỉnh Bình Định đến năm 2025 với sản lượng 100.000 tấn titan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 10.000 tấn xỉ titan./.
                                                                            Theo TTXVN/Vietnam+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)