Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khai thác tối đa không gian ngầm

Tạp Chí Giáo Dục

Dân số TPHCM ngày càng tăng, không gian trên mặt đất ngày càng chật chội. Nhiều thành phố trên thế giới đã khai thác, biến không gian ngầm dưới mặt đất phát triển và hoạt động sôi nổi không thua kém không gian trên mặt đất. Tại TPHCM, việc khai thác không gian ngầm đã được bắt đầu nghiên cứu hơn 10 năm trước và hiện một số nơi đã đi vào lập quy hoạch xây dựng.
Điểm nhấn metro
Kế hoạch khai thác không gian ngầm tại TPHCM đang được triển khai, nhất là khi tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dần hoàn thiện, dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2021. Tuyến metro này sẽ có hàng loạt nhà ga ngầm trong khu vực trung tâm và đây sẽ là cơ sở quan trọng để khai thác không gian ngầm tại đây. Từ các nhà ga này, TPHCM sẽ phát triển một mạng lưới không gian ngầm, kết nối đến các tầng hầm của các tòa nhà riêng lẻ và hình thành dần các trục đi bộ ngầm phục vụ cộng đồng. 
Trong lộ trình khai thác không gian ngầm nêu trên, tháng 4-2020, UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”. Đầu bài được ra cho việc thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành là phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khu Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành phải kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận. 
Khai thác tối đa không gian ngầm ảnh 1
Không gian ngầm tầng B1 ga Nhà hát Thành phố, metro Bến Thành – Suối Tiên.
Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được thành phố dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2. Trung tâm thương mại ngầm sẽ được triển khai xây dựng đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến metro số 1 nhằm giảm thiểu việc phải đào đường thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến metro số 1 khi tuyến này đi vào hoạt động. 
Cũng phải nói, theo quy hoạch phát triển hệ thống metro của TPHCM, nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ là đầu mối của 4 tuyến metro: số 1, số 2, số 3a, số 4. Chính vì vậy, để phục vụ nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân, TPHCM đã quyết định xây dựng trung tâm thương mại ngầm Bến Thành tích hợp với khu vực nhà ga. Dự án trung tâm thương mại ngầm Bến Thành nằm ở khu vực phía dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, đoạn từ chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát Thành phố. 
Kinh nghiệm phát triển không gian ngầm của nhiều nước như: Nhật Bản, Singapore…  cho thấy, quy hoạch không gian ngầm luôn bám theo quy hoạch mạng lưới metro. Bởi lẽ, không gian ngầm sẽ được phát triển và sử dụng hiệu quả nhất khi gắn kết với đầu mối giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến metro. Cùng xu hướng này, nên TPHCM đã ưu tiên phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm, là đầu mối của giao thông công cộng, kinh tế, văn hóa, thương mại và cũng là nơi thiếu quỹ đất, rất cần tìm hướng khai thác mới.
Ngầm hóa cả không gian văn hóa
Nói thêm về quy hoạch không gian ngầm kết nối với tuyến metro số 1, ông Lý Khánh Tâm Thảo, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở QH-KT TPHCM, cho biết, thành phố mong muốn kiến tạo một không gian dưới lòng đất có đầy đủ các tiện ích công cộng nhằm phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân. Do đó, không chỉ có giao thông (các nhà ga metro), trung tâm thương mại mà sẽ còn có bảo tàng và các không gian văn hóa khác. Tất nhiên, các yếu tố về an toàn luôn được đặc biệt quan tâm. Sẽ có các công trình đảm bảo an ninh, thoát nạn cho người dân cũng như các công trình thoát nước, chống ngập. 
Trả lời băn khoăn, hiện TPHCM chưa hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm toàn thành phố thì việc quy hoạch các không gian ngầm ở từng khu vực, liệu sau này có kết nối đồng bộ với nhau? Ông Lý Khánh Tâm Thảo cho biết, về lộ trình phát triển không gian ngầm, Sở QH-KT TPHCM đang hoàn chỉnh. Đây sẽ là một phần quan trọng trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng mà thành phố đang thực hiện.
Về cơ bản, TPHCM sẽ ưu tiên phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng (bao gồm quận 1, 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh) rộng 930ha. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Bến Thành và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 – khu đô thị đang phát triển và gắn liền với trung tâm hiện hữu. 
Không chỉ khu trung tâm, ở một số khu vực trong nội thành khác, TPHCM cũng đã xây dựng quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm và các hành lang kết nối không gian ngầm. Ngoài ra, TPHCM cũng nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại khu vực tuyến metro số 2 đang được triển khai đầu tư.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở QH-KT TPHCM đang chủ trì lấy ý kiến để hoàn chỉnh thêm ý tưởng về thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành. Cụ thể, làm rõ ý tưởng kết nối với Công viên 23-9 vốn đã có phương án xây dựng từ cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch tỷ lệ 1/500 công viên này; kết nối tầng ngầm với tòa nhà phức hợp The One tại khu tứ giác Bến Thành… Cùng với đó, làm rõ ý tưởng quy hoạch không gian trên mặt đất và không gian ngầm thương mại dưới trục đường Lê Lợi. Không gian ngầm thương mại dưới trục đường Lê Lợi sẽ bao nhiêu tầng? Các tầng ngầm thương mại bên dưới trục đường này sẽ kết nối đồng bộ với các tầng hầm của các tòa nhà thương mại dọc trục đường Lê Lợi như Thương xá Tax, SaiGon Centre… ra sao?

 

MINH HUY (theo SGGP)

Bình luận (0)