Xe chở hàng hóa của DN Việt Nam qua biên giới sẽ dễ dàng làm đồng thời hai thủ tục xuất, nhập khẩu tại một cửa khẩu và được cấp phép liên vận qua ba nước.
Vấn đề trên sẽ được đưa ra bàn bạc tại hội thảo quốc tế “Tây Ninh – Cửa ngõ phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia – Lào” vào ngày 20-12-2013 sắp tới do Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Campuchia và Bộ Công Thương Lào phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức tại Tây Ninh.
Xuyên ba quốc gia, chỉ một lần làm thủ tục
Ông Lê Thành Công, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện nay doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng như hai nước Campuchia, Lào đều gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục thông quan. DN Việt Nam muốn vào được đất Campuchia rất vất vả. Nguyên nhân do những hồ sơ thủ tục về kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa… sản phẩm thông thường phải đưa đến tận Phnom Penh xác nhận xong mới được thông quan.
Để giải quyết tình trạng này, ông Công chỉ ra giải pháp “ba nước cùng hợp tác thực hiện hình thức thông quan “một cửa khẩu, một điểm dừng”. Xe xuất khẩu qua biên giới sẽ tập kết tại một điểm tại cửa khẩu Mộc Bài hoặc Xa Mát. Khi đó, hai cơ quan hải quan Việt Nam và Campuchia sẽ cùng kiểm tra hàng hóa và làm đồng thời thủ tục xuất, nhập khẩu. Điều này vừa kiểm chặt hàng hóa vừa tiết kiệm thời gian, giảm chi phí. Biện pháp liên minh này sẽ thực hiện với cả Lào”.
Nếu hiệp ước liên vận đường bộ Việt Nam – Campuchia – Lào được ký kết, cửa khẩu Mộc Bài sẽ là nơi thuận tiện giao thương hàng hóa giữa ba nước. Ảnh: HTD
Khó khăn hạ tầng là nguyên nhân thứ hai kìm hãm sự phát triển kinh tế biên giới ba nước nhiều năm qua. Ông Bùi Bá Nghiêm, Trưởng phòng Thương mại biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi (Bộ Công Thương), cho biết chọn Tây Ninh chính là cửa ngõ để phát triển thương mại ba nước vì những lợi thế về giao thông.
Mặt khác, hầu hết DN các tỉnh Nam Bộ nếu muốn xuất khẩu hàng hóa sang Lào đều phải vượt đoạn đường trên 1.000 km đi qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Trong khi đó, DN khi xuất khẩu hàng hóa sang Lào có thể tiết kiệm 1/3 đoạn đường khi đi qua cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) sang Campuchia, theo đường số 7 qua ba tỉnh nước này là đến địa phận cửa khẩu quốc tế Nong Nokkhien của Lào.
Nếu hiệp ước liên vận đường bộ Việt Nam – Campuchia – Lào được ký kết, xe thương mại, phi thương mại và hàng hóa sẽ được vận tải quá cảnh, vận tải qua biên giới giữa ba nước.
Cần bơm thêm sức cho cửa khẩu
Liên minh thông quan, kết nối liên vận sẽ tạo điều kiện cho DN tăng xuất khẩu qua biên giới. Tuy nhiên, theo ông Công hiện tại các DN kinh doanh tại cửa khẩu nước ta vẫn gặp khó khăn. Cụ thể, tại cửa khẩu Mộc Bài có 36 DN đăng ký kinh doanh nhưng đã có sáu DN tạm ngưng hoạt động. Nguyên do là chính sách miễn thuế cho hóa đơn 500.000 đồng mua hàng tại cửa khẩu chỉ được Chính phủ phê duyệt trong vòng một năm. Như vậy, từ lúc chính sách này hết hạn hồi tháng 12-2012, các DN không còn thu hút người dân mua hàng, buộc phải đóng cửa.
Mặt khác, cũng theo ông Công, “Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát vẫn khó khăn thu hút đầu tư do hạ tầng kém phát triển. Ngân sách mỗi năm chỉ rót 20 tỉ đồng trong khi nhu cầu thực cho xây dựng hạ tầng nơi này cần 500-700 tỉ đồng. Do đó, việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu rất chậm. Giờ chỉ còn cách rút gọn diện tích khu kinh tế cửa khẩu xuống mức khoảng 500 ha so với mức quy hoạch 33.000 ha để tập trung đầu tư. Vậy nên Chính phủ cần bơm sức cho khu kinh tế cửa khẩu”.
Để giải quyết thực trạng trên, ông Nghiêm khẳng định tại hội thảo quốc tế ba nước sắp tới, Bộ sẽ thu thập các góp ý hoàn thành dự thảo quyết định thay thế cho Quyết định số 254/2006 và Quyết định số 139/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới. Đồng thời, sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Dự thảo này sẽ có những điểm mới về thủ tục xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó là phân cấp, phân quyền về cho địa phương và có chính sách ưu đãi riêng cho từng thị trường biên giới. Điển hình là vấn đề cấp phép liên vận giữa ba nước.
Hàng Việt cần có hướng dẫn bằng tiếng Lào, Campuchia
Hàng Việt Nam tại Lào và Campuchia hiện thiếu hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm bằng tiếng hai nước này. Việc này khiến người tiêu dùng nước bạn phàn nàn vì vất vả trong việc tìm ra cách sử dụng sản phẩm đúng cách. DN Việt cũng cần thiết lập những văn phòng đại diện ở Campuchia và Lào để chăm sóc thị trường tốt hơn vì người dân ở đây rất ưa chuộng hàng Việt.
ÔngBÙI BÁ NGHIÊM,Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi
(Bộ Công Thương) |
QUANG HUY (PLO)
Bình luận (0)