Vào ngày 24-4, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I và triển khai kế hoạch quý II năm 2019. Trong kế hoạch dự kiến, việc xóa điểm đen TNGT trên hệ thống quốc lộ là một trong những nhiệm vụ ưu tiên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu xử lý dứt điểm điểm đen tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT trong năm 2019
19 địa phương gia tăng số người chết do TNGT
Theo báo cáo tại hội nghị sơ kết, trong quý I năm 2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ TNGT, làm 1.905 người chết, 3.141 người bị thương. Trong số đó có 7 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở các tỉnh thành gồm Gia Lai, Thừa Thiên – Huế, Long An, Hải Dương, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc, làm chết 29 người và 29 người bị thương. Trong số 63 tỉnh thành trong cả nước thì có 44 tỉnh thành giảm số người chết do TNGT, nhưng vẫn còn 19 tỉnh thành gia tăng trường hợp tử vong do TNGT so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia) lưu ý, TNGT trong quý I năm 2019 giảm sâu nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình trạng TNGT vẫn diễn biến phức tạp trong tháng 4, tập trung vào các nguyên nhân do vi phạm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt; sử dụng rượu bia, ma túy, dẫn đến không làm chủ được hành vi, phóng nhanh vượt ẩu, đi sai phần đường, làn đường quy định.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: “Bộ GTVT đang chuẩn bị sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt, theo hướng sẽ đưa ra những giải pháp xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm. Đối với các thông tư, khi phát hiện còn những bất cập, khiếm khuyết trong đảm bảo ATGT, Bộ GTVT cũng sẽ kiên quyết sửa ngay”. |
Bên cạnh tình trạng TNGT, thống kê của các tỉnh thành cho thấy trong quý I năm 2019, toàn quốc vẫn còn tồn tại 20 vụ ùn tắc giao thông kéo dài mặc dù các địa phương, nhất là TP.HCM và Hà Nội đã nỗ lực triển khai rất nhiều giải pháp để kéo giảm ùn tắc trên các trục giao thông chính. Theo nhận định của ông Khuất Việt Hùng (Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia), tình trạng TNGT và ùn tắc còn diễn biến phức tạp là do công tác quản lý Nhà nước về GTVT, hạ tầng giao thông và trật tự ATGT còn hạn chế; những điểm bất hợp lý trong tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen” chưa được khắc phục kịp thời; tình trạng quản lý chất lượng phương tiện, quản lý vi phạm của lái xe chưa đồng bộ; tình hình xe ô tô kinh doanh mô hình tuyến vận tải cố định đón trả khách không đúng nơi quy định, xe dù bến cóc còn diễn ra phổ biến (nhất là Hà Nội, TP.HCM). Ngoài ra, TNGT trong thời gian gần đây còn liên quan đến tình trạng vi phạm lòng lề đường để tổ chức các hoạt động cộng đồng như cưới hỏi, hiếu hỉ… Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam), tình trạng lấn chiếm lòng đường để tổ chức các sự kiện cộng đồng đang có dấu hiệu gia tăng, bằng chứng là có tuyến đường dài khoảng 30km nhưng đã có đến 7 rạp cưới trong cùng một ngày.
Nỗ lực xóa “điểm đen” trên hệ thống quốc lộ
Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, nhằm kéo giảm TNGT trong thời gian sắp tới, các địa phương cần tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm và tăng nặng hình thức xử phạt. Đồng thời tích cực tuyên truyền về ATGT cho người dân, và tiến tới hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến trật tự ATGT. Bên cạnh những giải pháp mang tính lâu dài, Bộ GTVT cho biết sẽ tập trung xóa 42 điểm đen và 160 điểm tiềm ẩn TNGT, khắc phục những khiếm khuyết của hệ thống quốc lộ trong toàn quốc. Để làm được điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị UBND các tỉnh thành tăng cường rà soát tất cả các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT phản ánh về Bộ GTVT để cùng phối hợp xử lý nhằm tiến tới xử lý dứt điểm điểm đen, “ổ voi, ổ gà” trong năm 2019.
Được biết, tính đến thời điểm này, Bộ GTVT đã hoàn thành hai đề án chuẩn bị báo cáo Chính phủ, gồm Đề án đảm bảo ATGT đường sắt liên quan đến đường ngang dân sinh và Đề án nâng cao chất lượng duy tu, sửa chữa đường bộ. Đối với đề án cải tạo đường sắt, Bộ GTVT sẽ tập trung giải pháp vốn đầu tư, tuyên truyền giáo dục người tham gia giao thông, củng cố trách nhiệm của chính quyền địa phương. Đối với đường bộ, hệ thống trong toàn quốc hiện có hơn 16.000km đã đến hạn trùng tu, đại tu nhưng không có kinh phí, ảnh hưởng lớn đến tình hình trật tự ATGT và việc lưu thông của người dân cũng như các phương tiện, nên cần tăng cường kinh phí để kiện toàn hệ thống này. Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng hai đề án này nếu được Chính phủ phê duyệt, sẽ là một trong những giải pháp góp phần kéo giảm TNGT một cách hiệu quả.
Vũ Phương
Bình luận (0)