Để khẳng định người xem sẽ đông hơn và đội bóng sẽ lớn mạnh hơn khi xoá Cảng Sài Gòn đi và thay bằng tên đội TPHCM thì chưa chắc.
> Giám đốc điều hành CLB TMN.CSG Lê Quang Nhật: “Chúng tôi muốn có tên gọi TP.HCM”
Nói người Sài Gòn đến sân xem TMN.CSG thi đấu vì còn một cái tên Cảng Sài Gòn (CSG) thì mới chỉ đúng một phần…
Chuyện một cái tên…
Khi bóng đá TPHCM còn là một thế lực với hơn phân nửa tuyển thủ quốc gia là người TPHCM thì CSG là cái tên oách nhất kể cả khi họ ngấp nghé xuống hạng.
Rồi bóng đá TPHCM rụng dần với những cuộc xoá sổ và chuyển giao trong thời tự hạch toán lấn thời bao cấp thì Cảng Sài Gòn là đội duy nhất trụ lại. Người Sài Gòn có một cái tên để tự hào kể cả có lúc phần hồn của đội bóng giao hết cho Thép mà bằng chứng là trên sân, các cổ động viên khoác áo TMN.CSG, nhưng khi nổi trống chiêng và hò hét lại chỉ gào lên ba chữ CẢNG SÀI GÒN.
Cái tên ấy nó đã ngấm vào máu người hâm mộ từ cái thời CSG còn Tư Lê, Tam Lang, Dương Văn Thà, Lê Đình Thăng, Lạc Phước Hải, Lưu Kim Hoàng… rồi sau này là lứa các cầu thủ Phát, Chỉnh, Tùng, Hòa, Nại, Phẩm… sang đến Tuấn, Bửu, Tam, Lợi, Chương…
Đã có lúc cái tên ấy trở nên gánh nặng của CSG và vì người hâm mộ mà những công nhân CSG hồi đấy đã hy sinh chịu trừ lương để nuôi đội bóng. Điển hình năm 1994, là năm khó khăn nhất, thì chính cầu thủ CSG cảm nhận được cái tình ấy và cắn răng đá rồi đi một mạch đến ngôi vô địch.
Nếu miền Bắc có Thể Công là cái tên giàu truyền thống nhất thì miền Nam có CSG đã trở nên một thương hiệu lớn, gắn với người hâm mộ Sài Gòn đến độ khi đội xuống hạng chơi ở hạng Nhất thì vẫn theo cổ vũ và song hành cùng đội bóng. Thế mà…
Khai tử để "lớn" hơn
Bây giờ, khi chuẩn bị vào mùa giải mới thì những nhà làm bóng đá của TMN.CSG đang tính đến chuyện bỏ cái tên truyền thống với hy vọng đội bóng sẽ lớn mạnh hơn và nhà tài trợ sẽ đổ vào nhiều hơn. Ngay những người từng là thành viên của Cảng, giờ ngồi vào cái công ty chịu trách nhiệm lèo lái đội bóng cũng có khuynh hướng xoá CSG.
Với những người theo CSG vô điều kiện và còn đốt tiền nhà để cổ vũ cho CSG thì đấy là một sự xúc phạm, bởi tự thân CSG đã là thương hiệu rất lớn. Trong khi những nhà lãnh đạo chuẩn bị dán cho TMN Cảng Sài Gòn cái tên mới thì hội cổ động viên CSG đã chuẩn bị chia tay trong nước mắt và giải tán vì không còn cái tên để yêu để tự hào nữa thì đến sân để làm gì.
LĐBĐ TPHCM thì vẫn im lặng, bởi mang tiếng là tổ chức xã hội lớn và là ngành ngang của đội bóng, nhưng họ lại nhìn vào bầu sữa để nuôi đội bóng.
Đã có lý giải rằng, người TPHCM sẽ cổ vũ cho cái tên mới và nguồn tài trợ sẽ đổ về nhiều hơn do cái tên lớn hơn (!?). Nhưng người hâm mộ lại có cái lý của mình, đó là sự chung thủy với một cái tên, dù CSG đã lai Thép và cầu thủ Sài Gòn trong đội bóng này không nhiều. Hy vọng những nhà lãnh đạo đội bóng đã cân nhắc hết mọi thiệt hại và đặt lên bàn cân tất cả sự thiệt hại của việc khai tử một cái tên truyền thống.
Cái được – còn nằm trên những dự án cùng với các dự án kinh tế, nhưng rõ ràng về mặt tinh thần và tính truyền thống thì đã mất và mất rất nhiều rồi.
Không còn nghe tiếng hô CẢNG SÀI GÒN… CẢNG SÀI GÒN… nữa cũng đồng nghĩa với bóng đá TPHCM chấp nhận xoá đi rất nhiều để làm mới. Hy vọng những người tâm huyết với bóng đá TPHCM không bị dẫn dắt bởi tư tưởng của những người đi buôn lỗ lã và xoá đi một thương hiệu để làm mới từ những dự án chông chênh.
Nguyễn Nguyên (theo laodong)
Bình luận (0)