Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Xã hội thì trẻ được khám chữa bệnh miễn phí cho đến khi vào học lớp 1. Ảnh: I.T |
Để khắc phục những hạn chế của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian qua, Bộ Y tế và các ban, ngành liên quan đã đưa ra Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế – cho biết: “Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 27/52 điều. Trong đó những nội dung mới có tính đột phá mạnh mẽ tạo cơ chế pháp lý để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân”.
PV: Trong Dự thảo luật có bổ sung: “Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 31-9 của năm đó”, xin bà nói rõ hơn quy định này?
Bà Tống Thị Song Hương: Hiện nay, tất cả trẻ dưới 6 tuổi đều được cấp thẻ BHYT và được khám chữa bệnh (KCB) miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Khi trẻ đủ 6 tuổi (72 tháng) thì không miễn phí nữa và sẽ tham gia BHYT học sinh tại trường tiểu học. Tuy nhiên, trên thực tế có những trẻ sinh trước tháng 9 (thời điểm bước vào năm học mới – PV) nên khoảng thời gian từ khi trẻ đủ 6 tuổi đến lúc mua thẻ BHYT học sinh, trẻ sẽ không có thẻ BHYT. Điều này gây thiệt thòi cho trẻ khi đi KCB. Do vậy, Dự thảo luật đã bổ sung quy định: “Trường hợp trẻ đủ 72 tháng mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị đến ngày 31-9 của năm đó” mà không phải đóng tiền.
Dự thảo luật cũng bổ sung thêm trách nhiệm của UBND cấp xã: “Chậm nhất 3 tháng kể từ ngày trẻ sinh ra, UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh”.
Thưa bà, trong Dự thảo luật trình Quốc hội quy định: “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc”, tại sao không giữ nguyên là “có trách nhiệm” như luật hiện hành?
Luật hiện hành quy định từ 1-1-2014, các đối tượng quy định trong Luật BHYT có trách nhiệm tham gia BHYT nên tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Như vậy, người dân không tham gia cũng không có chế tài xử phạt và rất khó để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo Luật BHYT hiện hành, có một số dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán BHYT, điều này đã gây không ít bức xúc cho người tham gia BHYT. Với Dự thảo luật, những vấn đề này được khắc phục như thế nào, thưa bà?
Theo điều 23 của Luật BHYT, Quỹ BHYT không thanh toán đối với trẻ em bị cận thị, tật khúc xạ của mắt nặng cần can thiệp, điều trị; người bị tai nạn giao thông nếu xác định có vi phạm pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Để khắc phục vấn đề này, Dự thảo luật trình Quốc hội bãi bỏ các quy định trên. Nếu được Quốc hội thông qua, người bị tai nạn giao thông sẽ được BHYT thanh toán mà không cần xác định có vi phạm pháp luật hay không. Bởi, nếu họ vi phạm pháp luật thì đã có các hình thức xử lý khác, còn trách nhiệm của ngành y tế là cứu chữa người bệnh. Trẻ dưới 6 tuổi điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ đều được miễn phí.
Vấn đề người tham gia BHYT quan tâm nhất là mức hưởng BHYT, vậy so với luật hiện hành, Dự thảo luật có bổ sung, sửa đổi gì không, thưa bà?
Nhằm giảm gánh nặng chi phí KCB, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, Dự thảo luật trình Quốc hội quy định theo hướng nâng mức hưởng BHYT. Cụ thể, thân nhân người có công với cách mạng (gồm cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, con của liệt sĩ) được hưởng từ 80% tăng lên 100% chi phí KCB; các thân nhân khác của người có công với cách mạng từ 80% lên 95%. Người thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100%; người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%.
Đồng thời, Dự thảo luật cũng sửa đổi quy định thanh toán trong trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB vượt tuyến, trái tuyến. Theo đó, BHYT thanh toán 20% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến TW, 50% tại bệnh viện tuyến tỉnh, 70% tại bệnh viện tuyến huyện.
Xin cám ơn bà!
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)