Đến Đà Nẵng du lịch, du khách không thể bỏ qua Bảo tàng Điêu khắc Chăm để trải nghiệm, khám phá những giá trị độc đáo cho bản thân. Bởi đây không chỉ là bảo tàng nghệ thuật, nơi đây còn là kho sử về vương quốc Chăm Pa huy hoàng một thời.
Rất nhiều sinh viên đến tham quan và tìm hiểu về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: T.L
1. Bảo tàng Điêu khắc Chăm nằm trên đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng. Bảo tàng Điêu khắc Chăm là một trong những địa điểm du lịch Đà Nẵng mang đậm giá trị văn hóa và lịch sử. Lối kiến trúc và điêu khắc độc đáo của người Chăm Pa không chỉ thu hút người Việt mà đông đảo du khách nước ngoài cũng bày tỏ hiếu kỳ về một nền văn minh cổ xưa.
Khi đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí cổ xưa với những bức tường vàng nhuốm màu rêu phong qua năm tháng, xung quanh là một màu xanh tự nhiên của cây cối, điểm nhấn với sắc trắng tinh khôi của dàn hoa sứ lan tỏa hương thơm dịu dàng tạo nên một không gian như rất gần gũi, thân quen.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính thức đưa vào hoạt động vào năm 1919 sau 5 năm xây dựng. Với tổng diện tích thực tế của khu bảo tàng lên đến 6.673m2 trong đó có 2.000m2 là diện tích để trưng bày các di vật cổ. Ngoài ra, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng còn có khu vực tranh ảnh, tài liệu về nền văn hóa Chăm và các nền văn hóa khác. Đến đây, du khách có cơ hội khám phá về vương quốc Chăm Pa hưng thịnh cổ xưa với những giá trị văn hóa lịch sử và tinh hoa nghệ thuật điêu khắc Chăm độc đáo.
Hầu như phần lớn các cổ vật ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm này đều được làm từ đất sét nung, đồng và sa thạch. Điểm đáng chú ý nhất đó chính là các hoa văn, họa tiết chạm rất tinh tế và mang đậm nét đặc trưng riêng của dân tộc Chăm. Trong đó, những cổ vật có phong cách nổi bật nhất ở bảo tàng đó chính là tượng thần Shiva múa, phù điêu Yaksa và Krishna, đài thờ Linga-Yoni, tượng thần rắn Naga, vũ nữ Trà Kiệu và tượng thần hạnh phúc Laksmi… Ngoài ra, phía sau bảo tàng là phòng trưng bày tranh ảnh, tài liệu về kiến trúc Chăm Pa và một số công trình kiến trúc đặc sắc khác của Đông Nam Á. Nhờ vào các cổ vật điêu khắc này mà các du khách tham quan có thể hiểu thêm nhiều điều thú vị về nền văn hóa Chăm Pa đặc sắc, am hiểu nhiều hơn về lịch sử của một quốc gia Chăm Pa đã từng thịnh vượng.
Bảo vật tượng thần Ganesha (giữa) làm từ chất liệu sa thạch, cao 95cm, dài 48cm, rộng 34cm Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang lưu giữ hơn 2.000 cổ vật của triều đại Chăm Pa, số lượng hiện vật được trưng bày là 500. Hầu hết các cổ vật đều được làm từ đất sét nung, sa thạch và đồng. Nổi bật nhất là bức tượng thần Shiva múa, đài thờ Linga – Yoni, vũ nữ Trà Kiệu… |
2. Bản thân tôi chú ý đến hai hiện vật tượng Voi thần Ganesha và Gajasimha. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesha có hình dạng mình người đầu voi, là vị thần thông thái, mang lại sự may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng. Thần đã bẻ ngà của mình để ghi lại bảng trường ca vĩ đại Mahabharata. Với thuyết này, Ganesha là vị thần của văn sĩ và là biểu tượng của sự thông minh trí tuệ. Hình ảnh của thần được tín đồ Hindu giáo yêu mến, thờ cúng rộng rãi ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á. Người Chăm ở Việt Nam có cả một kho di sản điêu khắc đá nổi tiếng mang đậm dấu ấn Hindu giáo, trong đó có pho tượng Ganesha ở tư thế đứng, được công nhận là bảo vật quốc gia vào cuối năm 2020.
Truyện kể về vị thần đầu voi này rất phong phú, đa dạng và nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, Genesha là con trai thần Shiva và nữ thần Parvati. Ganesha cao lớn, bệ vệ, nhưng thú cưỡi của ông lại là một con chuột. Ở góc nhìn biểu tượng, chuột và voi là sự kết hợp hoàn hảo vượt qua mọi thử thách và tính linh hoạt, khéo léo để giải quyết vấn đề. Với ý nghĩa đó, Ganesha tượng trưng cho sự thăng hoa từ chuột tới voi, từ nhơ bẩn ô uế đến hiện hữu linh thiêng cao quý, từ tâm lý trẻ con đến trí tuệ cao siêu không giới hạn.
Ngoài Thái tử Voi Ganesha, còn có vị thần Gajasimha với hình tượng đầu voi, mình sư tử, là một hình tượng linh thú trong thần thoại Ấn Độ. Theo truyền thuyết, sư tử là một trong 10 kiếp hóa thân của thần Vishnu, giết được quỷ Hiraya Kapipu. Hình tượng đầu voi biểu trưng cho quyền năng của thần linh và thân hình sư tử là biểu trưng chiến thắng, uy quyền của vua. Tại các đền tháp, tượng Gajasimha thường được đặt trước cửa với vai trò bảo vệ sự tôn nghiêm cho công trình.
Lối vào Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Hai hiện vật tượng Ganesha và tượng Gajasimha trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, được giới nghiên cứu đánh giá là những hiện vật độc bản, có giá trị độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật Chăm Pa và xứng đáng được công nhận là bảo vật quốc gia.
3. Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nằm cách trung tâm TP.Đà Nẵng khoảng 3km về phía Đông, cách phố cổ Hội An về phía Tây khoảng 29km. Vì thế, du khách có thể đi ô tô, xe máy hoặc đón xe buýt để đến đây. Giá vé vào cổng tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là 60.000 đồng/người tham quan đối với người lớn và 10.000 đồng/người đối với sinh viên. Học sinh tham gia các chương trình giáo dục được miễn phí vé tham quan.
Đặc biệt, du khách có thể kết hợp tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với các địa điểm sau đây: Chợ Cồn là một trong những khu chợ nổi tiếng và lâu đời nhất Đà Nẵng. Ngoài các mặt hàng thiết yếu, nơi đây là còn thiên đường ăn uống dành cho các tín đồ ẩm thực; Dạo sông Hàn về đêm là trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua trong các chuyến du lịch Đà Nẵng. Sau khi khám phá Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, du khách có thể thuê một con thuyền, vừa thưởng thức bữa tối vừa ngắm nhìn những cây cầu nổi tiếng của Đà thành; Cung Văn hóa Thiếu nhi quận Hải Châu nằm trong top tọa độ check-in hot nhất Đà Nẵng. Những mảng tường ấn tượng, đầy màu sắc sẽ là background siêu xinh cho du khách tha hồ “sống ảo”.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)