Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Khám phá bờ biển nguy hiểm bậc nhất hành tinh nhưng cực hút du khách

Tạp Chí Giáo Dục

Xác tàu đắm la liệt cùng khung cảnh ấn tượng là những điều khiến bờ biển Skeleton ở Namibia trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích nhất trên thế giới.
Là một quần thể gồm cát sa mạc xen kẽ với ghềnh đá, bờ biển Skeleton là tên thường được dùng để gọi toàn bộ đường bờ biển dài 1.500km của Namibia.
Cái tên này bắt nguồn từ năm 1933, khi một chiếc máy bay bay từ Nam Phi đến Vương quốc Anh bị rơi gần bờ biển, khi đội cứu hộ của Anh và Nam Phi đến nơi, những ngư dân địa phương cho biết: "Đừng tìm kiếm làm gì cho mất công, nếu có thể tìm thấy phi công thì anh ta chỉ còn là Skeleton thôi" – theo tiếng địa phương, Skeleton có nghĩa là bộ xương. Kể từ đó, bờ biển này được đặt tên là "bờ biển xương trắng".
Nơi đây xưa kia được các thủy thủ Bồ Đào Nha gọi là "cổng Địa ngục" bởi sự nguy hiểm ngoài khơi bờ biển với sương mù và các rặng đá ngầm. Phần diện tích đất liền khoảng 20.000km vuông là một quần thể chỉ toàn cát sa mạc xen kẽ với ghềnh đá, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nơi đây không thể phát triển tài nguyên cảng biển và ẩn chứa những nguy hiểm chết người.
Trong vùng biển có nhiều đá ngầm và dòng hải lưu nhanh, vì vậy tàu sẽ dễ mắc cạn trên các bãi đá ngầm. Khi bơi vào bờ, thủy thủ đoàn sẽ phải đối mặt với môi trường khắc nghiệt của vùng đất vắng người trên sa mạc, theo đó là sư tử, linh cẩu đói luôn rình rập.

Ngoài ra, nhiệt độ cao của sa mạc gần biển cát va chạm với dòng chảy lạnh giá Đại Tây Dương, điều này khiến cho cường độ gió trung bình quanh năm ở đây là đạt cấp độ 8 – phản lực đột ngột và gió mạnh.
Yếu tố thời tiết này sẽ đẩy tàu nhanh chóng đến khu vực nhiệt độ cao của sa mạc, và "thổi" những con tàu vào bờ biển Skeleton, trong khi các ghềnh đá ngầm trong khu vực có thể dễ dàng xé tàu ra từng mảnh. Khí hậu và những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy khiến cho bài toán cải tạo dường như không có lời giải.
Trong vùng biển có nhiều đá ngầm và dòng hải lưu nhanh.
Theo thống kê, tại đây đã xảy ra vô số vụ tai nạn tàu biển, khiến nhiều tàu bị phá hủy và theo đó là rất nhiều người phải bỏ mạng. Có tổng cộng 1.051 con tàu lớn nhỏ khác nhau trên tuyến phía nam của bờ biển Skeleton gặp nạn, và số người chết là hàng chục nghìn người, với tỷ lệ tử vong là gần 100%.
Dù nguy hiểm là vậy, trên bờ biển Skeleton có khá nhiều địa điểm nổi tiếng như mỏ kim cương, giàn khoan dầu, vịnh sư tử, dàn đánh cá trên biển, đài quan sát hải cẩu và vịnh tàu đắm.
Những mỏ kim cương ở đây được khai thác từ thời phát xít Đức, nơi đây từng là một thị trấn sung túc phồn thịnh, là hòn ngọc sáng của Namibia. Do khai thác tự nhiên và lạm dụng sức người quá mức, nhiều mỏ tự nhiên đã gần như bị phá hủy, những người công nhân mỏ hầu như "có vào nhưng không có ra". Nhiều người gọi những mỏ kim cương ở đây với cái tên "mỏ ăn thịt người".
Vào năm 2010, để ngăn chặn thị trấn khai thác mỏ bị khách du lịch phá hủy, Namibia đã hạn chế khu vực du lịch trong phạm vi 5 km tính từ khu mỏ, chỉ những khách du lịch có thẻ đặc biệt mới được vào thị trấn để tham quan.
Ngoài tài nguyên thiên nhiên, nơi đây còn có số lượng các loài động vật phong phú.
Vịnh sư tử là nơi trú ngụ của hàng trăm loài động vật khác nhau với số lượng được bảo tồn đáng kinh ngạc. Ở phần rìa sa mạc nóng, có những đàn hải cẩu thường có dân số lên tới 10.000 con, thậm chí có thể lên tới một triệu con vào mùa sinh sản vào tháng 12 hàng năm, chúng phân bố dày đặc trên đường bờ biển dài 10 km. Nguyên nhân là do nơi đây không có sự can thiệp của con người, vì thế nguồn cá vẫn dồi dào phong phú, hơn nữa nơi đây cũng không có ô nhiễm và sự đe dọa săn bắt từ con người.
Tuy nhiên, mỗi năm, giới chức trách Namibia chỉ lên danh sách cho 800 khách du lịch tới đây, một phần vì muốn giữ nguyên hiện trạng, một phần bởi nơi đây thực sự quá nguy hiểm để du lịch. Khách không thể tự đến và tự đi mà cần phải làm theo những bước bảo vệ chặt chẽ để không xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Có lẽ vì số lượng ít như vậy, sự hứng thú của mọi người đối với nơi đây ngày càng tăng, danh sách chờ có khi lên tới vài chục nghìn người.
Hằng Đoàn (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)