Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khám phá đảo chè Thanh Chương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những dòng nước trong xanh uốn lượn quanh từng đồi chè xanh tươi cùng một khung cảnh vô cùng thơ mộng. Đó là nét đẹp hữu tình của những đảo chè vùng đất Thanh Chương, tỉnh Nghệ An mà ai đã đến một lần vẫn còn vương vấn mãi.

Thuyền đưa du khách đến đảo chè Thanh Chương

Với vẻ đẹp hoang sơ miền sơn cước, cùng bàn tay cải tạo của con người, đảo chè Thanh Chương được biết đến như một “vịnh Hạ Long ở vùng đất xứ Nghệ” mà mới chỉ nghe tiếng ai cũng muốn đến nơi đây để khám phá.

Thơ mộng những “ruộng” chè bậc thang

Trong các tour du lịch về quê hương xứ Nghệ gần đây, ngoài các địa danh quen thuộc như bãi biển Cửa Lò, làng sen quê Bác, cánh đồng hoa hướng dương Nghĩa Đàn… thì đảo chè Thanh Chương đã trở thành một địa chỉ mới mẻ nhưng lại có sức hấp dẫn đặc biệt không thể bỏ qua.

Sau gần một tiếng đi xe từ TP.Vinh, chúng tôi đã đến địa phận xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An lúc ánh nắng mặt trời buổi ban mai vẫn còn dịu mát. Qua những cánh đồng thửa ruộng xanh, mùi hương của đất của lúa thổi vào ngực làm cho tinh thần mọi người càng thêm sảng khoái hơn. Sau khi tạm biệt những mảnh vườn quê, con đường đất chạy bao quanh những ngọn đồi thấp có đủ các loại hoa màu như sắn, khoai, ngô nhưng nhiều nhất vẫn là cây chè. Những ngọn đồi đầy như mâm xôi nhìn từ xa giống như con ốc khổng lồ khoác những tấm áo màu xanh được họa tiết bằng những luống chè đều tăm tắp. Chỉ đến khi chiếc xe khách dừng lại bên lũy tre đằng ngà, đảo chè mới hiện ra trong mắt mọi người. Đó là những đồi chè nằm san sát nhau một cách ngẫu hứng đang đứng soi bóng dưới dòng nước trong xanh. Cho đến khi ngồi trên chiếc thuyền máy đẹp như thuyền rước dâu chở vào tận trung tâm đảo chè, chúng tôi mới được nghe kể nhiều câu chuyện về danh lam thắng cảnh độc đáo này. Anh Trung – chủ thuyền máy cho biết: “Nhiều năm trước đây, những đồi sim hoang dại được người dân khai phá để trồng chè vốn là cây công nghiệp phát triển mạnh ở vùng đất Thanh Chương. Thế nhưng, sau công trình thủy lợi ngăn đập Cầu Cau, toàn bộ nơi đây đã biến thành đảo chè vì nước trong đập lớn bao bọc xung quanh”. Một công đôi việc, không ngờ công trình thủy lợi lớn nhất Thanh Chương lại cho ra đời một điểm du lịch mới. Ngay cả những chủ nhân trồng chè lâu năm nơi đây cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp có một không hai của những đảo chè mọc lên tưởng như chỉ có trong một giấc mơ. Và thế là giống như một cô sơn nữ vùng đất xa xôi ít người biết tới, đảo chè Thanh Chương bỗng biến thành nàng công chúa đẹp mê hồn trong mắt của những người biết làm du lịch. “Ban đầu chỉ có vài người dân trong huyện đến tham quan nhưng lâu dần tiếng lành đồn xa, lan ra ngoài tỉnh đến nay nơi nào cũng biết đến đảo chè Thanh Chương làng tui” – chị Phương, người dân địa phương khoe!

Thuyền máy bắt đầu rẽ nước chạy băng băng qua những “ốc đảo xanh”, cảnh đẹp nơi đây khiến nhiều người không thể thờ ơ được. Giữa không gian tĩnh mịch, chiếc thuyền lướt nhẹ vòng quanh các đảo chè. Mỗi một khoảng không gian mở ra là một lần du khách trầm trồ trước phong cảnh thơ mộng, bình yên. Toàn bộ đảo chè dần dần lọt vào những thước phim quay chậm đủ sắc màu của cây lá, âm thanh của chim chóc và ánh nắng lấp lánh như đang nhảy múa trên mặt nước xanh lam. Đến một “hòn đảo” lớn, chiếc thuyền máy giảm tốc độ và dừng lại để cập bến.

Bức tranh đất Thanh An

Đường dốc quanh co nhưng không ngăn nổi bước chân của du khách dù lúc này ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt hơn. Trong những hàng chè thẳng lối, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng những cô gái hóa trang thành thiếu nữ miền núi để chụp hình làm kỷ niệm. Rất nhiều đôi trai gái cũng tìm mọi cách để có những phút giây lãng mạn bên vườn chè. Cho đến khi lên tới đỉnh đồi, phóng tầm mắt ra xa mọi người mới bất giác reo lên: “Ồ, đẹp quá”. Ai cũng thấy, ngắm đồi chè lúc đi thuyền máy đã mê hồn, nhưng lúc lên cao nhìn xuống ngắm toàn bộ khung cảnh của đảo chè còn đẹp gấp nhiều lần. Những đồi chè nơi đây đã tạo nên từng nét vẽ đầy thơ mộng cho bức tranh quê hương xứ Nghệ tha thiết chào mời như trong câu ca dao: “Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ”. Nhìn bức tranh giữa thiên nhiên nơi đây, nhiều người liên tưởng đến vẻ đẹp sặc sỡ có một không hai của ruộng bậc thang vùng núi Tây Bắc. Lúc này mọi người mới hiểu vì sao trong những năm gần đây, đảo chè Thanh Chương trở thành điểm dừng chân lý thú thu hút du khách về vãn cảnh, chụp hình, chiêm ngưỡng. Được biết, cao điểm mỗi ngày có hàng chục đoàn trong và ngoài nước đến đây tham quan và khám phá.

Một góc của đảo chè Thanh Chương

Vào mùa cưới có rất nhiều đôi uyên ương chọn các đảo chè để làm “phim trường” thỏa thuê tạo dáng lưu lại những bức hình cưới lung linh và hạnh phúc. Du khách nào mỏi thì dừng chân bên vài lán lợp tre nứa sơ sài thưởng thức kẹo cu-đơ và bát nước chè xanh – hai thứ đặc sản nổi danh của vùng quê Nghệ Tĩnh. Nhìn sang vài bến đò khác cũng thấy du khách tha hồ tản bộ, leo dốc, ngắm cảnh hít thở không khí trong lành và không quên chụp ảnh lưu niệm quanh những luống chè xanh.

Chưa dừng lại ở đó, chiếc thuyền máy lại làm người dẫn đường đưa chúng tôi đi một vòng quanh đập Cầu Cau. Bức tranh sơn thủy hữu tình kéo dài mãi giống như đang ngồi trên chiếc tàu lớn dạo chơi giữa kỳ quan vịnh Hạ Long quen thuộc. Đi qua những đầm cạn sen nở bạt ngàn tỏa mùi hương thơm ngát làm nhẹ lòng du khách giữa trời trưa nắng. Vừa mời gọi mua trà, chị Phương vừa nói: “Huyện Thanh Chương có hơn 4.000ha chè, riêng ở đây tính diện tích cả đập Cầu Cau cũng có đến 82ha, nếu mà đi bộ cũng mỏi cả chân. Cũng nhờ có đảo chè này mà nhiều người dân có thêm công ăn việc làm đặc biệt là được đón tiếp nhiều du khách từ mọi nơi về đây, làng chúng tôi không còn là vùng đất “khỉ ho cò gáy” như xưa”. Người phụ nữ 40 tuổi nở nụ cười rạng rỡ giữa khung cảnh đẹp nên thơ càng làm cho du khách thêm yêu mến vùng đất xinh đẹp nơi này.

Bài, ảnh: Phương Đăng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)