Không chỉ là quê hương của vũ điệu Flamenco sôi động, những trận đấu bò tót li kỳ, Tây Ban Nha còn nổi tiếng bởi những cảnh đẹp, những công trình kiến trúc đặc biệt nguy nga, tráng lệ làm mê đắm lòng người. Ẩm thực Tây Ban Nha rất phong phú và đa dạng với những món ăn được chế biến độc đáo. Vì thế, “xứ sở bò tót” luôn là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách khi muốn khám phá châu Âu.
Quảng trường Tây Ban Nha Sevilla là địa điểm mà du khách cần phải khám phá
Những địa danh nổi bật
Blogger Đoan Trường chia sẻ: “Khí hậu ở Tây Ban Nha ôn hòa nên du khách có thể đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Vào mùa đông, du khách sẽ được thưởng thức vẻ đẹp trầm lắng của Tây Ban Nha dưới cái lạnh 10 độ C. Vì không quá lạnh nên bạn hoàn toàn có thể tham quan, khám phá quốc gia này bình thường.
Mùa xuân từ tháng 3 đến hết tháng 5 là thời điểm Tây Ban Nha nhộn nhịp với những lễ hội lớn. Sau một mùa đông lạnh lẽo thì cảnh quan vào mùa này cũng trở nên xinh đẹp hơn bao giờ hết. Đây là thời gian mà du khách đến đây khám phá nhiều nhất”.
Cầu máng Segovia được UNESCO công nhận là Di sản kiến trúc thế giới năm 1985
Quảng trường Tây Ban Nha Sevilla là địa điểm mà du khách cần phải khám phá. Nằm trong Công viên María Luisa xanh mát của thành phố Sevilla, miền Nam Tây Ban Nha, Quảng trường Tây Ban Nha Sevilla với kiến trúc ấn tượng, là một trong những quảng trường trung cổ đẹp nhất châu Âu. Công trình biểu tượng của Sevilla được xây dựng từ năm 1914 đến năm 1929, do kiến trúc sư Aníbal González thiết kế. Quảng trường Tây Ban Nha Sevilla có hình bán nguyệt với đường kính 200m, được bao quanh bởi nhà thờ, phòng trưng bày và những bảo tàng mang đậm phong cách thời kỳ Phục Hưng. Đặc biệt, quảng trường có những hốc tường được lát gạch gốm rực rỡ, mỗi hốc tường đại diện cho một trong 50 tỉnh của xứ sở bò tót. Đây chính là khu vực hấp dẫn du khách nhất.
Cung điện hoàng gia Tây Ban Nha (Palacio Real) tại Madrid là một trong những cung điện lớn nhất ở Tây Âu. Cung điện bắt đầu được xây dựng vào năm 1738, là nơi ở chính thức của hoàng gia Tây Ban Nha từ vua Carlos III đến vua Alfonso XIII.
Du khách cũng không thể bỏ qua Cầu máng Segovia, cây cầu dẫn nước dài nhất được xây dựng vào thời La Mã cổ đại, theo phong cách kiến trúc La Mã cổ đại còn lưu giữ tại thành phố Segovia, Tây Ban Nha. Cầu có chiều dài 728 mét và chiều cao 28 mét. Công trình vĩ đại này được tạo nên bởi những khối đá granit khổng lồ được ghép lại với nhau một cách khéo léo và thông minh mà không dùng đến vôi vữa. Với kiến trúc độc đáo, Cầu máng Segovia được UNESCO công nhận là Di sản kiến trúc thế giới năm 1985.
Trải nghiệm ăn thịt lợn muối ở Tây Ban Nha
Blogger Đoan Trường cho biết: “Khi nhắc đến ẩm thực Tây Ban Nha, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món thịt lợn muối Iberico siêu đắt đỏ nhưng hương vị cực ngon và hấp dẫn. Giá thịt lợn muối Tây Ban Nha tương đối cao, được phân loại từ 2 triệu – 25 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều thực khách sẽ “sốc” khi biết đến một loại cực đắt lên tới 4.000 Euro (khoảng 100 triệu đồng/kg). Tôi cũng như nhiều du khách Việt đam mê du lịch khám phá và ẩm thực khi đến đây đã cất công tìm đến nhà hàng nổi tiếng Museo de Jamon tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, một trong những nơi bán thịt đùi lợn muối Iberico này”.
Miếng thịt lợn muối Iberico được thái mỏng khi thưởng thức
Thịt lợn muối Iberico là giống lợn đen có nguồn gốc từ lợn rừng, to lớn, chân thon, mõm dài, ít lông. Lợn được chăn thả lang thang trong rừng, ăn những quả sồi rơi trên mặt đất suốt từ mùa thu năm trước tới mùa xuân năm sau. Thời gian còn lại, chúng được cho ăn cỏ, ôliu, ngũ cốc mà không sử dụng các loại hormone tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh.
Thời gian chăn nuôi thường từ ba năm trở lên, tới khi đạt trọng lượng khoảng từ 150 đến 180kg là có thể đóng dấu kiểm định chất lượng để mang đi chế biến. Sau khi xuất chuồng, thịt lợn phải trải qua một quá trình ủ muối và chế biến rất cầu kỳ. Phần đùi được dùng làm thịt muối, các phần thịt còn lại làm xúc xích, jăm bông. Đùi lợn được ủ muối trong 10 ngày, bảo quản ở 0 độ C. Tiếp đó, thịt được rửa sạch muối và treo trong phòng lạnh khoảng hai tháng.
Sau đó, chúng được sấy khô tự nhiên trong vòng một năm ở 30 độ C. Cuối cùng chúng được treo trong hầm kín với nhiệt độ thấp hơn, khoảng 20 độ C trong 2 năm. Như vậy tổng thời gian từ khi chăn nuôi tới khi bán ra có thể lên tới 7 năm.
Đầu bếp phục vụ món này phải trải qua khóa đào tạo đặc biệt và dùng riêng một bộ dụng cụ có một giá lớn bằng gỗ với phần kẹp kim loại để cố định đùi lợn và một con dao. Khi mua về nhà, thực khách cũng được tặng kèm cẩm nang và dụng cụ y hệt như thế để tự thực hiện cho đạt được hương vị chuẩn. Miếng thịt cắt ra phải thật mỏng như tờ giấy nhưng không bị nát, có đủ mỡ, nạc. Trước khi chế biến một chiếc đùi lợn, lớp da và mỡ bên ngoài có thể được cắt riêng trước và xương sau cùng đem hầm lấy nước nấu súp.
Blogger Đoan Trường tại cửa hàng thịt lợn muối Iberico nổi tiếng Tây Ban Nha
Do được chăn nuôi hữu cơ, chủ yếu bằng hạt sồi nên thịt có mùi thơm của hạt sồi rất đặc trưng. Sau khi đầu bếp thái thịt, thực khách sẽ ăn ngay tại chỗ bởi thịt ngon nhất là thưởng thức lúc này, bằng với nhiệt độ phòng, dùng kèm bánh mì nướng, phô mai và rượu vang. Thịt luôn được treo nguyên đùi, có ghi xuất xứ, chủng loại, thành phần, mã vạch để khách có thể tự tra cứu thông tin.
“Đa phần du khách đi theo nhóm đến đây thường hùn tiền mua loại thịt muối có giá 1.000 Euro/kg để nếm thử. Loại này mùi thịt khá thơm như gỗ sồi cháy hòa cùng vị mặn mặn nên không cần thêm gia vị nào cả, dùng ăn với vài lát bánh mì trắng là tự nhiên nhất. Đặc biệt phần mỡ không hề ngấy như thịt lợn thường mà rất thơm, dẻo và chắc. Đây chắc chắn là một trải nghiệm ẩm thực thú vị của du khách khi đến với Tây Ban Nha” – blogger Đoan Trường cho hay!
Đoàn Phước Trường
Bình luận (0)