Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Khám phá “đường sắt trên không” sang Lào

Tạp Chí Giáo Dục

Đi trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Lâm Hóa và Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) thỉnh thoảng lại bắt gặp giữa rừng sâu vài trụ bêtông lớn bám đầy rêu phong.

Đó là vết tích tuyến đường sắt trên cao người Pháp đã xây dựng cách nay hơn 80 năm để vận chuyển tài nguyên từ Trung Lào về VN.

Những trụ bêtông của “đường sắt trên không” tại khu vực đồi Cầu Trập

Ảnh: M.Văn

Những vết tích gợi biết bao nỗi niềm thời xa xưa đã thôi thúc chúng tôi làm một hành trình khám phá với điểm xuất phát từ Đồng Hới lên phía tây bắc.
Những dấu tích giữa rừng xanh
Vượt hơn 100km, đến khu vực cầu Ca Tang sẽ bắt gặp những trụ bêtông cao đến 10m sừng sững vươn lên giữa màu xanh núi rừng. Đi tiếp đến vùng Cầu Trập lại gặp các trụ bêtông ẩn hiện giữa cây cỏ. Dù đã hơn 80 năm nhưng vùng đồi xung quanh các trụ bêtông vẫn còn dấu tích của thời người dân ăn ở làm đường. Đó là những cây bưởi mà dân phu đã trồng lấy quả ăn, những đoạn đá xếp chồng chống thú dữ, những hòn đá đầu rau làm bếp nấu cơm…
Đặc biệt, ở vùng Thanh Lạng còn cả mấy đường hầm xuyên qua núi. Dù đã phủ đầy rêu phong, cây cỏ nhưng đường hầm vẫn còn vững chắc, trần hầm khô ráo, không hề có các vết nứt nẻ, thấm dột. Người dân vùng Thanh Lạng và các phương tiện cơ giới giờ vẫn dùng đường hầm này để qua lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa nhưng không mấy ai biết đó là đường hầm gì, tại sao lại có giữa rừng núi cao, xa thẳm.
Theo hồi ức của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, trong những năm đầu chống Mỹ, khi lên đường 12A ông vẫn còn thấy nhiều vết tích của con đường sắt này. Đó là những đống sắt được phá dỡ ra từ các ga đường dây cáp ở La Trọng, Cha Mác…
Trong tùy bút Đường huyện Tuyên của Lê Khai cũng có ghi lại cảnh những người dân nghèo ở huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa (Quảng Bình), Hương Khê (Hà Tĩnh)… khi đi dây cáp trên tuyến đường sắt qua Lào này: “Không biết bao nhiêu mạng người bị điện tắc phải treo lủng lẳng giữa tầng không, nuốt toàn không khí lạnh cho đến khi các thùng sắt đổ xuống các ga Nhám, Cha Mác, Banaphào (Lào) thì đã thành người chết cứng. Đó là chưa kể cái nạn dây cáp bị vướng, móc thùng bật ra nhào xuống vực sâu…”.
Ngày xưa ấy, ở đây là chốn rừng thiêng nước độc, thú dữ quần tụ. Áp bàn tay lên thành hầm như cảm nhận được sinh khí của lịch sử, của những người dân phu khổ cực đã làm nên nó bằng máu xương của mình…
Hầm đường sắt Thanh Lạng (xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) Ảnh: M.Văn
Tuyến đường xưa và nỗi niềm mong ước
Trong cuốn Lịch sử ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình (1885-1999) có viết từ năm 1893 người Pháp bắt đầu mở mang các tuyến đường giao thông quan trọng ở VN, gọi là “đường thuộc địa”. Tại Quảng Bình, người Pháp rốt ráo tìm cách khai thác tài nguyên khoáng sản, thuốc phiện ở vùng Trung Lào, vì vậy một tuyến đường bộ từ ga Tân Ấp (huyện Tuyên Hóa) lên biên giới Việt – Lào được thực thi.
Tuyến đường dài hơn 70km, nối đường 12 qua thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, Lào. Do núi rừng ở đây quá hiểm trở, người Pháp buộc phải làm thêm một tuyến đường cáp treo băng qua núi cao gọi là “không trung thiết lộ” (đường sắt trên không). Tuyến “không trung thiết lộ” dài 65km, có điểm đầu tại ga Cha Mác, thuộc Xóm Cục, xã Thanh Hóa sang đến bản Nà Phào, tỉnh Khăm Muộn.
Để xây dựng tuyến đường sắt trên không này, người Pháp đã bắt dân địa phương đi làm phu phen, tạp dịch vô cùng cực nhọc. Bà Nguyễn Thị Đào (71 tuổi, xã Thanh Hóa) cho biết: “Các ông bà cụ nhà tui kể ngày đó người Pháp đã bắt hàng ngàn dân đi làm đường sắt. Họ chỉ trang bị cho dân dụng cụ như choòng, xà beng, búa, đục… để dân khoét núi xây dựng đường hầm. Đất đá đào bới mang ra đổ ngổn ngang, có nơi còn cao hơn cả nóc nhà…”.
Sau 7, 8 năm, đoạn đường hầm ở Thanh Lạng mới được hoàn thành với chiều dài gần 500m, rộng 6m, cao 5m. Trần hầm dày 50cm đúc bằng hỗn hợp đá cuội, mật mía, vôi và ximăng.
Ông Nguyễn Hữu Được, gần 80 tuổi, cho biết: “Ngoài hầm Thanh Lạng được xây dựng từ năm 1932, cách đó khoảng 2km còn có hầm Trệng. Ngày trước ôtô ray chạy theo đường sắt trên bộ, từ Tân Ấp đến các điểm tiếp theo là cầu Cốt Bốn, Thanh Thạch, Khe Hà, ga Thanh Lạng, hầm Thanh Lạng, cầu Trập, hầm Trệng, cầu Trệng, cầu Xóm Chuối và dừng ở điểm cuối ga Lâm Hóa.
Từ ga Lâm Hóa, tuyến đường sắt bắt đầu chuyển lên đường sắt trên không để chạy tiếp qua Lào. Đường có hệ thống trụ đỡ và dây cáp rất kiên cố cho xe goòng chạy”. Dọc đoạn đường sắt trên không có các ga Cha Mác, La Trọng, Mòn, Bãi Dinh… Đây cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi của nhân viên áp tải hàng hóa trên các xe goòng.
Tháng 8-1945, nhằm ngăn chặn sự di chuyển của các binh đoàn cơ động của quân Pháp, một số điểm trọng yếu trên tuyến đường sắt trên không bị Việt Minh phá hủy. Cũng từ đó tuyến đường sắt trên không này ngừng hoạt động. Trong thời kỳ chống Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã dùng hầm xuyên núi Thanh Lạng làm nơi chứa lương thực, súng đạn và xe đạp cho dân công hỏa tuyến thồ hàng hóa theo đường 12A vào chiến trường phía Nam hoặc sang Lào.
Nhìn những di tích còn lại của “đường sắt trên không”, nhiều người đã ao ước giá như nó được phục hồi để khai thác du lịch, phát triển kinh tế với Lào, Thái Lan. Còn chúng tôi, mỗi lần đi qua vùng rừng núi này, nhìn những cột bêtông vững chãi, trong tâm tưởng cũng không khỏi nhen lên điều ao ước…
“Ước ao mở lại tuyến đường sắt qua Lào là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với quy hoạch và hướng phát triển giao thông của tỉnh cũng như của VN, hướng đến sự thông thương với các nước Lào, Thái Lan, tạo một hành lang ra biển Đông khá gần và thuận lợi. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang lập dự án đường sắt nối VN – Lào, trong đó đoạn trên đất VN là từ Mụ Giạ về đến vùng Tân Ấp (hiện đang có ga Tân Ấp trên tuyến đường sắt Bắc – Nam – PV). Tuy nhiên có trùng với tuyến đường sắt cũ của người Pháp hay không thì chưa rõ".
Ông PHẠM QUANG HẢI (giám đốc Sở GTVT Quảng Bình)
LAM GIANG – MINH VĂN
Tuổi Trẻ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)