Trải qua hàng nghìn năm vùi chôn dưới lòng đất, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chứa nhiều điều bí ẩn khiến các nhà khoa học đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Còn hang đá Long Môn là thể di tích đã có hơn 1.500 năm lịch sử, là công trình điêu khắc quy mô lớn. Đây chính là 2 địa danh mà du khách đều muốn khám phá khi đến du lịch Trung Quốc.
Toàn cảnh hang đá Long Môn
Độc đáo lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những phát hiện khảo cổ chấn động nhất của thế kỷ 20. Hơn 50 năm sau phát hiện lần đầu nhưng đến nay đội quân gồm hơn 8.000 tượng binh sĩ đất nung vẫn còn là một ẩn số lớn đối với các nhà khảo cổ trên thế giới.
Để tìm hiểu hơn về đội quân hàng nghìn người sống động như thật, canh giữ hơn 2.000 năm trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng, blogger du lịch Đoan Trường đã tìm đến quần thể lăng mộ và bảo tàng Binh Mã Dũng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Khi đến đây, một cảnh tượng đáng kinh ngạc đập vào mắt đó là đội quân những binh sĩ đất nung được chôn cất để canh giữ “giấc ngủ” của hoàng đế Tần Thủy Hoàng rất sống động.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy thêm những di vật mới ở khu lăng mộ, hứa hẹn mang lại các ý nghĩa quan trọng như 25 bức tượng bằng gốm mới được khai quật từ hố số 1.
Các tác phẩm điêu khắc tại hang đá Long Môn
Các tượng đất nung được mô tả rất sống động, giống y như người thật và được nặn rất chi tiết, từ móng tay cho đến kiểu tóc. Điều đặc biệt, không có khuôn mặt nào giống cái nào, như thể nó dùng để mô phỏng theo khuôn mặt thật của các nghệ sĩ làm ra nó, hay là chính những khuôn mặt của các quân sĩ thời đó. Ngoài ra còn có vũ khí, đồ trang sức, ngựa chiến, tiền xu.
Quần thể tượng được sắp đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt. Hầm thứ nhất có 6.000 binh mã là đội quân chủ lực. Hầm mộ thứ hai có diện tích 19.659 mét vuông, chứa khoảng 1.500 tượng kỵ binh và bộ binh đi cùng xe ngựa. Hầm mộ thứ ba có diện tích 1.524 mét vuông chứa 68 pho tượng, là đội chỉ huy các cấp khác nhau với một xe tứ mã. Ước tính trong số 3 hầm mộ, số lượng của “Đội quân đất nung” đã lên tới hơn 8.000 binh sĩ cùng với 130 xe ngựa, 520 ngựa, phần lớn trong số đó hiện vẫn đang bị chôn vùi trong các khu gần lăng mộ.
Những con ngựa tìm thấy rất to lớn, dài khoảng 2m và khá nặng gần 200kg so với các chiến binh chỉ nặng 150kg. Dựa vào kết quả phân tích một vài bức tượng, họ đã tìm thấy trứng được dùng làm chất kết dính các lớp sơn màu trên tượng. Chính điều này khiến nó ít nhạy cảm với không khí ẩm trong hầm mộ hơn, kéo dài tuổi thọ của những bức tượng bởi lớp sơn trứng thường ổn định và không tan trong nước. Đồng thời, các protein của trứng cũng giúp cho sơn màu bám chặt vào lớp sơn mài, vốn để tạo độ dày và hoa văn hơn.
Kể từ khi được phát hiện ra năm 1974, cho đến nay việc khai quật khảo cổ vẫn được tiến hành và những cổ vật vẫn liên tục được phát hiện. Sở dĩ việc khai quật bị kéo dài như vậy là do binh mã bằng đất nung rất dễ vỡ và việc bảo vệ những bức tượng này rất khó khăn. Những tượng này được nặn từ đất sét, nung trong lò ở nhiệt độ thấp, sau khi nung xong được phết một lớp sơn lên bên ngoài để tăng độ bền.
Công trình điêu khắc quy mô lớn
Không chỉ nổi tiếng với những ngôi chùa cổ, Trung Quốc còn được biết đến như một cái nôi của nghệ thuật chạm khắc tượng Phật. Hang đá Long Môn tại tỉnh Hà Nam được xem là đại diện tiêu biểu cho loại hình nghệ thuật này. Quần thể di tích đã có hơn 1.500 năm lịch sử, là công trình điêu khắc quy mô lớn và cũng là Di sản văn hóa thế giới. Hang động trải qua gần 400 năm xây dựng, tính đến ngày nay thì di tích này đã có hơn 1.500 năm lịch sử. Long Môn là một quần thể lớn với 2.345 hang động và hốc đá nhân tạo. Đặc biệt, nơi đây còn sở hữu gần 2.800 bia đá, chữ khắc cùng 100.000 pho tượng Phật.
Blogger du lịch Đoan Trường tại lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Phụng Tiên là hang động có quy mô lớn nhất trong quần thể Long Môn, được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 618 đến năm 904. Chiều dài và chiều rộng của hang hơn 30m, mang dấu ấn của phong cách nghệ thuật khắc đá thời nhà Đường.
Hang động Long Môn được xây dựng từ năm 493 dưới thời Bắc Ngụy và tiếp tục mở rộng vào thời nhà Đường. Hai triều đại này nổi tiếng tôn sùng đạo Phật và tích cực xây dựng nhiều công trình Phật giáo, vì vậy hang động Long Môn là kiệt tác chạm khắc tiêu biểu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của Phật giáo ở Trung Quốc thời kỳ này.
Nổi tiếng nhất là tượng Phật Lư Xá Na cao 17,14m ngồi khoanh chân trên đài sen, nằm ngay ở cửa hang. Nhà Minh và nhà Thanh đã cố gắng chấn hưng văn hóa và các hang động Long Môn trở thành di tích được công nhận.
Có 5 hang động chính được xây dựng là: Cổ Dương, Tân Dương, Liên Hoa, Ngụy Tự, Hoàng Phủ Công. Trong đó, Cố Dương là hang động lâu đời nhất tại Long Môn nằm ở trung tâm đồi Tây và có khoảng 800 chữ khắc thư pháp.
Các hang động được hình thành trong một khu vực đá vôi dài 1km và được chạm khắc trên cả hai bờ sông. Các bức tượng trong hệ thống hang động này cao từ khoảng 2,5cm đến 17m.
Các tác phẩm điêu khắc tại đây thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng lẫn thiết kế khi có nhiều tượng là hình ảnh người phụ nữ và quan lại triều đình. Với lịch sử hàng nghìn năm, hang động Long Môn mang hơi thở độc đáo của Trung Hoa cổ đại.
Tổng quãng đường di chuyển từ trung tâm TP.Lạc Dương đến với Long Môn khoảng 15km. Vì thế, đa phần các tín đồ du lịch thường chọn xe buýt để đến với hang đá trong khoảng 1,5 giờ di chuyển.
Tọa lạc ở nơi non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình với khí hậu dễ chịu, hang Long Môn từ khi được khai quật đến nay luôn đón rất nhiều lượt khách đổ về tham quan. Với tổ hợp tượng Phật đồ sộ và sự sáng tạo nghệ thuật tinh tế, hang đá Long Môn đã được liệt kê vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO năm 2000.
Tuy nhiên, thời điểm mà nơi đây trở nên rạng rỡ nhất là vào mùa xuân (tháng 4 đến tháng 5) hoặc mùa thu (tháng 9 đến tháng 10). Lúc đó khí hậu ở Lạc Dương trở nên ôn hòa và dễ chịu, những ngày buổi sáng sẽ ngập tràn nắng ấm và rực sắc những loài hoa.
Đoàn Phước Trường
Bình luận (0)