Với hơn 45 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt hơn 190.000 tỷ đồng, ngành du lịch TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước với nhiều đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Năm 2025 với nhiều công trình, dự án hạ tầng được đưa vào hoạt động, ngành du lịch TP.HCM quyết tâm khai thác hết tiềm năng, lợi thế, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Bên thềm xuân Ất Tỵ 2025, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM đã chia sẻ với Giáo dục TP.HCM về định hướng của ngành du lịch TP.HCM trong thời gian tới.
+ Phóng viên: Năm 2024 ngành du lịch TP.HCM đã đạt được những thành quả như mong đợi. Là lãnh đạo ngành du lịch, bà thấy hài lòng với kết quả đó chưa hay có điều gì còn trăn trở?
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa: Vâng! Năm 2024 nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia và UBND TP.HCM cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả khả quan. Ngành du lịch TP.HCM tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam. Cụ thể, ngành du lịch đã đón trên 6,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và gần 39 triệu lượt khách nội địa, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu trên 190.000 tỷ đồng, tăng gần 19%. Các sản phẩm, sự kiện ngành du lịch tiếp tục được nâng tầm, nâng chất. Nhiều sản phẩm du lịch có tính sáng tạo cao, có giá trị văn hóa, lịch sử gắn với đặc trưng của TP đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân và du khách.
+ Xuân 2025 đã đến gần, bà đánh giá gì về thị trường du lịch Tết năm nay, thưa bà?
Dự báo thị trường du lịch Tết TP.HCM năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng bền vững. Năm 2024, TP đã có nhiều công trình, dự án hạ tầng được đưa vào hoạt động như: Tuyến buýt đường sông, tuyến Metro, Công viên văn hóa bờ sông… Đây là những điểm nhấn để phục vụ du khách trong dịp Tết năm nay. Với nhiều trải nghiệm mới, hấp dẫn chính là những yếu tố để thu hút người dân và khách du lịch đến với TP đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng thêm nhiều tour tuyến mới với phương tiện vận chuyển mới, kết nối nhiều điểm tham quan, tăng trải nghiệm cho du khách. Khách du lịch tại TP.HCM sẽ tránh được tình trạng kẹt xe, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí khai thác tour.
Năm nay, bên cạnh nhiều công trình, dự án hạ tầng được đưa vào hoạt động, các sự kiện có tính nhân văn như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” và các hoạt động văn hóa truyền thống xuyên suốt vốn là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong dịp Tết thì ngành du lịch đã có những sản phẩm mới.
Sản phẩm mới mà chúng tôi đề cập đến đó là chương trình tham quan “Trăng Chiến khu” tại Củ Chi. Chương trình này góp phần tăng sức hấp dẫn cho phân khúc du lịch văn hóa, lịch sử và mô hình kinh tế đêm. Các sản phẩm du lịch đường thủy mới cũng được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, nhất là sản phẩm “Saigon River Sightseeing” đưa du khách thưởng ngoạn TP bằng tàu hai tầng. Nhiều sản phẩm du lịch liên quận được hình thành từ kết quả của Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc trưng như: Hành trình về với cội nguồn, du lịch xanh – khám phá miệt vườn giữa lòng TP; Biệt động Sài Gòn – Những căn hầm huyền thoại, Một góc Sài Gòn xanh…
+ Trong năm 2025 ngành du lịch TP đặt mục tiêu như thế nào?
Trong năm 2025, ngành du lịch TP sẽ tập trung triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030” với mục tiêu chính là tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch TP. Ngành du lịch TP sẽ thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu trong năm 2025 là đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 45 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 260.000 tỷ đồng.
Ngành du lịch TP sẽ tập trung cho công tác phát triển sản phẩm đặc trưng của TP, xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm văn hóa – lịch sử với thông điệp hướng đến “hòa bình” và “hạnh phúc”. Xây dựng chính sách thu hút khách MICE và hoàn thiện hạ tầng để phát triển du lịch đường thủy, thúc đẩy phát triển du lịch ẩm thực.
Đồng thời, ngành du lịch TP tăng cường hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh. Đa dạng hóa loại hình du lịch, nhất là phát triển các sản phẩm du lịch đêm nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút du khách, tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú, công bố các chương trình khuyến mãi trong dịp Tết, lễ 30-4… đầu tư cho các hoạt động lễ hội, sự kiện có tính thu hút và kinh tế cao.
Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, phấn đấu “mỗi tháng một sự kiện” và đẩy mạnh kích cầu trong từng sự kiện.
Ngành du lịch sẽ phối hợp các ngành, các cấp chuẩn bị cho 3 dự án được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho sự phát triển của du lịch TP. Đó là hoàn thiện Công viên văn hóa lịch sử các dân tộc; hình thành Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc và hỗ trợ hình thành Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.
Chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch; tập trung triển khai “Đề án du lịch thông minh trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025”, triển khai chương trình “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”, xây dựng và triển khai đề án phát triển thương hiệu du lịch TP, gia tăng hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, chủ động đăng cai các sự kiện quốc tế và gia nhập các tổ chức quốc tế có uy tín trên lĩnh vực du lịch.
+ Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành du lịch sẽ làm gì để bứt phá hơn nữa trong tương lai?
Ngành du lịch TP nhận thức rõ những kết quả đã đạt được để tiếp tục phát huy và khắc phục những hạn chế để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hoàn thành việc xây dựng “Đề án phát triển du lịch TP đến năm 2030” với mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Song song đó, ngành du lịch TP đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch với Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 (Map 3D/360) kết nối TP.HCM và 62 tỉnh thành với 5 ngôn ngữ (Việt, Anh, Hoa, Pháp, Tây Ban Nha).
Xây dựng và triển khai Đề án phát triển thương hiệu du lịch TP, gia tăng hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng, chủ động đăng cai các sự kiện quốc tế và gia nhập các tổ chức quốc tế có uy tín trên lĩnh vực du lịch.
+ Xin cảm ơn bà!
Hồ Trinh thực hiện
Bình luận (0)