Hành trình khám phá những ngôi chùa nổi tiếng ở Nhật Bản mang lại cho tôi cơ hội quý báu khi đồng thời được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc Phật giáo được xem là “quốc bảo” của đất nước mặt trời mọc.
Chùa Đông Bản Nguyện Tự
Hồi đầu tháng 10 năm 2023, tôi có dịp đi Nhật Bản tham gia tổ chức Lễ hội phở Việt tại thủ đô Tokyo. Tình cờ, tôi gặp lại bạn cũ là hai anh chị người Nhật Bản từng có thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Biết tôi lần đầu đến Nhật, họ tư vấn tôi nên đi tham quan các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng tại các thành phố du lịch hàng đầu. Kèm theo đó là danh mục những điểm tham quan cụ thể. Tôi nói, những ngày ở Tokyo đã chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp, đông người, những ngày còn lại sẽ dành để trải nghiệm sự tĩnh lặng. Sau khi cân nhắc về mọi thứ mình đang có, nhất là về thời gian, tôi đã chọn đi… chùa, với bốn công trình tôn giáo nổi tiếng đều tọa lạc tại Kyoto.
Từ Tokyo, sau hơn 2 tiếng đi tàu cao tốc shinkansen, tôi đã đặt chân đến cố đô Kyoto. Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình ngoạn cảnh chùa Nhật Bản của tôi là Kim Các Tự (Kinkakuji), nghĩa là “chùa Gác Vàng”, hình ảnh đã đi sâu vào tâm khảm của tôi thời sinh viên, qua tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Mishima Yukio. Chùa được xây dựng vào năm 1397, sau trận hỏa hoạn đau thương do một tiểu tăng tu tại chùa phóng hỏa, chùa được xây dựng lại vào năm 1955, và đến lần trùng tu vào năm 1987, chùa mới được dát vàng, như hình ảnh chúng ta thấy ngày nay.
Chùa Ngàn Cột
Trong tác phẩm, tòa Kim Các Tự được mô tả “là một báu vật tuyệt thế”, “Trên thế gian này chẳng có gì đẹp như Kim Các”. Thoát khỏi không gian tác phẩm văn học, trước mắt tôi, Kim Các Tự hiện ra với cả vẻ đẹp lộng lẫy, chỉ khiêm tốn thôi, mà không cần phải quá đồ sộ, hoành tráng. Đến đây, du khách không được vào trong, mà chỉ có thể dạo quanh bên ngoài, ngắm tuyệt tác kiến trúc Phật giáo của Nhật Bản qua hàng rào gỗ.
Có một chi tiết khá thú vị, Kim Các Tự tiếng là chùa, nhưng hiện tại không có tăng, chủ yếu phục vụ khách tham quan, và ở lối ra còn có một số quầy bán đồ ăn và cả rượu sake! Trên lối đi ra, nhiều du khách dừng lại chỗ có để chiếc bình bát bằng sắt, từ ngoài vòng rào gỗ ném vào đó đồng tiền xu, cầu mong sự may mắn. Tôi cảm thấy tiếc nuối, vì biết rằng nếu đến đây trễ hơn một tháng nữa, tôi đã có cơ hội thưởng ngoạn khung cảnh ngập tràn lá vàng, lá đỏ của mùa thu, tựa bức phông tô điểm cho vẻ đẹp rạng ngời của tòa Kim Các.
Nghi thức hứng nước cầu bình an, hạnh phúc ở chùa Thanh Thủy
“Quốc bảo” thứ hai của Nhật Bản tại Kyoto là chùa Thanh Thủy (Kiyomizu). Chùa là một phần trong quần thể kiến trúc, văn hóa đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa cố đô Kyoto. Tài liệu ghi nhận chùa được xây dựng từ năm 778, qua nhiều lần trùng tu, đến lần trùng tu năm 1633 là lần sau cùng. Từ xa, chùa đã thu hút mọi ánh nhìn bởi tòa tháp nhiều tầng màu đỏ nổi bật giữa lưng chừng núi Otowa. Nhưng giá trị kiến trúc của di sản mang tên Kiyomizu chính là chánh điện được làm hoàn toàn bằng gỗ, gắn kết với nhau mà không nhờ một chiếc đinh nào. Hiên chánh điện nhô ra ngoài tạo thành điểm nhấn cho công trình kiến trúc này, cũng vừa là điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn khung cảnh chùa chiền ẩn hiện giữa rừng cây, xa xa là bóng dáng phố thị Kyoto cổ kính.
Chùa Thanh Thủy nằm ở lưng chừng núi có dòng suối chảy qua, gốc tích hình thành nên tên gọi của chùa, nghĩa là “dòng nước mát lành”. Và một khi đã đến đây, tất cả du khách đều tìm đến khu vực chân núi, nơi có dòng suối chảy ra, xếp hàng chờ đến lượt làm nghi thức hứng nước, uống vào ngụm nước mát lành, cầu may mắn, hạnh phúc và bình an.
Tác giả trước Kim Các Tự
Có một ngôi chùa nổi tiếng nằm gần khách sạn chúng tôi lưu trú, đó là chùa Đông Bản Nguyện Tự (Higashi Honganji) theo phái Tịnh Độ chân tông, được xây dựng lần đầu vào năm 1602. Kiến trúc ngôi chùa ngày nay là từ lần trùng tu vào năm 1895. Đến tận năm 1985, sảnh Goeido của chùa được xây dựng lại, trở thành một trong những cấu trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới. Vì lịch trình công tác những ngày sau đó tại Osaka, chúng tôi chỉ tranh thủ ghé thăm chùa Đông Bản Nguyện Tự chừng nửa tiếng. Dù ngắn ngủi nhưng tôi cũng cảm nhận phần nào vẻ đẹp chuẩn mực của công trình kiến trúc Phật giáo nổi tiếng này.
Trước khi rời Kyoto, chúng tôi đã đến thăm chùa Ngàn Cột (Fushimi Inari Taisha), được chú ý bởi ở đây có đến 10.000 chiếc cổng Torii, biểu tượng của Thần đạo Nhật Bản. Chùa được xây dựng vào năm 711, là nơi để mọi người đến cầu nguyện được bình an, thịnh vượng. Những cánh cổng Torii màu đỏ tươi cứ dẫn dắt tôi đi mãi vào bên trong, cảm giác như đang lạc giữa chốn mê cung. Với màu sắc nổi bật, hàng cổng Torii màu đỏ này là điểm chụp ảnh sống ảo ưa thích của nhiều du khách. Còn muốn làm như cách của người dân địa phương, du khách có thể tìm đến góc miếu có hòn đá tảng, dùng hai tay nhấc bổng lên, kèm theo lời ước nguyện. Đây là nghi thức tâm linh, nếu khi nhấc lên cảm thấy “vừa tay”, nghĩa là lời ước nguyện của mình đã ứng nghiệm!
Đi chùa Nhật Bản thấy có nhiều điều hay. Đầu tiên là cảm giác dễ chịu khi thấy tại các ngôi chùa nổi tiếng này đều rất đông người, nhưng không có cảnh xô bồ, chen lấn. Đặc biệt, tại những vị trí tâm linh như chỗ chân núi có dòng suối chảy ra ở chùa Thanh Thủy hay góc miếu tảng đá ước nguyện ở chùa Ngàn Cột, ai nấy đều xếp hàng rất trật tự để chờ đến lượt mình “làm phép”.
Tại các ngôi chùa đều có bán lễ vật cầu nguyện, nhưng tuyệt nhiên không có cảnh buôn thần bán thánh. Người ta biết cách tạo ra câu chuyện tâm linh, mà nhiều khi không phải, vì đó là nghi thức tâm linh truyền thống trong văn hóa Nhật Bản, có thể khác với người nước ngoài, nhưng du khách đều tin theo, và thực hiện các nghi thức tâm linh đó. Tôi nghĩ, cái chính là mục đích gieo duyên thiện lành, du khách thực hiện như một kiểu “tương tác” văn hóa. Và trong nhiều món quà lưu niệm tôi mua ở các ngôi chùa Nhật Bản, có một món quà, mang ý nghĩa tinh thần, đó là những chiếc “lá bùa” may mắn, bình an dành cho những người thân, và cho chú chó Nu bé nhỏ dễ thương của mình nữa!
Nhà văn Trần Văn Thưởng
Bình luận (0)