Đã từ lâu, địa danh “núi Voi” và “làng Gà” được khách du lịch, nhất là khách “phượt” biết đến; bởi đây là những địa danh lịch sử và văn hóa nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng đã được khai thác tự phát từ nhiều năm qua…
Làng Gà Đarahoa với tượng con gà trống 9 cựa được đúc từ khá lâu
Truyền thuyết và địa danh lịch sử
Nằm sát chân đèo Prenn (phía bên trái) thuộc địa bàn xã Hiệp An, huyện Đức Trọng – cửa ngõ vào TP.Đà Lạt có 2 ngọn núi cao liền nhau bốn mùa chìm trong sương trắng. Đỉnh núi phía trước cao hơn (1.756m) – giống hình đầu voi; phần cuối dài ra và hạ thấp xuống ở cuối đỉnh giống vòi voi; đỉnh núi sau thấp hơn và phình ra (tựa thân voi). Đứng từ xa nhìn lên giống như một chú voi phủ phục; từ lâu, người dân địa phương gọi là núi Voi.
Núi Voi gắn với truyền thuyết về một câu chuyện tình rất lãng mạn. Rằng, ngày xưa, ở khu vực La Ngư Thượng có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Chàng trai tên là K’Lang – con trai tộc Lát rất giỏi săn bắn và yêu muông thú; còn người con gái tên là Bian – con gái tù trưởng K’jrềnh của tộc Sre xinh đẹp, giỏi đan lát và có giọng hát rất hay khiến muông thú cũng phải ngẩn ngơ. Trong một lần vào rừng săn bắn, chàng K’Lang phát hiện một chú voi con bị mắc bẫy của bọn săn trộm, chàng đã mang về nhà chăm sóc, đến khi chú voi con khỏe mạnh chàng thả lại vào rừng. Biết chuyện, đàn voi lớn tìm đến trả ơn và xem chàng K’Lang và nàng Bian là ân nhân…
Dòng thác trắng như lụa vắt qua trên tuyến du lịch núi Voi
Dù yêu nhau thắm thiết, nhưng do hai bộ tộc có mâu thuẫn truyền kiếp nên cha nàng Bian nhất quyết ngăn cản hai người không cho kết hôn. Buồn tình, đôi trai tài gái sắc đưa nhau đến vùng La Ngư Thượng (khu vực hồ Tuyền Lâm ngày nay) ngày đêm ngồi bên nhau trò chuyện, ca hát cho đến kiệt sức và chết. Nghe tin đôi trai gái qua đời, đàn voi kéo về để chịu tang. Hai con voi lớn đầu đàn vì đi xa kiệt sức và đã chết dưới chân đèo Prenn – trở thành núi Voi ngày nay. Người dân tộc bản địa yêu quý đặt tên núi này là “Bơ nơm Rơ Was” (núi Voi – tiếng Kơ Ho)…
Có địa thế hiểm trở, điểm nối giữa khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ, nên trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, núi Voi trở thành căn cứ địa của cách mạng. Hiện nay, khu căn cứ núi Voi vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích như: Các hầm chiến đấu, hệ thống đường hầm hoạt động bí mật của lực lượng cách mạng năm xưa. Năm 2013, Khu căn cứ kháng chiến núi Voi được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.
Phía dưới chân núi Voi (bên phải) chừng 2km là làng Đarahoa của người dân tộc Kơ Ho bản địa. Tương truyền, ngày xưa làng này do cha nàng Bian cai quản. Nhờ đan lát giỏi nên nàng Bian đã dạy nghề cho con cháu người Kơ Ho duy trì cho đến ngày nay. Còn tên gọi “làng Gà” được bắt nguồn từ bức tượng một con gà trống được làm bằng xi măng cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn, có đôi chân to khỏe với 9 chiếc cựa, bức tượng đặt trên một mô đất cao 1,5m ngay giữa làng Đarahoa. Chẳng ai còn nhớ tượng gà do ai và xây dựng tự bao giờ, họ chỉ biết làng Đarahoa được người ta gọi “làng Gà” từ lâu lắm rồi…
Tuyến du lịch dã ngoại hấp dẫn
Đã từ lâu, địa danh “núi Voi” và “làng Gà” được khách du lịch, nhất là khách “phượt” biết đến; bởi đây là những địa danh lịch sử và văn hóa nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng đã được khai thác tự phát từ nhiều năm qua… |
Quần thể núi Voi, khu rừng già núi Voi và làng Gà trong nhiều năm qua đã hình thành tuyến du lịch leo núi, dã ngoại rất hấp dẫn đối với khách du lịch. Trước đây đã có một công ty đầu tư một số hạng mục phục vụ khách du lịch như xây dựng khu nhà sàn, thiết kế những ngôi nhà trên cây… Song, vì nhiều lý do nên những năm qua, tuyến du lịch núi Voi – làng Gà bị “bỏ quên” và trở thành điểm du lịch tự phát…
Toàn bộ tuyến du lịch này dài chừng 8km (trong đó, 6km đường rừng và 2km đường bằng); Xuất phát từ Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt, điểm kết thúc hành trình là “làng Gà” – thôn Đarahoa (xã Hiệp An – huyện Đức Trọng). Để trải nghiệm tuyến du lịch này, du khách có thể chọn cung đường mạo hiểm nhưng thú vị bằng cách men theo triền đồi trải đầy lá thông khô, thám hiểm sự hùng vĩ, kỳ thú của núi Voi. Với cung đường này, càng lên cao, du khách càng khám phá những điều vô cùng thú vị của thiên nhiên với những con suối nhỏ nước chảy vắt ngang lối đi, thỏa thích ngắm những cành lan rừng đủ màu sắc treo trên những thân cây cổ thụ; gặp một hồ nước trong xanh giữa bốn bề rừng núi hoang sơ, chinh phục đỉnh Pin Hatt để quan sát toàn cảnh TP.Đà Lạt bồng bềnh trong sương giăng. Đặc biệt, trên tuyến du lịch này, du khách sẽ được tận mắt ngắm rừng thông đỏ quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, với 411 cây từ 200-500 tuổi đã được đánh số, định vị tọa độ để quản lý bảo vệ nghiêm ngặt và gặp những cây phong màu lá thay đổi theo mùa rất thi vị…
Kết thúc hành trình ngay dưới chân núi, du khách sẽ dừng chân tại một ngôi làng cổ của người Kơ Ho – Cil với trên 300 hộ gia đình người dân tộc bản địa sinh sống – làng Gà Đarahoa. Tại đây, du khách sẽ được tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm, đan lát; tìm hiểu về văn hóa, cuộc sống dân dã nhưng đậm chất Tây Nguyên và hòa mình vào nhịp cồng chiêng của người dân bản địa…
Núi Voi nhìn từ hướng hồ Tuyền Lâm – Đà Lạt
Được biết, năm 2020 vừa qua, UBND huyện Đức Trọng đã phối hợp với các ngành chức năng địa phương và Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức đoàn khảo sát thực tế toàn bộ tuyến du lịch núi Voi và các điều kiện liên quan để định hướng phát triển tuyến du lịch núi Voi – “làng Gà”, nhằm xây dựng và phát triển một loại hình du lịch mới, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phúc, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng (Lâm Đồng), việc khai thác, hoạt động tuyến du lịch mới này, lãnh đạo địa phương không quá chú trọng vấn đề thu ngân sách cho địa phương mà nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới; kết hợp phát triển du lịch với giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và bảo vệ môi trường cho nhân dân, nhất là đối với giới trẻ thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Bởi núi Voi là địa danh lịch sử, còn làng Gà là “dấu tích” của nền văn hóa giàu truyền thống bản địa không thể để mai một, tự phát…
Tin rằng, với ý nghĩa đó cùng với tâm huyết của ngành VH,TT&DL và sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tuyến du lịch dã ngoại núi Voi – làng Gà sẽ sớm đi vào hoạt động chính thức; tạo thêm điểm đến hấp dẫn và ý nghĩa đối với khách du lịch mỗi khi đến với TP ngàn hoa – Đà Lạt…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)