Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Khám phá sa mạc Gobi

Tạp Chí Giáo Dục

Rất nhiều tài liệu về Gobi nói rằng: chưa đến Gobi là coi như chưa đến Mông Cổ. Thế là chúng tôi quyết định đến được Gobi cho thỏa chí. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản.

1. Đến với Gobi chỉ có con đường duy nhất là đi máy bay. Và cũng chỉ có 1 hãng hàng không duy nhất có chuyến bay từ Ulanbator (thủ đô Mông Cổ) đến Dalanzadgad (sân bay tại sa mạc Gobi) là Eznis Airway.

Ung dung lên Agoda để "book" khách sạn thì phát hiện ra không có khách sạn để đăng ký. Cuống cuồng tìm kiếm trên internet để có thông tin về khách sạn ở sa mạc Gobi và nhận ra mình sai lầm. Không có khách sạn và rất ít thông tin về dịch vụ lưu trú ở đây. Cuối cùng, tôi cũng tìm được thông tin về khu nhà lều – khách sạn "5 sao sa mạc" tên là Three Camel Lodge với những nhận xét tích cực về nơi này. Khi gọi điện thoại để tìm hiểu, tôi được biết nó cách sân bay 70 km và ở giữa sa mạc. Tôi phải trả 870 USD (tương đương 18 triệu đồng) cho 30 giờ đồng hồ ở sa mạc với lều hạng sang có nhà vệ sinh bên trong, xe đưa đón từ sân bay và đi các điểm cần tham quan. Đặc biệt, ngoài tiền trả cho tài xế, thuê xe, tôi còn phải trả tiền bữa ăn cho tài xế. Đúng 6 giờ chiều, tôi rời khỏi văn phòng với lời chúc mừng: “Anh là du khách Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Three Camel Lodge ở Gobi”.

Sa mạc Gobi – Ảnh: Nguyễn Tuấn Quỳnh

Mất khoảng hơn 1 giờ bay từ Ulanbator, Gobi đã hiện ra qua khung cửa sổ. Gobi là sa mạc lớn nhất châu Á, lớn thứ 4 trên thế giới và là vùng giáp ranh giữa Trung Quốc và Mông Cổ. Khác với suy nghĩ của nhiều người, Gobi không chỉ là những bãi cát mà phổ biến nhất vẫn là sa mạc sỏi đá, cồn cát và núi đá. Đón chúng tôi tại sân bay là một anh chàng tài xế to con và hiền lành, không nói được tiếng Anh, điều khiển một chiếc Land Cruiser hầm hố. Chuyến đi tại Gobi của tôi chính thức bắt đầu. Trên sa mạc, không có đường đi, xe chạy trên những lối mòn và thường xuyên chạy lên cỏ. Tôi nhận nhà lều của mình và hài lòng với tiện nghi của nó. Có khoảng 20 lều được dựng lên ở đây cùng một căn lều làm nhà ăn và câu lạc bộ. Nhà lều có phòng vệ sinh ở trong nhưng vẫn phải tắm ở khu tập thể bên ngoài. 100% điện ở đây sử dụng năng lượng mặt trời. Trong lều có sẵn đèn cầy phòng khi hết điện. Tại đây, người ta trồng rau, bầu bí trong nhà kính nên các bữa ăn đều có đầy đủ rau xanh. Tại phòng câu lạc bộ có ti vi và đầu máy với các bộ phim về du lịch Mông Cổ và Gobi.

2. Trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi khi khám phá sa mạc Gobi là cưỡi lạc đà 2 bướu Bactria, loại lạc đà chỉ có ở đây. Theo người dân địa phương, lạc đà là động vật rất có ích với cuộc sống của người dân du mục. Lông lạc đà được dùng để dệt vải, sữa là đồ uống bổ dưỡng và đặc biệt, phân khô có thể dùng làm chất đốt, da làm giày và yên. Tôi phải trả khoảng 10 USD cho một lần cưỡi lạc đà đi lòng vòng và chụp hình. Tuy nhiên, các chú lạc đà nhìn thì rất oai vệ nhưng mùi lại rất hôi, anh bạn đi cùng đã ho sặc sụa khi leo lên lưng chúng.

Rời các chú lạc đà Bactria, chúng tôi đến thăm những cồn cát. Cát trắng trải dài và chất cao thành đụn, nổi bật giữa sa mạc đá. Tuy nhiên, so với bãi cát ở Phan Thiết thì các đụn cát ở đây không lớn bằng. Và ấn tượng nhất với tôi là bầu trời xanh, mây trắng ở sa mạc buổi chiều, đẹp đến nao lòng. Chúng tôi đón hoàng hôn xuống dần trên sa mạc tại khu vực bãi đá đỏ. Ánh chiều tà nhuộm vàng không gian. Đêm ở sa mạc đầy sao. Sáng hôm sau, vượt hơn 40 km, chúng tôi đến thăm Bảo tàng thiên nhiên tại Gobi. Đây là một khu núi đá có trứng khủng long hóa thạch. Tôi thuê ngựa để đi sâu vào trong, với giá 10 USD. Núi đá hùng vĩ sừng sững giữa sa mạc mênh mông, ở giữa là dòng suối và có những tảng băng chưa tan hết. Cha con người Mông Cổ cho thuê ngựa cùng chúng tôi đi sâu vào trong núi rất có ý thức bảo vệ môi trường. Trong khi chúng tôi mê mải chụp hình thì họ lặng lẽ thu gom các vỏ chai mà du khách vứt lại trên núi.

Rời sa mạc Gobi, tôi có hàng trăm tấm ảnh về các đàn gia súc như ngựa, lạc đà, dê, cừu vì với tôi, đây là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của người dân Mông Cổ. Trên chuyến bay từ Gobi về lại Ulanbator, tôi cảm thấy hạnh phúc về 30 giờ mình được sống ở sa mạc đặc biệt này và không biết đến bao giờ mới có dịp quay trở lại.

Nguyễn Tuấn Quỳnh

Theo Thanh Niên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)