Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Khâm phục cô sinh viên khiếm thị có bảng điểm 8, 9 “phẩy”

Tạp Chí Giáo Dục

Bị khiếm thị từ lúc mới sinh ra nhưng với tinh thần vượt khó tuyệt vời, Đậu Thị Giang đã học giỏi trong 3 cấp học, thi đậu vào Học viện Âm nhạc Huế. Suốt 4 năm đại học ngành đàn tranh, cô luôn đứng đầu lớp với điểm số từ 8,0 đến 9,0.

Bị khiếm thị nhưng Đậu Thị Giang chơi đàn Tranh rất giỏi. 
Vượt lên số phận
Chúng tôi tìm đến căn phòng Giang trọ học trong bốn năm qua tại nhà số 9 kiệt 378 đường Đinh Tiên Hoàng, TP Huế. Giang đang ngồi bên cây đàn tranh ôn lại bài để mai kiểm tra. Điều làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên bởi là một người khiếm thị mà đôi tay của Giang lướt trên những giây đàn tranh chẳng kém gì một người sáng mắt. Mọi sinh hoạt ăn ở trong căn phòng nhỏ này đều mình tay Giang tự làm. Đồ đạc được sắp xếp vô cùng ngắn nắp chẳng kém gì người bình thường.
Giang sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo ở xóm 1 thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Gia đình Giang có năm anh em, nhưng số phận đã chẳng may mắn không cho Giang và anhh trai đầu Đậu Văn Chung nhìn thấy ánh sáng từ khi chào đời.
Năm 9 tuổi, Giang may mắn được Hội người mù tỉnh Quảng Bình đưa vào Đà Nẵng nuôi dưỡng, ăn học. Những năm cấp 1, Giang ăn ở và học tại trường chuyên đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Lên cấp 2, cấp 3 Giang được học cùng những bạn học sinh bình thường tai Trường Thực Hành Sư Phạm và THPT Trần Phú nhưng vẫn ăn ở sinh hoạt tại trường Nguyễn Đình Chiểu. Ở cấp 1 và cấp 2, Giang luôn dẫn đầu lớp về kết quả học tập. Năm lớp 10, Giang học đánh đàn tranh. Theo thời gian và sự say mê, khổ luyện, em đã đánh đàn thành thạo.
Năm 2007, tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi, Giang thi đậu vào Học viện Âm nhạc Huế với số điểm rất cao. Chính em là người khiếm thị đầu tiên đậu vào ngôi trường nghệ thuật này.
Ngày nhập học, cán bộ, thầy cô của trường đều ái ngại trước cô sinh viên không nhìn thấy ánh sáng. Giang phải làm đơn cam kết sẽ tự lo chỗ ăn ở, đi lại, học chung chương trình với sinh viên sáng mắt gửi đến PGS.TS Trương Ngọc Thắng, Giám đốc ĐH Nghệ thuật Âm nhạc lúc bấy giờ (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Do dự mãi và cảm phục trước nghị lực, quyết tâm của Giang, cuối cùng thầy Thắng cũng quyết định cho em vào học. 
Giang hòa nhập với thầy cô, bạn bè rất nhanh. Dần dần, ai cũng thán phục trước khả năng và tinh thần học tập của cô sinh viên khiếm thị. Điều kỳ lạ và phi thường là suốt gần 4 năm học, Giang luôn dẫn đầu lớp với điểm tổng kết từ 8,16 – 9,19 trong suốt 4 năm học.

Suốt gần 4 năm học, Giang (áo vàng) luôn dẫn đầu lớp với điểm tổng kết 8, 9 “phẩy”.
Ước mơ ngày ra trường
Dù bị khiếm thị và ở trọ một mình cách trường gần 5km nhưng Giang chưa hề bỏ học bữa nào. Giang cho biết: “Trong bốn năm học qua, em được các bạn trong lớp thay nhau đưa đón đi học. Đặc biệt là bạn Nguyễn Thị Xuân Anh luôn bên cạnh, giúp đỡ em như chị em ruột thịt. Nếu không có bạn ấy, em chẳng biết mình sẽ như thế nào. Em cảm ơn bạn Anh rất nhiều”.
Đậu Thị Giang (phải) bên Nguyễn Thị Xuân Anh – người bạn thân thiết đưa Giang đi học trong 4 năm học qua.
Để trang trải học tập, đỡ dần phần nào cho cha mẹ, mua sách vở, dụng cụ học tập…, Giang đã đi xin làm thêm đánh đàn tranh ở một số khách sạn phòng trà. Đó cũng là cách để Giang rèn luyện khả năng chuyên ngành đàn tranh – nhạc cụ dân tộc của mình.
Khi đươc hỏi về mơ ước sau này khi ra trường Giang chia sẻ: “Em mong khi ra trường sẽ có việc làm ổn định, có thu nhập để lo cho bản thân. Em sẽ thành lập hoặc tham gia một nhóm, một dự án nào đó để kêu gọi mọi người quan tâm nhằm hỗ trợ chính sách, dịch vụ công cộng, lao động, học tập… đối với người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung”.
Có thành tích “đáng nể” trong học tập và đầy nghị lực trong cuộc sống nhưng Giang vẫn hết sức lo lắng về tương lai của mình: “Khi đi biểu diễn ở các khách sạn, quán bar, em được mọi người khen ngợi nhưng những người chủ thì không muốn nhận em vào làm lâu dài.
Em có thể tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi nhưng em rất lo lắng về tương lai của mình bởi không dễ chi mà cơ quan nào đó nhận một người mù vào làm việc. Đây cũng là tâm lý chung của em và nhiều người khiếm thị. Lâu nay, người khiếm thị như em chỉ quen với công việc làm tăm, đũa, chổi tre, làm massage… chứ rất ít người tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định bằng chuyên môn đào tạo của mình…”.
Theo Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)