* Bão lũ ở miền Trung làm 61 người chết, 28 người mất tích
* Trích 1.000 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương
|
Hội An chìm trong nước lũ. ẢNH: ĐỘC LẬP
Chiều 6.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và các tỉnh nam Trung bộ để chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả của đợt mưa bão số 12.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khắc phục hậu quả mưa lũ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhất hiện nay, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành phải cử ngay các đoàn công tác về các địa phương để hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả; sửa chữa hệ thống đường giao thông, điện, giúp người dân vùng mưa lũ sớm có cuộc sống ổn định trở lại. “Các địa phương phải dốc sức khắc phục hậu quả mưa bão, cứu trợ khẩn cấp cho người dân về lương thực, thuốc men phòng bệnh, không để người dân nào thiếu cơm, đứt bữa, màn trời chiếu đất và mắc bệnh dịch sau lũ”, Thủ tướng lưu ý và chỉ đạo trích ngay từ nguồn dự trữ quốc gia khoảng 1.000 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo để hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cảnh báo vẫn còn có nguy cơ ngập lụt diện rộng khi nước trên các sông đang ở mức báo động 3, có nơi gần đạt lũ lịch sử năm 1999.
Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), tính đến 17 giờ ngày 6.11, bão số 12 đã làm 61 người chết (Khánh Hòa 23 người, Bình Định 13 người, Quảng Ngãi 7 người, Quảng Nam 6 người, Thừa Thiên-Huế 6 người, Lâm Đồng 3 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 1 người) và 28 người mất tích (Bình Định 7 người, Quảng Nam 9 người, Khánh Hòa 7 người, Thừa Thiên-Huế 4 người, Phú Yên 1 người).
Nước lũ chia cắt nhiều nơi
Ngày 6.11, mưa lũ tiếp tục tàn phá, gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Trung – Tây nguyên, cô lập nhiều khu dân cư, đánh sập nhiều ngôi nhà ven biển… Tại Quảng Ngãi, chiều 6.11, đoàn công tác T.Ư do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu, đi ca nô đến thị sát vùng lũ thôn Tân Phước, xã Bình Minh (H.Bình Sơn), nơi có gần
30 hộ dân vẫn bị cô lập do lũ chia cắt đường giao thông. Tại đây, Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền khẩn cấp hỗ trợ người dân lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, không để hộ dân nào bị đói, khát và rét, thiếu thuốc chữa bệnh…
Chiều 6.11, lũ trên các sông trong tỉnh đang xuống chậm nhưng còn ở mức cao. Nước lũ tiếp tục phong tỏa nhiều tuyến đường tỉnh và đường huyện, gây tê liệt giao thông, nhiều vùng dân cư vẫn còn bị cô lập, ngập sâu từ 1 – 3 m, đời sống sinh hoạt và đi lại của người dân vùng lũ gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các điểm trường mầm non, tiểu học, THCS tại các huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Đức Phổ đều bị ngập, học sinh toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học. Trước tình hình lũ trên sông Trà Khúc và thượng nguồn sông Vệ đang lên trở lại, dự báo sáng 7.11 lũ các sông trên địa bàn tiếp tục dâng cao, tối 6.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát đi công điện khẩn yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, TP, chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tuyệt đối không được chủ quan, chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều.
Tại Phú Yên, sáng 6.11, triều cường kết hợp với sóng biển đã tàn phá hàng chục nhà dân thuộc thôn Long Thủy, xã An Phú, TP.Tuy Hòa (Phú Yên). Kè biển An Phú dài 500 m, cao 2,7 m bảo vệ khu dân cư cũng đã bị đánh sập; gần 10 ngôi nhà bị sóng biển cuốn trôi toàn bộ, khoảng 60 ngôi nhà bị sóng đánh sập một phần và hơn 100 nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi triều cường.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm thi thể nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở núi xảy ra tại H.Bắc Trà My (Quảng Nam). ẢNH: MẠNH CƯỜNG
|
Đến chiều 6.11, lũ khiến một nửa địa bàn H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) bị nước bao vây; nhà của khoảng 4.000 hộ dân ở các xã ven sông ngập hơn 1 m. Mưa lớn, lũ tràn đường gây chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư. Các tuyến đường về Q.Liên Chiểu, Q.Ngũ Hành Sơn cũng bị tê liệt.
Tại Thừa Thiên-Huế, sau khi đạt đỉnh, chiều 6.11 nước lũ trên các sông vẫn còn trên mức báo động 2 và gây ngập lụt hơn 17.588 ngôi nhà. Anh Trần Hữu Dũng (38 tuổi, làm việc tại thủy điện A Lin B2) bị đất đá vùi lấp khi đang ở trong lán trại rạng sáng 5.11. Ông Nguyễn Việt Anh (quê Nghệ An) bị đất đá sạt lở đè trọng thương. Trưa 6.11, ông Lê Thanh Hướng, Hạt phó Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên-Huế, cùng 4 người dân địa phương mắc kẹt trong rừng đã về tới Trạm kiểm lâm Tu Re (trên đường 74, nối A Lưới với Nam Đông). Đây là nhóm thứ 2 trong số những người bị mắc kẹt suốt 9 ngày đêm do mưa lớn, nước suối thượng nguồn dâng cao.
Trắng đêm tìm kiếm 5 nạn nhân bị núi lở đè
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đợt mưa kéo dài từ ngày 3 – 5.11 là lớn nhất từ trước đến nay, mực nước lũ tương đương đỉnh lũ năm 2009. Riêng vùng cao Trà My lượng mưa đo được lên đến 1.141 mm. Theo báo cáo nhanh của UBND H.Bắc Trà My, tại các xã Trà Dương và một phần xã Trà Đông, mưa lũ lớn đã làm vỡ một phần đập tràn của hồ chứa nước Hố Rôn khiến hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ. UBND huyện kịp thời di dời 3.500 khẩu (trong tổng số
Đến chiều 6.11, nhiều khu dân cư ở Quảng Ngãi vẫn bị nước lũ phong tỏa. ẢNH: HIỂN CỪ
3.800 khẩu) ra khỏi vùng nguy hiểm. Hôm qua, trong chuyến thị sát vùng núi cao Bắc Trà My, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý: “Cần phải sơ tán triệt để những người dân còn lại ở trong vùng nguy hiểm để giảm thiểu đến mức tối đa thiệt hại về con người; phải kiểm tra, kiểm soát được lưu lượng của các đập thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn”.
Cũng tại Quảng Nam, vụ sạt lở núi xảy ra tại H.Bắc Trà My lúc 19 giờ ngày 5.11, chôn vùi 2 ngôi nhà khiến 9 người bị vùi lấp. Trong đó 4 người đã may mắn thoát ra ngoài, còn 5 người bị đất đá vùi lấp tử nạn. Vụ sạt lở kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của 5 người cùng ở tổ Đàng Bộ, TT.Trà My, H.Bắc Trà My, gồm: bà Võ Thị Hồng (66 tuổi), con trai Nguyễn Thành Phương (26 tuổi) và con dâu Hồ Thị Ái (34 tuổi). Cách đó khoảng 500 m, núi phía sau nhà đổ ập xuống cũng khiến ông Đỗ Mỹ (73 tuổi) và con dâu Nguyễn Thị Đắc (45 tuổi) thiệt mạng. Sau hơn 12 giờ đồng hồ vật lộn với bùn đất, thi thể nạn nhân cuối cùng cũng được tìm thấy vào 13 giờ chiều qua 6.11.
Đoàn công tác do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu cũng đã đến thăm những gia đình có người thân tử nạn do sạt lở núi vùi lấp; chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm những nạn nhân đang mất tích trên địa bàn.
Bác bỏ tin đồn vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 và A Vương
Lúc 10 giờ sáng qua 6.11, tại trụ sở UBND H.Bắc Trà My (Quảng Nam), hàng ngàn người dân địa phương đã tập trung lên đây “lánh nạn” sau khi có tin đập thủy điện Sông Tranh 2 “đã bị vỡ”. Sau khi xác minh thông tin này, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, đã thông báo cho người dân biết đó chỉ là tin thất thiệt, nên người dân đã quay về nhà.
Chiều qua, lại có tin đồn “thủy điện A Vương bị vỡ”. Ông Nguyễn Trâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện A Vương, khẳng định nước trong hồ đang dâng ở mức 378,2 m, còn gần 2 m nữa mới đến mực nước dâng bình thường. Hiện thủy điện A Vương chỉ chạy phát điện 1 tổ máy, 1 tổ máy còn lại sẵn sàng phát điện phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tại TP.Đà Nẵng.
Mạnh Cường – H.X.Huỳnh
|
Theo TNO
Bình luận (0)