Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khán giả cần gì ở phim kinh dị Việt?

Tạp Chí Giáo Dục

Với doanh thu ấn tượng của những phim kinh dị Việt gần đây như: "Quỷ cẩu", "Kẻ ăn hồn" – cho thấy nhiều khán giả rất thích dòng phim này.

Họ thích vì những tác phẩm mang đến thông điệp rõ ràng, nội dung gần gũi, thân quen, mang đậm yếu tố văn hóa bản địa chứ không phải sự sao chép những hình tượng kinh dị phổ biến của điện ảnh thế giới.

Phim kinh dị "Quỷ cẩu" của đạo diễn Lưu Thành Luân đại thắng phòng vé với doanh thu hiện nay theo thống kê của Box Office Việt Nam là hơn 101 tỉ đồng. Với thành công từ tác phẩm điện ảnh đầu tay này, đạo diễn Lưu Thành Luân đã có một mở đầu ấn tượng cho sự nghiệp của mình. Phim "Kẻ ăn hồn" của đạo diễn Trần Hữu Tấn cũng thu được gần 67 tỉ đồng. Điểm chung của 2 phim kinh dị này đều là kể câu chuyện có chất liệu văn hóa bản địa, truyền thuyết dân gian tạo sự gần gũi, cuốn hút cho tác phẩm.

Trong đó, "Quỷ cẩu" lấy cảm hứng từ truyền thuyết linh dị "chó đội nón mê", xoay quanh gia đình làm nghề giết mổ chó bán thịt. Phim kể câu chuyện đậm màu sắc Việt theo cách gần gũi, chân thật, vào thẳng vấn đề một cách táo bạo. Thông điệp về nhân quả, nghiệp báo được truyền tải đầy cảm xúc.

Phim “Quỷ cẩu”. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Phim “Quỷ cẩu”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Phim "Kẻ ăn hồn" được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thảo Trang, với những nét văn hóa bản địa được lồng ghép từ phục trang, bối cảnh đến câu chuyện kể đã gây ấn tượng mạnh với khán giả. So với dòng phim kinh dị chọn khai thác các hình tượng phổ biến trong điện ảnh thế giới về "ma cà rồng", "xác sống"… ra rạp trong năm 2023 như "Bến phà xác sống", "Người mặt trời" doanh thu chỉ đạt hơn 4 hay 5 tỉ đồng, phim "Kẻ ăn hồn" có doanh thu vượt trội.

Người trong giới nhận định từ doanh thu cao cho thấy khán giả Việt sẽ yêu thích dòng phim kinh dị khi đó là những phim khai thác gắn kết với những yếu tố gần gũi, có nét văn hóa bản địa tạo nên nét riêng. "Văn hóa dân gian Việt Nam là một kho tàng quý giá cần được khai thác và biết cách khai thác thì sẽ thành công" – đạo diễn Võ Thanh Hòa, nhà sản xuất phim "Quỷ cẩu", bày tỏ.

Hẳn nhiên, đó phải là một câu chuyện hay, lôi cuốn, chứ không phải chỉ là lồng ghép một cách khiên cưỡng. Các thông điệp nhân văn được truyền tải rõ ràng, không nên quá áp đặt tạo sự thiếu tự nhiên cho câu chuyện. 

Theo Minh Khuê/NLĐO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)