Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khán giả đắn đo khi mua vé xem phim

Tạp Chí Giáo Dục

Những người xem ở nhiều độ tuổi, nhiều công việc khác nhau chung ý kiến, Megastar có chất lượng tốt nhưng giá thành quá cao, chưa phù hợp với mức thu nhập của người VN.

Chu Khánh Linh (phải) và bạn gái đang cùng chọn phim để xem.

Trong những ngày hè, đối tượng khán giả là học sinh, sinh viên đến rạp chiếu phim tăng đột biến, ở Hà Nội chủ yếu tập trung vào các rạp Quốc Gia, Tháng Tám, Kim Mã, Dân Chủ; người xem TP HCM phần nhiều chọn Cine box, Galaxy. Trần Quang Anh – 16 tuổi, học lớp 10 trường PTTH Quang Trung (Hà Nội) – cho biết: “Em thường xem phim vào ngày nghỉ với bạn bè. Em hay xem những phim giới trẻ yêu thích như Công chúa teen và Ngũ hổ tướng hoặc phim hành động. Em hay tới rạp Quốc gia vì có nhiều dịch vụ đi kèm. Megastar dịch vụ còn tốt hơn nhưng trên đó giá vé quá cao, không phù hợp với túi tiền học sinh”.

Đây cũng là suy nghĩ của Chu Khánh Linh – 17 tuổi, học sinh PTTH Phạm Hồng Thái ở thủ đô. “Em thường đi xem phim cùng bạn bè. Bọn em thích xem ở những rạp vừa có chỗ vui chơi vừa thoáng mát. Megastar rất lý tưởng nhưng học sinh không đủ điều kiện để lên đó. Megastar chỉ giảm giá vào tối thứ tư, ngay cả khi giảm giá, tiền vé vẫn rất cao. Vì thế, bọn em lựa chọn rạp Quốc gia” – cô gái trẻ nói trong khi rút ví mua vé xem Để Mai tính.

Không chỉ có những học sinh còn phụ thuộc vào trợ cấp của cha mẹ, nhiều công nhân viên chức cũng chọn những rạp nhỏ để có cách giải trí vừa túi tiền của mình. Anh Duy Khương, 31 tuổi, người làm truyền thông cho một nhà mạng, cho biết: “Tôi là người liên tục di chuyển giữa Sài Gòn – Hà Nội. Sài Gòn tôi hay đi xem ở rạp Đống Đa và rạp Cine box. Hà Nội tôi xem ở rạp Quốc Gia và Dân Chủ. Tôi rất ít xem ở Megastar. Mấy tuần nay, tôi theo dõi kỹ vụ Megastar bị khiếu nại. Xét về mặt văn hóa, đây là điều vi phạm đạo đức kinh doanh, xét về mặt thị trường, đây là điều vi phạm luật cạnh tranh Việt Nam. Độc quyền thị trường chiếu phim, anh sẽ thu nhiều lợi nhuận, nhưng nếu anh phá mức bền vững, anh sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lên tiếng, nhưng quan trọng nhất là khán giả”.

Trong khi đó, anh Ngô Huy Hoàng, 27 tuổi, làm nghề tổ chức sản xuất phim, tâm sự: “Tôi hay xem phim ở rạp Quốc Gia vì giá vé ở đó phù hợp, chất lượng phục vụ cũng ổn. Những phim chiếu trên hệ thống rạp Quốc Gia đều là sản phẩm được chọn lọc. Tất nhiên ai cũng thích bom tấn nhưng giá vé ở Megastar ít người chấp nhận được. Trước đây, tôi thường chờ xem bom tấn ở các rạp nhỏ, dù muộn một chút. Bây giờ, Megastar gây sức ép khiến các rạp khác không thể chiếu phim lớn, tôi đành thuê đĩa về coi. Với mức thu nhập hiện tại của tôi, để theo được những phim bom tấn là điều rất khó khăn. Mỗi tháng tôi bỏ ra khoảng 1 triệu đồng, bằng một phần mười mức thu nhập của mình để mời bạn gái đi xem phim. Nếu xem ở Megastar, kể cả chi phí mua vé, đồ ăn uống trong rạp, chúng tôi chỉ đi xem được 3 lần, trong khi ở những rạp khác có thể tới 6 – 7 lần".

Anh Hoàng cũng cho biết, gần đây anh chú ý nhiều đến vụ việc 6 doanh nghiệp Việt Nam kiện Megastar vì đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. "Theo tôi, khi Việt Nam hội nhập WTO, bị cạnh tranh là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ của nhà nước, tránh cho họ bị những doanh nghiệp lớn của nước ngoài thôn tính. Quan trọng nhất là các doanh nghiệp nên nghĩ cho khán giả, như thế mới mong tồn tại vững bền”.

Nhiều bạn trẻ đến rạp chiếu phim Quốc Gia vì vừa có chỗ vui chơi, vừa giá cả hợp lý.

Anh Nguyễn Văn Tiệp – trợ lý đạo diễn – cũng thường xuyên phải đi xem phim nước ngoài để học hỏi. Lựa chọn của anh là các rạp nhỏ vì giá vé dễ chịu. “Tôi thường đi xem phim cùng cả nhóm từ 5 – 10 người, nếu lên Megastar ít nhất hết một triệu tiền vé, so với lương của một công nhân viên chức nhà nước, số tiền này không nhỏ. Theo tôi, Megastar nên xem xét điều chỉnh lại giá vé vì khán giả phải được hưởng chất lượng xem phim và giá cả hợp lý. Điều này tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Sự không công bằng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chiếu phim nhỏ mà còn làm lung lay vị thế của Megastar trên thị trường Việt Nam” – người đàn ông 28 tuổi nhận định.

Tại rạp Megastar, không thiếu trường hợp cha mẹ đưa con đến mua một vé cho con vào rạp, còn mình ở ngoài chờ. Một người cha đi ngắm hàng siêu thị ở các tầng dưới đợi cậu con trai 6 tuổi xem Bí kíp luyện rồng. Nhóm 4-5 bà mẹ ngồi nói chuyện trong khi con xem phim nhân dịp thưởng kết quả học tập cuối năm. “Tôi hay đi xem ở Megastar. Vào đây, giá vé rất cao, mua vé khó nhưng có những dịch vụ khác kèm theo như ăn uống, mua sắm. Đương nhiên, với thu nhập bình quân của công chức như chúng tôi, không thể thường xuyên đi xem phim được, chỉ là những dịp sinh nhật người trong gia đình, nghỉ hè hay thưởng cho các cháu vì học tập tốt. Tôi cũng đọc báo về vụ kiện Megastar và rất đồng tình. Tôi thấy giá vé ở đây quá cao, có lúc tới mấy trăm nghìn, nếu ở mức 50 – 60 nghìn đồng sẽ phù hợp hơn với thu nhập của người Việt Nam” – một chị phụ huynh giấu tên cho biết.

Khán giả VnExpress.net cũng dành rất nhiều sự quan tâm cho vụ 6 doanh nghiệp Việt Nam khiếu nại Megastar tăng giá vé. Một số người ủng hộ cách làm của Megastar. Độc giả Quàng tỏ ra không đồng ý với việc sáu doanh nghiệp chiếu phim tố Megastar: “Sao các anh không làm để được như Megastar. Trưóc khi có Megastar, các anh chiếu phim khác có làm gì đâu. Bây giờ thấy họ làm ăn được thì quay ra làm trò”.

Độc giả Nguyên phân tích các yếu tố dẫn tới hành động của Megastar: “Việc Megastar gây ảnh hưởng đến các cụm rạp trong nước gây ra nhiều tranh cãi. Người thì cho là Megastar đáng bị lên án và cũng có những người có ý kiến ngược lại. Các cụm rạp Việt Nam có khả năng để thương thuyết với các nhà làm phim trên thế giới để mua những bộ phim bom tấn, tại sao họ lại không làm? Đã bị phụ thuộc vào một cụm rạp khác thì phải chịu những yêu cầu của họ. Cũng phải nói là các cụm rạp Việt Nam còn may vì Megastar cho thuê các phim bom tấn, chứ không chỉ trông mong vào các bộ phim khác hay vài phim của Việt Nam thì liệu có phá sản sớm hơn không? Một cái may khác là họ còn chưa bị Megastar giành độc quyền chiếu toàn bộ phim tại Việt Nam".

Cũng theo độc giả này, ở nước ngoài, rất ít rạp phim bán vé rẻ hơn 10 USD, tính ra tiền Việt là khoảng 200 nghìn đồng. "Vậy thì với một tấm vé 90 nghìn đồng, theo các bạn Megastar đang thu lời hay đang lỗ nặng?”, anh Nguyên đặt câu hỏi ngược lại.

Nhóm phụ huynh ngồi chờ con xem phim trong rạp.

Trong khi đó, ý kiến phản đối nhiều hơn và tỏ ra khá gay gắt. Độc giả Đạt phát biểu: “Mặc dù Megastar là rạp chiếu phim lớn nhưng cũng phải làm sao cho các rạp chiếu phim nhỏ có đất sống chứ. Megastar giàu mạnh thì đâu có nghĩa là được phép đạp đổ chén cơm của người khác”. Độc giả Hương cho rằng: “Megastar chơi kiểu "có tiền có quyền", rõ là chơi không đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện tốt để doanh nghiệp trong nước đoàn kết hơn”.

Bạn Thanh Tân than thở: “Tôi ủng hộ chống độc quyền! Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nhờ Megastar nên có nhiều phim "bom tấn" để xem, chỉ mong sao cho giá xem phim đừng cao quá. Tốt nghiệp cao đẳng làm công ăn lương nhà nước tháng 4 triệu sống đã thấy cực rồi, chả dám mơ xem phim 100 nghìn đồng một vé của Megastar đâu".

Độc giả Mephim khẳng định: “Tôi thấy hậu quả của việc Megastar lạm dụng vị thế thống trị thị trường để áp đặt điều kiện đối với các doanh nghiệp Việt Nam nay đã hiển hiện rất rõ. Trước đây tôi vẫn thấy rạp Quốc Gia và một số rạp khác chiếu các phim tương tự Megastar với mức giá khá bình dân. Nhờ đó mà đông đảo khán giả Việt Nam có thể tiếp cận được với những phim hay của thế giới. Tuy nhiên, gần đây đi qua rạp Quốc Gia tôi không còn thấy những bộ phim như thế nữa. Rõ ràng Megastar rất được lợi từ việc chèn ép các doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp nhỏ không có phim chiếu thì rõ ràng khán giả sẽ đổ về rạp của Megastar”.

Độc giả nickname "Kinh tế vĩ mô" thì tin: “Dư luận xã hội ủng hộ 6 doanh nghiệp theo kiện. Tôi tin vào chính sách của nhà nước và hy vọng lòng tin đó ngày càng được củng cố vững chắc theo thời gian".

Huy Phạm (Theo VNE) – Ảnh: H.P

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)