Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khăn gói đường xa luyện thi lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Để đưa được con vào trung tâm thành phố luyện thi cho chất lượng, nhiều phụ huynh trở thành “xe ôm bất đắc dĩ”, thậm chí là thuê nhà trọ “trực chiến” luôn tại thành phố để khỏi làm “xe ôm”.
"Hội xe ôm"
Mỗi tối, khu vực xung quanh các trung tâm ở Trường THPT Lê Hồng Phong, trung tâm Lý Tự Trọng, trung tâm trên đường Trương Định, trung tâm ở Trường THPT Lương Thế Vinh… nhiều phụ huynh xếp hàng dài chờ con.
Hầu hết trong số họ đều có nhà ở ngoại thành. Đường xa không thể về nên mới phải ở lại chờ đến lúc con ra. 
 
Một phụ huynh tranh thủ "chợp mắt" trong khi chờ con ôn thi. Ảnh: Minh Quyên.
Anh Duy Lực, người có “kinh nghiệm” đưa đón con chia sẻ: Nhiều lần, anh bị người ta hiểu lầm là xe ôm. Bởi chỉ có xe ôm mới “trang bị” đầy đủ áo mưa, chai nước, nón bảo hiểm và sở hữu nước da ngăm đen. 
Nhà anh Lực ở Bình Chánh, từ 2 năm nay, anh phải nghỉ việc để đưa đón con đi học. “Từ đưa đón thằng con trai lớn, đến đứa con gái nhỏ, đứa nào cũng một tay tôi đưa từ sáng sớm đến tối khuya” – anh Lực nói. 
Có lẽ vì vậy mà bạn bè đồng “cảnh ngộ” của anh rất đông. Có phụ huynh đến từ quận Thủ Đức, có phụ huynh từ quận 9, Củ Chi, Hóc Môn…
Theo anh, sắp đến mùa thi, “hội xe ôm” lại có thêm nhiều “lính mới” gia nhập. Đàn ông tụ họp một “hội”, đàn bà tụ họp một “hội” bàn tán rôm rả đủ chuyện xoay quanh học hành, thi cử của con cái. 
Nhiều phụ huynh không đủ sức “buôn dưa” vì mệt do đường xa thì tranh thủ ngủ ngay trên xe máy. 
“Đi hơn 20 cây số để đến nơi rồi chờ con từ 6h đến 9h. Nhiều khi đọc hết tất cả các mục của tờ báo chỉ hết có 1/3 thời gian. Bởi vậy, ngủ vừa khỏe, vừa thấy thời gian trôi qua nhanh” – anh  T.N.Long, phụ huynh ở quận Thủ Đức cho biết. 
“Có hôm đang ngủ, nghe lác đác mưa thì bật dậy mặc áo mưa rồi ngồi chờ cho hết giờ” – anh Long nói thêm. 
Trạm xe buýt ở trung tâm trong Trường THPT Lê Hồng Phong từ lâu là nơi “tạm trú” cho nhiều phụ huynh lúc mưa xuống. Hôm nào chẳng may có người lang thang “chiếm” chỗ để ngủ, “hội xe ôm” cùng mặc áo mưa rồi ngồi giữa trời chờ đợi. 
Đưa cổ cho nhà trọ “chém”
Ở ngoại thành đổ xô vào trung tâm thành phố đã đành. Nhiều người từ Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An… cũng lặn lội đường sá xa xôi đến TP.HCM luyện thi.
Chị Thanh, nhà ở Vũng Tàu cùng con gái đến TP.HCM với mong muốn cho con thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Để tiện cho con đi ôn hàng đêm, chị thuê nhà ngay trong con hẻm đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. Căn phòng chỉ chừng 9m­2, hai mẹ con phải trả tới 2,5 triệu đồng/tháng.
Sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ, nhưng chị và con cũng đã cố gắng được nhiều tuần qua. “Phải ráng chịu chứ biết sao giờ, thấy con nó học giỏi mà để học ở quê thì không đành” – chị Thanh chia sẻ. 
Khác với chị Thanh, 4 học sinh (HS) lớp 9 ở tỉnh Long An thuê luôn chiếc xe 6 chỗ ngồi của một người quen để đi học.
Một tuần 3 buổi, 4 HS này lại đến Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong để ôn luyện. Với giá 350 ngàn/tối được coi là rẻ để chạy từ Long An lên TP.HCM và quay về lại. 
Đằng sau nỗ lực của phụ huynh…
T.Duyên, Trường THCS Hoa Lư cho biết, trong lớp ôn luyện của Duyên nhiều HS rất yếu, không thể theo nổi với các bạn xung quanh nhưng vẫn được ba mẹ cho học chỉ vì tiếng tăm của trung tâm.
“Lúc nào cô kiểm tra bài, một bạn ngồi kế em lại mượn vở em chép lại. Lớp em có gần 70 người, lại không chia theo học lực thì thời gian đâu mà cô chỉ cho từng HS được. Ai theo được thì cứ theo.” – Duyên nói. 
Nhiều trường hợp phụ huynh vừa về sau khi chở con đến thì lập tức HS đó có bạn đón đi chơi. Canh đúng giờ ba mẹ tới đón thì quay về. 
Anh Lực kể: Có hôm, một người đàn ông giả vờ lái xe về rồi vòng xe quay lại, vừa lúc đó, đứa con trai đang leo lên xe bạn để đi chơi. Người đàn ông giận tái mặt liền đánh con ngay tại chỗ. 
“Tôi đã chứng kiến cảnh mấy đứa nhỏ trốn ba mẹ đi chơi rất nhiều. Nhưng chỉ hơn chục vụ ba mẹ bắt quả tang. Nhiều người giận quá đánh chửi con ngay giữa đường không tiếc lời. Mình vì con cực khổ không tiếc, chỉ tiếc tụi nó không biết chăm ngoan.” – anh Lực tâm sự. 
Minh Quyên (Vietnamnet) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)