Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khan hiếm “lao động 6G”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cơ sở dạy nghề không nắm bắt được nhu cầu để đào tạo, còn doanh nghiệp thì không tìm được lao động để cung cấp cho đối tác nước ngoài 

“Trước đây, phần nhiều hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài của  các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) tập trung vào nhóm lao động phổ thông, tay nghề thấp. Nhưng hiện nay, các đơn hàng này ít dần, thay vào đó, số lượng hợp đồng cần lao động kỹ thuật, thợ lành nghề tăng mạnh. Tuy nhiên, hầu như các DN không đủ nguồn lao động dự trữ để cung ứng”. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước- Bộ LĐ-TB-XH, vừa cho biết như vậy.

Lao động VN làm việc trong một nhà máy ở Nhật Bản

DN không trở tay kịp
Rõ nhất là nhu cầu thợ hàn 6G (tiêu chuẩn nghề quốc tế dành cho thợ hàn bậc cao; cùng với thợ hàn 3G, 4G, TIG…). Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ở những thị trường như Trung Đông, Đông Âu và Đài Loan, nhu cầu thợ hàn rất lớn, có thể lên tới 500 người/tháng. Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco, chỉ riêng thị trường Trung Đông, Airseco có dư đơn hàng cung ứng số lượng lao động như trên, nhưng không thể tìm đủ lao động để cung ứng.  Tương tự, nhu cầu thợ hàn của các đối tác ở Trung Đông của Sovilaco cũng rất nhiều. Nhưng cứ một đơn hàng tuyển 100 thợ hàn 6G, giỏi lắm chỉ đáp ứng được 30% với trình độ nghề ở mức… tàm tạm.
Nhiều DN khác như LOD, TTLC, SONA, AIC… đang dư thừa đơn hàng nhưng thiếu lao động để cung ứng. Ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Châu Hưng, than thở: Gần như không trở tay kịp mỗi khi nhận đơn hàng của đối tác vì họ cần số lượng lớn, đáp ứng nhanh. Trong khi tìm được một người đáp ứng yêu cầu không phải dễ.
Nhu cầu thợ bậc cao ngày càng tăng
Không riêng ngành hàn, “lao động 6G” được dùng chỉ chung  nhóm lao động kỹ thuật cao. Hiện nay, việc XKLĐ không nghề với thu nhập thấp không còn hấp dẫn người lao động. Trong khi đó, hầu hết các thị trường có nhu cầu về lao động tay nghề cao đang gia tăng mạnh mẽ. Tại những thị trường chính của VN như Malaysia, Đài Loan, Trung Đông… nhu cầu lao động có nghề làm việc trong các công trường, nhà máy, khu công nghệ cao luôn tăng.
Còn ở Nhật Bản, Hàn Quốc đều có chương trình tuyển chọn lao động kỹ thuật cao, chuyên gia cho một số ngành nghề với chế độ cấp visa dài hạn và luôn được ưu tiên đặc biệt. Những thị trường thu nhập cao như Mỹ, Canada, Úc, Singapore… cũng đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề, kinh nghiệm làm việc và phải có trình độ tiếng Anh từ trung bình trở lên.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Nhân lực Quốc tế, nền kinh tế của các quốc gia Đông Âu, như CH Séc, Bulgaria, Romania… đang dần hồi phục và cần nhiều lao động lành nghề trong lĩnh vực cơ khí, nhất là  thợ hàn 6G, TIG, thợ tiện, phay, bào, cơ khí chế tạo. Tuy nhiên, do yêu cầu cao nên đa số đơn hàng của các thị trường này, DN chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ.
Tự tìm hướng đi
Càng khan hiếm “lao động 6G”, càng thấy những “lỗ hổng” trong đào tạo nghề ở VN. Thực tế cho thấy việc liên kết giữa đào tạo nghề và XKLĐ còn nhiều bất cập. Các cơ sở dạy nghề không nắm bắt được nhu cầu để đào tạo, còn DN XKLĐ thì không tìm được lao động theo yêu cầu của nhà tuyển dụng nước ngoài. Điều này khiến XKLĐ của VN luôn bị động trước những đơn hàng về lao động có nghề của đối tác. 
Nhận thức được những hạn chế trên, một số DN XKLĐ đã nỗ lực tìm hướng đi riêng trong việc tạo nguồn “lao động 6G”. Cuối tháng 3 vừa qua, Trường Nhân lực Quốc tế và Trường Cao đẳng Nghề Lilama 2 ký hợp đồng liên kết đào tạo các ngành nghề kỹ thuật bậc cao. Trong năm 2009, bên cạnh đào tạo 300 thợ hàn 4G đến 6G cung ứng cho ngành đóng tàu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Đông… hai bên sẽ phối hợp đào tạo hệ dài hạn các ngành kỹ thuật như nghề cơ khí, nghề điện…
Công ty Airseco cũng đã đầu tư gần 3 tỉ đồng thành lập xưởng hàn công nghệ cao với 18 máy hàn TIG, MIG, 3G, 6G… Theo ông Nguyễn Xuân Vui, việc đầu tư này xuất phát từ việc các đối tác của công ty ở Trung Đông, Nhật Bản… đặt hàng tiếp nhận lao động dạng này rất nhiều. Nếu không đầu tư nâng cao chất lượng lao động, chắc chắn DN sẽ  đánh mất cơ hội.

8 tỉ đồng cho đấu thầu đào tạo
Năm 2009 và 2010, Nhà nước sẽ chi 8 tỉ đồng cho việc đấu thầu đào tạo lao động xuất khẩu, theo các nhóm ngành nghề kỹ thuật mà đào tạo trong nước chưa đáp ứng. Cùng với DN XKLĐ, các cơ sở dạy nghề công và ngoài công lập có thể tham gia đấu thầu đào tạo. Những cơ sở trúng thầu đào tạo phải có cam kết của DN về việc tiếp nhận người lao động sau khi đào tạo để đưa đi làm việc ở nước ngoài.

(Nguồn: Bộ LĐ-TB-XH)

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY(nld)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)