Thợ hàn do Công ty Lasec tuyển chọn đang được đào tạo nâng cao tại Trường TH Kỹ thuật – Nghiệp vụ Nam Sài Gòn trước khi sang Úc làm việc – Ảnh: C.T.V |
Chi phí lớn, giáo viên biết công nghệ ít, đầu vào cho đào tạo hẹp là những lý do khiến nhiều trường nghề không mặn mòi đầu tư trang thiết bị, dẫn đến thiếu "lao động 6G"…
"Năm 2001, VN tham dự hội thi tay nghề ASEAN tại Thái Lan. Do thí sinh của mình học theo công nghệ của Pháp, Nga nhưng trong phần thi thực hành, ban tổ chức đưa ra công nghệ của Áo. Thế là… thua!” – ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhắc lại thất bại này và cho rằng câu chuyện về khan hiếm thợ hàn 6G cũng bắt đầu từ việc đầu tư thiết bị cho dạy nghề chưa tương thích với yêu cầu thực tiễn.
“Hàng hiếm” ít người làm
Có một điều đáng chú ý là việc đầu tư cho đào tạo nghề hàn công nghệ cao chỉ có các trường dạy nghề của doanh nghiệp (DN) là mặn mòi. Trong khi đó, hệ thống các trường dạy nghề công lập hầu như đứng ngoài cuộc.
Thế nào là thợ hàn 6G? Theo phân tích của một số chuyên gia, ngoài hai phương pháp hàn phổ thông là hàn điện và hàn gas (CO2), các phương pháp hàn hiện đại chủ yếu sử dụng thiết bị kiểm soát hàn tự động như MIG, TIG, Max… Các tiêu chuẩn định vị thợ hàn hiện nay áp dụng tương ứng theo từng loại thiết bị nói trên, chẳng hạn như thợ hàn MIG, TIG hoặc theo tiêu chuẩn quy ước quốc tế như thợ hàn 3G, 4G, 6G – tương ứng với từng loại tư thế hàn. Thợ hàn 6G – sử dụng thuần thục 6 tư thế hàn được xem là loại thợ hàn bậc cao nhất, thường được sử dụng ở các lĩnh vực hàn phức tạp như hàn ống dẫn dầu, khí, thân tàu. Trong khi đó, loại thợ hàn 3G hay 4G sử dụng ở cấp chuyên môn thấp hơn như hàn khung thép tiền chế, ô tô, cầu đường… Trong xu hướng tuyển dụng hiện nay, ở lĩnh vực hàn công nghệ cao, các tiêu chuẩn tuyển dụng thợ hàn thường đòi hỏi người có bằng nghề 3/7, tối thiểu phải biết sử dụng các phương pháp hàn TIG, MIG. Các thiết bị này không còn xa lạ trong ngành hàn, nhưng vì nó khá đắt tiền (một thiết bị vài trăm triệu đồng), trong khi ít người học nên phần lớn các trường nghề không đầu tư hoặc đầu tư không nhiều. D.Q |
Ông Phạm Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty Lasec, kể về trường hợp ông đến một trường dạy nghề Trung ương để đặt hàng đào tạo thợ hàn cho thị trường Úc. Nhưng vì trường này chỉ mới sắm được hai máy hàn MIG nên kế hoạch liên kết phải dừng lại. Sau đó, ông đến một trường chuyên đào tạo công nhân kỹ thuật của TP.HCM thì trường này yêu cầu: “Anh đầu tư thiết bị thì chúng tôi mới đào tạo” và đưa ra bản dự toán kinh phí đầu tư tính bằng bạc tỉ. Vậy là kế hoạch hợp tác bị đổ bể.
Cuối cùng, vị đại diện Công ty Lasec tìm đến Trường Dạy nghề Nam Sài Gòn. Lãnh đạo trường yêu cầu nếu Lasec lo được học viên thì sẽ không ngại đầu tư. Kết quả là trường này đưa về 7 máy hàng TIG, MIG và đến nay hai bên đã hợp tác được hai khóa đào tạo.
Câu chuyện trên khi đem trao đổi với một chuyên gia về dạy nghề, vị này phân tích: “Ngân sách cấp cho dạy nghề có hạn, buộc các trường phải “kén cá chọn canh”. Thậm chí, nhiều trường thà đào tạo theo ngành nghề, chương trình có sẵn cho khỏe, hơn là đào tạo chuyên sâu mà không biết có người học hay không”…
Ngại thiết bị “trùm mền”
Thực ra, chi phí đầu tư thiết bị tương đối lớn đã khiến phần đông các trường dạy nghề ngại đầu tư trang thiết bị. Lãnh đạo một trường dạy nghề cho biết dự định đầu tư một số thiết bị hàn hồ quang như hồ quang CO2/MAG, M/C 500A, hồ quang CO2/MAG loại đảo W/M 350A; thiết bị hàn TIG (hàn điện cực vonfram trong môi trường khí trơ) AC/DC, M/C 300A, hồ quang chắn kim loại W/D DC 200A…
Nhưng vì chi phí quá cao, chỉ riêng giá bán công nghệ mà nhà cung cấp chào lên đến 50.000 USD; chưa kể các chi phí khác như phí đào tạo công nghệ 2.000 USD/người, phí chuyển giao bí quyết 25.000 USD, phí tư vấn kỹ thuật 330 USD/ngày… nên trường dừng dự định đầu tư.
Theo một cán bộ của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, thực ra chi phí đầu tư chỉ là một phần nguyên nhân. Cái khó là phải mất thời gian cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và quan trọng hơn đó là đầu vào cho đào tạo. Ông Nguyễn Thành Hiệp cho rằng nhu cầu thợ hàn công nghệ cao như tiêu chuẩn 6G là có thật, nhưng phải xác định rõ nhu cầu đó như thế nào.
Với thợ hàn 6G, ông Hiệp xem như hàng hiếm, nhu cầu chủ yếu ở ngành đóng tàu, ống dẫn dầu khí. Do vậy, giống như một người ra chợ mua hàng, nếu hàng hiếm thì phải đặt người ta làm. Trường nghề cũng thế, phải có đặt hàng từ DN thì mới dám đầu tư trang thiết bị.
Đó cũng là thực trạng, suy nghĩ chung của các trường nghề. Trong khi đó, phần lớn DN XKLĐ cũng như một số DN có nhu cầu lâu nay chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt, không chủ động liên kết với trường nghề, tận dụng ưu thế lẫn nhau để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn lao động dự trữ có chất lượng cho tương lai gần.
Cấp tốc đào tạo thợ hàn
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của XKLĐ và phục vụ trong nước, một vài cơ sở dạy nghề đã mạnh dạn đầu tư cho đào tạo. Công ty CP Đào tạo Kỹ thuật PVD Training thuộc Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (KCN Đông Xuyên – Vũng Tàu) cũng đang được nhiều DN XKLĐ biết đến với cơ sở đào tạo thợ hàn theo tiêu chuẩn quốc tế với tổng vốn đầu tư thiết bị 1 triệu USD. Các khóa đào tạo ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng theo tiêu chuẩn 3G, 4G, 6G đang được PVD Training tổ chức hằng tháng.
Một số DN XKLĐ cũng đang bắt đầu đầu tư dài hơi cho đào tạo lao động xuất khẩu. Trường Dạy nghề Châu Hưng – Hưng Yên đang tiến hành triển khai đề án xây dựng xưởng hàn 6G. Dự kiến cuối tháng 5, cụm trang thiết bị với khoảng 20 cabin sẽ được đưa về, cùng với chuyên gia từ Malaysia sang huấn luyện, chuyển giao công nghệ.
Trong khi đó, Công ty CP Hợp tác lao động với nước ngoài – LOD cũng vừa thành lập Trung tâm ILD chuyên về đào tạo nghề hàn công nghệ cao từ 3G trở lên. Việc mở trung tâm này sẽ giúp LOD giải quyết bài toán tạo nguồn lao động chất lượng cao cho các thị trường mà mình đang khai thác Nhật Bản, Malaysia, khu vực Trung Đông, Đông Âu và Úc.
Ông Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Lilama (Đồng Nai): Đã đào tạo 700 thợ hàn tiêu chuẩn quốc tế Tháng 12-2008, Trung tâm Kiểm định quốc tế nghề hàn của Trường CĐ Nghề Lilama được Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ (AWS) công nhận là thành viên thứ 8. Đã có khoảng 200 người được đào tạo cấp bằng thợ hàn quốc tế, cung ứng cho các công trình trọng điểm quốc gia. Chúng tôi đã tập trung đầu tư thiết bị, con người… với mục tiêu đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, phục vụ cho các nhà máy lọc dầu, đóng tàu trong nước và XKLĐ. Đặc biệt năm vừa qua, có 130 lao động qua đào tạo đã được cung ứng sang Hàn Quốc làm việc theo “Chương trình thẻ vàng”.
|
Theo NGUYỄN DUY – Người lao động
Bình luận (0)