Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Khan hiếm lao động có nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Đào tạo nghề giúp tỉnh có nguồn LĐ chất lượng. Ảnh NL.

Bắc Ninh hiện có 350.000 người trong độ tuổi từ 15- 34 tuổi, chiếm 60% lực lượng LĐ của tỉnh. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào nhưng chưa phát huy được thế mạnh do chưa được đào tạo nghề (ĐTN) bài bản.

Các DN hoạt động tại các KCN của Bắc Ninh đang gặp khó khăn khi tuyển dụng LĐ và không tận dụng được nguồn nhân lực sẵn có.

Không mặn mà với KCN
Hiện, Bắc Ninh có 6 KCN với 370 DN đang hoạt động, sử dụng gần 34.000 LĐ. Theo  kế hoạch đến năm 2015, tỉnh sẽ có 15 KCN với nhu cầu sử dụng nhân lực lên đến hàng chục ngàn LĐ. Trong thời điểm kinh tế khó khăn, các DN KCN đã cắt giảm hơn 4.000 LĐ nhưng thời gian gần đây nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Đây là cơ hội lớn để LĐ địa phương tìm được việc làm.
Nhưng, trên thực tế LĐ không mấy mặn mà với việc làm tại các KCN. Ông Bùi Hoàng Mai- Phó Trưởng ban Quản lý các KCN Bắc Ninh- cho biết: "Nhu cầu tuyển dụng của các DN khá dồi dào nhưng hầu hết đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả tập đoàn lớn như Samsung, cần tới hơn 1.000 LĐ nhưng mới chỉ tuyển được 400".
Lý giải cho điều này,  ông Đỗ Quang Vui- Phó GĐ Sở LĐTBXH cho rằng: Vấn đề mấu chốt là lương các DN KCN trả chưa đủ lực hút (trung bình 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng), giờ giấc nghiêm ngặt, đòi hỏi khắt khe. Cụ thể, có DN cần LĐPT nhưng yêu cầu chỉ tuyển nữ, từ 18-20 tuổi, TN từ THPT trở lên. Điều này, khiến NLĐ không mặn mà vì họ không lo thiếu việc, bởi họ dễ dàng tìm được việc trong các làng nghề- vừa học, vừa làm, lại có thu nhập cao (100-200 nghìn đồng/ngày).
Đào tạo nghề: Giải pháp đòn bẩy
Việc làm tại làng nghề tuy có mang lại thu nhập trước mắt nhưng chỉ là thời vụ. Muốn ổn định, NLĐ cần được ĐTN. Theo báo cáo của Sở LĐTBXH tỉnh, khoảng 70% LĐ Bắc Ninh chưa được ĐTN trong khi các DN KCN cần nhiều LĐ có tay nghề. Để đáp ứng nhu cầu trước mắt, DN các KCN buộc phải thu hút LĐ từ các tỉnh lân cận. Hiện, có 48% LĐ KCN đến từ các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, thậm chí là nhiều tỉnh miền Trung.
Về lâu dài, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tập trung ĐTN cho LĐ để giúp họ có việc làm ổn định. Một số địa phương của tỉnh đã thực hiện khá tốt như huyện Quế Võ đã chủ động liên kết, đối thoại trực tiếp với các DN, tập đoàn lớn như Canon, Samsung… để tìm hiểu về nhu cầu, điều kiện của DN sau đó mở các lớp ĐTN cho LĐ. Huyện dự kiến mở 25 lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn, trung bình mỗi lớp khoảng 30 học viên, kết quả  1.000 LĐ có việc làm qua "kênh" này.
Ngoài ra, nhiều biện pháp hỗ trợ LĐ và DN đang được đẩy mạnh, ông Đỗ Quang Vui cho biết: "Dự kiến, mỗi DN tiếp nhận LĐ bị thu hồi đất được hỗ trợ 1 triệu đồng/người, DN dạy nghề cho LĐ được hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng/người". Nếu được thông qua, đây sẽ là đòn bẩy góp phần tạo việc làm hiệu quả cho LĐ địa phương.

Theo nld

Bình luận (0)