Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khan hiếm sách giáo khoa bộ mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Năm học 2022 – 2023 sắp đến, học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10 sẽ được học sách giáo khoa (SGK) theo chương trình mới (còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Tuy nhiên, tại TPHCM, theo phản ánh của phụ huynh, không dễ để mua đủ bộ SGK cho học sinh các khối này ở ngoài hiệu sách.
Khan hiếm sách giáo khoa bộ mới ảnh 1
Phụ huynh khó mua đủ sách trong 1 lần mua do chương trình có nhiều loại sách khác nhau

Khó mua đủ

Tại nhà sách Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), quầy SGK của những khối lớp trên chủ yếu là bộ Chân trời sáng tạo. Các bộ sách Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống có rất ít trên kệ. Tương tự, tại Nhà sách Thăng Long và nhà sách Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), các nhân viên cho biết, nơi này chủ yếu bán bộ Chân trời sáng tạo, còn hai bộ kia có nhưng ít loại, do nhu cầu đặt mua quá ít. “Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi khối lớp thường có tối thiểu 2-3 loại SGK khác nhau và mỗi trường lại chọn các loại sách khác nhau nên phụ huynh, học sinh khi mua sách cũng rất vất vả trong chọn lựa và khó có ai mua đủ bộ theo yêu cầu tại một nhà sách”, một nhân viên bán sách ở Bình Thạnh nói. Cũng theo nhân viên này, từ khi có SGK mới, phần lớn phụ huynh đặt sách qua trường học. Tuy nhiên, vẫn có một số sách, đặc biệt là sách bài tập, tham khảo, phụ huynh phải tự đi tìm vì tùy thuộc nhu cầu của mỗi trường, giáo viên cũng như học sinh.

Có con năm nay học lớp 10 ở Trường THPT Phú Nhuận, chị Quỳnh Thi (ngụ quận Gò Vấp) cho hay, mấy hôm nay chị phải chạy đôn chạy đáo để mua sách cho con. Theo chị Quỳnh Thi, nhà trường không có chủ trương mua sách giúp phụ huynh mà chỉ đưa danh sách các loại sách do trường chọn để phụ huynh tự mua. “Theo danh sách nhà trường cung cấp, năm nay con học 15 cuốn sách nhưng trong đó có 13 cuốn thuộc bộ Chân trời sáng tạo và 2 cuốn thuộc bộ Cánh Diều. Để mua đủ các loại sách này, tôi phải đi 2 nhà sách ở Gò Vấp và Phú Nhuận mới mua đủ, có một số nơi có sách này lại thiếu sách kia…”, chị Quỳnh Thi nói.

Trong khi đó, một số phụ huynh khác dù đã đăng ký mua sách ở trường nơi con mình theo học, nhưng đến giờ vẫn chưa biết khi nào mới nhận được sách hoặc có nhận thì cũng thiếu cuốn này cuốn kia.

Lời khuyên của nhà trường

Tại buổi tập huấn mới đây về SGK cho chương trình mới của lớp 7, 10, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, cho hay, các trường cần có trách nhiệm kết nối với các nhà xuất bản cung cấp SGK đầy đủ, kịp thời đến tay học sinh trước khi năm học mới bắt đầu. Các trường học cần xác định rõ nhu cầu, số lượng đặt mua từng loại sách đối với từng môn học của học sinh trong đơn vị, rồi làm việc với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành để kịp thời có nguồn cung ứng sách cho học sinh học.

Theo ông Tân, nhà trường cần giải thích cho phụ huynh hiểu rằng, năm nay là năm đầu tiên, nhiều khối lớp học theo chương trình mới, nên việc mua sách ở bên ngoài có thể gặp khó khăn. Trường học sẽ giúp phụ huynh tiếp cận nguồn cung ứng SGK đảm bảo 3 tiêu chí là đúng giá quy định, đầy đủ và kịp thời cho học sinh sử dụng trong đầu năm học mới sắp đến.

Theo đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam tại TPHCM, đến ngày 3/8 đã in, nhập kho hơn 77 triệu bản sách, trong đó có hơn 49 triệu bản là sách mới theo Chương trình mới cung ứng SGK cho 17 tỉnh, thành phố phía Nam.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho hay, các trường THCS trong quận 1 thống nhất với nhau, sách lớp 7 theo chương trình mới chủ yếu vẫn là bộ Chân trời sáng tạo, một số môn có sử dụng sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Cánh diều. Theo đúng quy định của quận và thành phố, học sinh lớp 7 sẽ đăng ký mua sách ở trường trên tinh thần tự nguyện, rồi trường gửi danh sách qua Phòng GD&ĐT, để chuyển yêu cầu tới nhà xuất bản, và sách sau đó sẽ được chuyển về tận trường.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho hay, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, gần như tiền lệ, cứ cuối năm, hội phụ huynh mua tặng cho các bé một bộ SGK của năm sau. Phụ huynh quen rồi, cảm thấy an tâm. Tuy nhiên, năm nay phụ huynh tìm mua SGK theo chương trình mới rất khó. “Không phải hết sách, phụ huynh đừng vội vì hiện có rất nhiều bộ sách đã được Bộ GD&ĐT cho xuất bản và ở mỗi tỉnh thành cũng đã chọn giới thiệu cho Sở GD&ĐT. Từ đó, mỗi trường sẽ có kế hoạch chọn bộ sách riêng cho từng môn. Như vậy, nếu ra nhà sách mua trọn bộ thì sẽ có những sách không trùng với thầy cô chọn. Tốt nhất để khi đi học, thầy cô sẽ giới thiệu tài liệu học tập cho các em. Khi đó, phụ huynh mua sách cho đúng”, ông Phú khuyên.

Hà Nội: Phụ huynh "khóc ròng"

Tại Hà Nội, năm học mới chỉ còn 2 tuần nữa bắt đầu nhưng nhiều phụ huynh có con năm nay học chương trình giáo dục phổ thông mới "khóc ròng" vì chạy khắp các cửa hàng sách, nhà sách vẫn không mua đủ sách giáo khoa (SGK) cho con.

Khan hiếm sách giáo khoa bộ mới ảnh 2

Phụ huynh “mướt mồ hôi” tìm mua SGK cho con. Ảnh: Như Ý

Chị Lê Hữu Hậu có con năm nay vào lớp 10 Trường THPT Phương Nam (quận Hoàng Mai) cho biết, trường không mua SGK giúp phụ huynh nên sau khi con đăng ký lớp theo tổ hợp tự chọn, gia đình tự mua. Để mua đủ SGK cho con học lớp 10, chị Hậu đi 4-5 hiệu sách quanh khu vực quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì đến giờ vẫn còn thiếu cuốn bài tập tiếng Anh. Ban Khoa học Xã hội của Trường THPT Phương Nam chọn học bộ SGK Cánh diều nhưng không hiểu sao đi mỗi hiệu sách chỉ có 1-2 môn, thậm chí có môn không có với lí do sách chưa về.

Chị Nguyễn Thị Phương, nhà ở quận Hai Bà Trưng, chia sẻ, năm nay chị có hai con đều học chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường không mua SGK giúp nên chị phải tự đi tìm sách cho con. Con gái lớn năm nay học lớp 3 và nhà trường chỉ chọn bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam nên tìm mua khá dễ dàng. Nhưng bé lớp 1, trường dạy hai bộ sách nên đi tìm rất mất thời gian.

Do chưa quen với chủ trương một chương trình nhiều SGK nên khi phải mua SGK từ nhiều bộ sách khác nhau, nhiều phụ huynh không ít khó khăn. Vì vậy, khi trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) dùng 4 bộ sách cho học sinh khối lớp 7, nhiều phụ huynh choáng váng khi đi tìm mua SGK.

Cung cấp nhỏ giọt

Sở dĩ nhiều phụ huynh phản ứng về việc một trường sử dụng nhiều bộ sách là do SGK trên thị trường hiện nay được cung cấp nhỏ giọt. Đại diện Nhà sách Tiền Phong cho hay, thiếu sách là câu chuyện “thường ngày” mỗi đầu năm học, nhất là trong bối cảnh đang thay SGK như hiện nay. Những lớp thiếu nhiều của năm nay là các lớp năm sau sẽ thay sách như lớp 4, lớp 8, lớp 11 hay các lớp năm nay thay sách như lớp 3, lớp 7, lớp 10. Từ khi thay sách thực hiện một chương trình nhiều SGK, mỗi năm nhu cầu lại khác, nên các nhà sách đều chỉ đăng ký lấy SGK rất cầm chừng, chứ không dự trù như những năm trước.

SGK đã được xã hội hóa. Vì vậy, lợi nhuận sẽ được các NXB quan tâm đầu tiên. Những năm sau, chuyện thiếu SGK chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, vì các NXB vừa xuất bản vừa dò thị trường. Và phụ huynh đến hẹn lại nháo nhào đi tìm mua sách.

Theo vị đại diện này, năm nay thiếu SGK nhất là lớp 10 còn do các Sở GD&ĐT chậm ban hành kế hoạch dạy và học vì liên quan đến điều chỉnh môn Lịch sử. Giữa tháng 7, SGK lớp 10 mới về đến hệ thống của nhà sách Tiền Phong. Đối với những lớp năm sau thay sách, lượng sách phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam cũng rất ít, đi mua muộn sẽ không còn sách.

Ông Lê Hoàng Bách, Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, thừa nhận, trên thực tế, việc công bố danh mục SGK lớp 3, 7, 10 lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đây là một thử thách lớn đối với NXB Giáo dục Việt Nam trong việc cung ứng SGK theo chương trình mới để kịp phục vụ khai giảng.

Đặc biệt đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương cụ thể.

Theo Nguyễn Dũng – Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)