Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khan hiếm tài xế, giá cước tăng vọt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Việc giao nhận hàng hóa, thực phẩm của người dân ngày càng trở nên khó khăn sau khi TP.HCM siết chặt hơn các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 tăng cường.
 /// Ảnh: Độc Lập
Ảnh: Độc Lập

Giá cước đắt nhưng tìm tài xế không dễ
Sáng 26.7, anh M.V (TP.Thủ Đức) đặt xe ôm công nghệ giao 1 thùng hàng gồm trứng, rau, bánh cho người cháu đang ở trong khu vưc bị phong tỏa tại Q.Bình Thạnh. Gọi xe qua ứng dụng Grab, anh được báo giá 52.000 đồng tiền cước cho quãng đường khoảng 6 km, cao khoảng gấp 1,5 lần so với thường ngày. Tuy giá cước tăng cao nhưng chờ mãi ứng dụng vẫn thông báo chưa tìm được tài xế thích hợp. Anh V. phải lấy thêm 1 máy điện thoại khác, đặt qua ứng dụng Gojek, may mắn tìm được tài xế ở gần, báo giá cước 36.000 đồng.
Tương tự, anh Đ.S (ngụ H.Nhà Bè) cũng giật mình khi đặt tài xế giao đồ ăn tiếp tế nhà bạn tại Q.2, ứng dụng Grab báo giá 110.000 đồng, trong khi thường ngày chỉ dao động từ 60.000 – 70.000 đồng cho cùng quãng đường. Chờ khoảng 15 phút, ứng dụng liên tục báo không tìm được tài xế khiến anh S. đành phải tự mình lái xe đưa đi vì nhà bạn có trẻ con, đang trong khu phong tỏa nhưng không mua được thực phẩm.
"Lần khác, tôi đặt xe giao hàng từ Nhà Bè sang Q.7, mức giá cước cũng tăng gấp đôi nhưng không tìm được xe. Bạn tôi từ Q.2 gửi đồ qua Bình Thạnh, thường ngày chỉ khoảng 30.000 đồng nhưng mấy ngày vừa rồi chưa bao giờ thấp hơn 60.000 đồng/cuốc xe. Ai cũng muốn tuân thủ không ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, nhưng nhiều khi không đi không được. Toàn đồ thực phẩm, trường hợp cấp thiết mà gọi tài xế thì không có. Mùa dịch ai cũng khó khăn, giá cả thực phẩm đã tăng vọt, giờ thêm phí vận chuyển cũng đua nhau tăng mạnh" – anh Đ.S thở dài ngao ngán.
Trao đổi với PV, đại diện hãng gọi xe công nghệ Gojek Việt Nam cho biết công ty cũng nhận được nhiều phản ánh về tình trạng giá cước vận chuyển tăng cao, tuy nhiên không phải do phía doanh nghiệp lợi dùng tình hình dịch bệnh để "thổi" giá cước. Giá mỗi cuốc xe được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố khách quan như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn tại thời điểm khách hàng đặt xe.
"Từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, phía Gojek đã tuân thủ đầy đủ quy định, chỉ hoạt động dịch vụ giao nhận hàng hóa và đi chợ hộ. Người dân hạn chế ra khỏi nhà, lượng đơn hàng tăng vọt trong khi rất nhiều tài xế nằm trong diện cách ly, phong tỏa nên số lượng tài xế giảm nhiều, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, tình hình giao nhận hàng hóa ngày càng khó khăn. Cầu tăng lớn trong khi cung ngày càng giảm nên giá cước cũng tăng theo. Dịch bệnh khó khăn, những tài xế còn tiếp tục hoạt động thường là đối tượng cực kỳ khó khăn, họ phải chấp nhận rủi ro để tiếp tục chạy xe kiếm tiền nuôi gia đình nên trong một số trường hợp khó bắt xe hoặc giá cước tăng, phía công ty rất mong nhận được sự thông cảm của khách hàng" – vị này chia sẻ.
Lại khổ vì "hàng thiết yếu"

Giá cao, tài xế ít, việc đặt xe trong giai đoạn này càng trở nên khó khăn hơn chỉ những tài xế giao nhận hàng hóa thiết yếu mới được phép di chuyển.
Tiếp câu chuyện của anh M.V (TP.Thủ Đức), sau thời gian miệt mại chờ đợi để bắt được 1 tài xế giao hàng, anh V. còn mệt mỏi hơn khi tài xế đến nơi yêu cầu anh phải mở hết thùng hàng để kiểm tra rồi mới đồng ý vận chuyển. Tiếp tế lương thực gồm trứng, rau, bánh… anh V. đã cẩn thận gói ghém trong thùng carton, dán băng keo kín mít nhưng tài xế lại yêu cầu mở ra hết và chỉ được dán hờ lại để trên đường nếu bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì mở ra cho dễ.
"Toàn đồ thực phẩm dễ vỡ, dễ nát mà không đóng cẩn thận thì đến nơi hỏng hết. Tôi thấy trên ứng dụng Gojek còn thông báo không nhận vận chuyển quần áo,  tập vở,  giấy  viết… Đi được 1 đơn hàng giai đoạn này đúng là quá cực" – anh V. than.
Tương tự, nhà chị L.Phương (Q.7) cũng khốn khổ vì giữa mùa nắng nóng, điều khiển máy lạnh bị hỏng nhưng khi đặt cửa hàng điện máy giao 1 chiếc mới tới thì shipper trên đường giao hàng đã bị lực lượng cảnh sát lập biên bản, bắt quay đầu xe vì vi phạm "vận chuyển hàng không thiết yếu".
Không chỉ người dân gặp khó, đại diện Grab thông tin cả tài xế và phía doanh nghiệp cũng đang khá lúng túng khi TP.HCM áp dụng nhiều quy định siết hoạt động giao nhận hàng hóa. Thực tế, chưa có văn bản cụ thể nào liệt kê đầy đủ các loại mặt hàng thiết yếu nên doanh nghiệp cũng chưa thể thống kê để cảnh báo khách hàng và tài xế khi nhận cuốc. Nhiều trường hợp tài xế e ngại buộc phải hủy đơn vì sợ bị phạt, trong khi khách hàng lại tỏ ra vô cùng bực bội , phàn nàn trên ứng dụng vì "món hàng đó rất cấp thiết đối với tôi".
Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)