Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khàn tiếng, chớ xem thường

Tạp Chí Giáo Dục

Bỗng dưng tiếng nói bị khàn, nhiều người nghĩ có lẽ bị viêm họng vài ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, đó có thể là dấu hiệu một số bệnh họng, dây thanh, thậm chí là ung thư.

“Kết” những người… nói nhiều

Thanh quản đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành tiếng nói. Thanh quản có hai dây thanh âm, bình thường khi thở, hai dây thanh mở ra. Khi phát âm, hai dây thanh khép sát nhau ở đường giữa, dưới áp lực luồng khí từ phổi lên, niêm mạc dây thanh bắt đầu có sóng rung lên, tạo ra tiếng nói.

Ảnh minh họa: internet

TS-BS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhân Dân Gia Định cho biết, khàn tiếng là khi hai dây thanh không đóng kín, hoặc bị tổn thương, dày cứng, rung động không đều.

Ở những người có tính chất công việc phải nói nhiều như giáo viên, phát thanh viên, ca sĩ, bán hàng… hoặc trẻ nhỏ hay la hét, chơi đùa… dây thanh có lúc bị căng quá mức. Niêm mạc của hai dây thanh va chạm nhiều, gây sung huyết phù nề, từ đó tạo thành u lành tính như hạt xơ dây thanh, u nang, polyp dây thanh… làm khàn tiếng.

Khi bị viêm mũi, viêm VA, dịch mũi sẽ chảy xuống, làm viêm thanh quản, cũng gây khàn tiếng. Những người bị axit ở dạ dày trào ngược lên làm hai dây thanh phù nề, lâu ngày cũng diễn tiến thành viêm dây thanh, phù nề niêm mạc. Những người nghiện rượu, thuốc lá, sống ở môi trường ô nhiễm; mắc một số bệnh viêm xoang, viêm mũi, nhiễm trùng đường hô hấp trên, mất tính đàn hồi của dây thanh do tuổi tác… cũng dễ bị khàn tiếng. Ngoài ra, gần đây có nhiều bệnh nhân bị liệt thanh quản do chấn thương sọ não, tổn thương vùng cổ, sau các phẫu thuật mổ tuyến giáp, phẫu thuật ở cổ, phổi trung thất, sọ não, hay do một số bệnh lý u, ung thư từ cổ đến phổi…

Can thiệp sớm mang lại hiệu quả cao

Theo TS-BS Trần Việt Hồng, ở trẻ nhỏ, nếu khàn tiếng do la hét quá nhiều thì sau vài ngày hạn chế nói, la hét, bệnh sẽ tự hết. Nhưng cũng có trường hợp la hét quá nhiều, quá to, gây tụ máu dây thanh, dẫn đến viêm thanh quản cấp, nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ gây phù thanh quản cấp, gây khó thở, thiếu oxy não, chậm trễ có thể gây tử vong.

Nếu bị khàn tiếng do các bệnh nội khoa như trào ngược dạ dày thực quản, bệnh mũi xoang, viêm họng, VA, cần điều trị nguyên nhân gây bệnh thì khàn tiếng sẽ giảm.

Trường hợp khàn tiếng do u lành tính, hạt xơ, u nang, polyp, phù reinke, u hạt, cần phải phẫu thuật loại bỏ u. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ sẽ khó hơn người lớn vì trẻ là lứa tuổi năng động, không ý thức được bệnh nên nguy cơ tái phát rất cao. Cần khuyên các cháu hạn chế nói và uống nước nhiều khi thời tiết nóng.

Một số trường hợp khàn tiếng do thanh môn khép không kín khi phát âm, teo dây thanh, liệt dây thanh… thì có thể phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong; Hoặc cấy tiêm mỡ tự thân vào dây thanh để giúp dây thanh khép kín.

Trước và sau phẫu thuật, việc phục hồi giọng bằng cách luyện âm và biết phát âm đúng cách đóng vai trò rất quan trọng. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, do các chuyên gia thanh học hướng dẫn.

“Những bệnh nhân khi bị khàn tiếng, đã điều trị nội khoa, hoặc nghỉ ngơi, hạn chế nói trong một – ba tuần mà vẫn còn khàn tiếng thì nên đến bác sĩ tai mũi họng để khám nội soi thanh quản, kiểm tra tổn thương thực thể dây thanh” – TS-BS Trần Việt Hồng khuyến cáo.

Theo Thanh Hoa

(PNO)

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khàn tiếng, chớ xem thường!

Tạp Chí Giáo Dục

Ca sĩ, giáo viên thường bị viêm thanh quản mãn tính do phải nói nhiều, hát quá nhiều (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Nếu khàn tiếng không được điều trị đúng, có thể khiến người bệnh trở thành người tật nguyền như bị câm vĩnh viễn.

Chủ quan mang trọng bệnh
Anh Nguyễn Văn V. (40 tuổi, quận 8 – TP.HCM) hay bị khàn tiếng, mất giọng vài hôm mỗi khi thời tiết thay đổi. Anh cho là do viêm mũi và họng gây ra, uống thuốc kháng sinh đôi ba ngày sẽ hết. Nhưng vừa qua, anh đã bị mất tiếng hơn một tháng, thay đủ các loại kháng sinh đều không khỏi. Anh đến Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM khám thì mới biết bị viêm xoang mãn và u nang lành tính dây thanh. Do anh để bệnh quá lâu nên dù được bác sĩ mổ xoang, cắt u nang và điều trị tích cực nhưng anh cũng không lấy lại được chất giọng của mình.
Giống như anh V., mới đầu chị Lan A. (36 tuổi, quận Gò Vấp – TP.HCM) cũng bị khàn tiếng nhưng cứ nghĩ do nói quá nhiều vì nghề nghiệp là giáo viên cấp III, lại thường xuyên đi dạy thêm. Chỉ đến khi không thể nói được nữa, khó thở, chị mới đến BV 175 khám thì bác sĩ cho biết đã bị ung thư thanh quản. Khối u đã phát triển quá lớn, chèn cả vào đường thở, phải cắt toàn bộ thanh quản. Chị A. đã mất đi bộ phận phát âm và không thể nói được nữa.
Những trường hợp như trên hiện nay không phải là hiếm gặp. Rất nhiều người bị khàn tiếng nhưng chủ quan không đi khám vì nghĩ chỉ là viêm nhiễm đường họng bình thường. Nhưng thực tế, đó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây hiện tượng khàn tiếng như: bị viêm họng, viêm thanh quản mãn tính do thanh quản bị kích thích như phải nói nhiều, hát quá nhiều và quá sức ở những người chuyên nghiệp về giọng (ca sĩ, giáo viên, MC), hoặc do thay đổi thời tiết… Với những trường hợp này chỉ cần hạn chế nói thì khàn tiếng sẽ tự khỏi. Nhưng khàn tiếng cũng là biểu hiện của các bệnh như lao thanh quản, ung thư thanh quản… Nếu đi khám và điều trị sớm, người bệnh có thể vẫn nói được. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến viện khi đã quá muộn thì không những không bảo toàn được giọng nói mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
Khàn tiếng do ung thư thanh quản
Hiện bệnh này chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Lúc đầu, bệnh chỉ giống như khàn giọng khi bị cúm. Tình trạng khàn giọng sẽ ngày càng tăng, các thuốc điều trị viêm thanh quản ít có tác dụng. Giai đoạn sau, tiếng nói trở nên thô ráp, khàn đặc, mất hết âm sắc, khó nói, nói đau, lúc này khối u ở thanh quản đã tiến triển. Do vậy, nếu khàn tiếng mà không khỏi, kéo dài trên 3 tuần, cần phải đi khám ở chuyên khoa tai mũi họng. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư thanh quản, tùy thuộc vào vị trí, mức độ ăn lan của ung thư và thể trạng người bệnh. Đến nay, phẫu thuật vẫn là phương pháp thường được lựa chọn, kế đến là xạ trị và hóa trị hoặc phối hợp giữa các phương pháp trên. Tuy nhiên trong tương lai, với sự tiến bộ về y học, các phương pháp xạ trị, hóa trị sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, hoặc có những phương pháp mới thay thế và bảo tồn được chức năng của thanh quản. Để phòng bệnh này, tốt nhất không nên hút thuốc, uống nhiều rượu, tránh các yếu tố kích thích như sự thay đổi của khí hậu, tiếp xúc với hóa chất, với các chất khí, bụi bẩn… Đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng cẩn thận và tránh viêm thanh quản mãn tính (tiền đề của một ung thư hóa), nhiễm khuẩn vùng răng miệng, viêm mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin…
BS NGUYỄN VĂN TIẾN
(Chuyên khoa Tai mũi họng BV 175 – TP.HCM)