Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Khàn tiếng kéo dài có thể gây ung thư thanh quản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghệ sĩ – ca sĩ thường bị khàn tiếng cũng như gặp các vấn đề về thanh quản (ảnh minh họa). Ảnh: S.M

Khàn tiếng là một biểu hiện rối loạn giọng nói thường gặp nhưng rất nhiều người thường chủ quan. Tuy nhiên, bị khàn tiếng kéo dài mà không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư thanh quản và bị câm vĩnh viễn.
Đừng chủ quan xem thường!
Anh Nguyễn Văn M. (37 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) thường xuyên đi uống rượu bia với bạn bè trong cơ quan. Mỗi lần nhậu, anh hút thuốc lá rất nhiều nên hôm sau, cổ họng anh đau rát, giọng khàn. Anh tâm sự với “chiến hữu” thì được biết ai cũng hay bị triệu chứng như mình nên anh chẳng mấy quan tâm. Nhiều năm như thế, họng anh ngày một đau, giọng khàn đục. Gần đây, anh thường xuyên bị sốt, ho dai dẳng, rồi đột nhiên mất hẳn tiếng mới đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám, làm các xét nghiệm và kết quả là anh bị ung thư thanh quản. Trải qua nhiều lần phẫu thuật phức tạp, anh M. mới lấy lại được giọng nói của mình.
Tương tự, NSƯT N. hay bị khàn tiếng, mất giọng vài hôm mỗi khi thời tiết thay đổi. Chị nghĩ rằng do mình đi hát nhiều nên uống thuốc kháng sinh vài ngày sẽ hết. Nhưng vừa qua, chị đã bị mất tiếng hơn một tháng, thay đủ các loại kháng sinh đều không khỏi. Chị nghỉ hát đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám thì mới biết mình bị u nang dây thanh. Do chị để bệnh quá lâu nên BS phải cắt u nang và điều trị tích cực trong một thời gian dài chị mới lấy lại được chất giọng của mình. BS cũng cho biết, nếu chị đến bệnh viện trễ hơn nữa sẽ dẫn đến tình trạng bị câm vĩnh viễn.
Mỗi năm, Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Phòng Nội soi thanh khí – Phế quản, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hàng trăm ca đến chữa trị khi khàn tiếng đã trở nên biến chứng… Những người bị khàn tiếng và gặp các vấn đề về thanh quản thường là giáo viên, phát thanh viên, nghệ sĩ – ca sĩ hoặc những người làm trong môi trường khói bụi, ô nhiễm. Đặc biệt là những người thường xuyên uống bia rượu, hút thuốc lá…
Đừng để quá muộn
Có nhiều nguyên nhân gây khàn tiếng như: Bị viêm họng, viêm thanh quản mãn tính do thanh quản bị kích thích như phải nói nhiều, hát quá nhiều. Với những trường hợp này chỉ cần chữa khỏi bệnh hoặc hạn chế nói thì khàn tiếng sẽ tự khỏi. Nhưng khàn tiếng cũng là biểu hiện của các bệnh như lao thanh quản, ung thư thanh quản… Nếu đi khám và điều trị sớm, người bệnh có thể vẫn nói được. Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đến viện khi đã quá muộn thì không những không bảo toàn được giọng nói mà còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, nếu khàn giọng kéo dài hơn một tuần đối với trẻ em và 3 tuần đối với người lớn thì cần đến gặp BS chuyên khoa ngay.
Ngoài việc dùng thuốc thì chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng góp phần tăng hiệu quả điều trị khàn tiếng. Trong đó có thể kể đến món cháo đậu xanh, vật liệu gồm đậu xanh 50gr, lá dâu non 15gr, lá tía tô 10gr, muối vừa đủ. Cách làm như sau: Lá dâu non, lá tía tô rửa sạch thái nhỏ. Đậu xanh đãi sạch giã dập, để cả vỏ cho vào nồi thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đậu nhừ rồi cho lá dâu, tía tô và muối vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày 1 lần lúc đói khi cháo còn nóng, ăn liền 3 ngày, sau khi ăn đắp chăn kín cho ra mồ hôi; thứ hai là nước cam thảo đất với vật liệu gồm lá cam thảo đất 30gr, lá rau má 20gr, muối vừa đủ. Cách làm: Lá cam thảo đất, lá rau má rửa sạch giã nhỏ, dùng nước sôi để nguội lọc lấy 150ml, thêm ít muối quấy đều chia 2 lần uống trong ngày, uống liền 3 ngày.
BS. Phạm Thị Vân Thanh
(Trưởng phòng Nội soi thanh khí – Phế quản, Bệnh viện Chợ Rẫy)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)