Sự kiện giáo dục

Khẩn trương rà soát, báo cáo và đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 151 tại các cơ sở giáo dục công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT TP khẩn trương rà soát, có văn bản khẩn báo cáo lãnh đạo UBND TP, đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 151 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP khi năm học mới đã cận kề.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM

Từ năm 2018 thực hiện Nghị định 151 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) đến nay các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, nhiều địa phương đã phải dừng hoạt động căng tin, bếp ăn, bãi xe trong trường vì đề án sử dụng tài sản công chưa được phê duyệt. Số ít địa phương và trường học khác thực hiện theo hình thức đấu thầu từng năm.

Đấu thầu từng năm để tổ chức căng tin, bãi xe, bếp ăn là chưa đúng theo Nghị định 151

* Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về thực tế triển khai Nghị định 151 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.HCM?

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM: Vừa qua HĐND TP đã tiếp nhận rất nhiều phản ánh của cử tri ngành giáo dục TP, địa phương, phản ánh của Tạp chí Giáo dục TP.HCM liên quan đến việc phê duyệt đề án sử dụng tài sản công đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo Nghị định 151/2017 của Chính phủ.

Các phản ánh cho biết trường học trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng đề án, thẩm định giá đất, thẩm định hồ sơ pháp lý liên quan đến xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Nhiều địa phương đã tạm ngưng không tổ chức hoạt động căng tin, bãi xe, bếp ăn. Điều này dẫn đến lãng phí rất lớn mặt bằng của cơ sở giáo dục công lập do không thể thực hiện được hoạt động cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết. Về mặt xã hội, việc ngưng tổ chức những hoạt động này ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường, học sinh, phụ huynh.

Năm 2022, UBND TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Tài chính về việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập và Bộ Tài chính có hướng dẫn: với các hoạt động căng tin, bãi xe thì không cần phải lập đề án; UBND TP cũng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tạm thời ký hợp đồng theo từng năm đối với việc cho thuê tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, bãi xe…

Tuy nhiên, những nội dung này khi căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật thì không đúng với Nghị định 151. Nghị định 151 vẫn là văn bản có tính pháp lý cao nhất. Nghị định 151 quy định rất rõ, khi trường học sử dụng cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản công để tổ chức các hoạt động căng tin, bếp ăn, bãi giữ xe thì cần phải có đề án sử dụng tài sản công được phê duyệt. Vì thế, việc các cơ sở giáo dục công lập thực hiện đấu thầu theo từng năm để tổ chức các hoạt động căng tin, bãi xe, bếp ăn bán trú là không phù hợp với Nghị định 151, vì muốn đấu thầu tổ chức thì phải có đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

* Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì để không phải lập đề án, các trường tự đứng ra tổ chức những hoạt động này. Vậy, tại sao các trường chưa mạnh dạn làm, thưa ông?

– Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính cho TP.HCM, nếu nhà trường tự đứng ra tổ chức các hoạt động về căng tin, bếp ăn, bãi giữ xe thì không phải lập đề án.

Thế nhưng, trường tự tổ chức thì khả năng có làm được không, và nếu làm thì vị trí việc làm để tổ chức những hoạt động này nằm ở đâu trong Đề án vị trí việc làm. Còn nếu trường đứng ra ký hợp đồng để tổ chức những hoạt động này thì theo Nghị định 151 lại sai vì ký hợp đồng mà chưa được phê duyệt đề án sử dụng tài sản công thì không được.

Do đó hiện nay, nếu không có hướng tháo gỡ sẽ khiến các trường gặp rất nhiều khó khăn. Trường học mà không tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, bãi xe thì cực kỳ khó khăn cho phụ huynh học sinh cũng như việc tổ chức các hoạt động giáo dục.

Ví dụ như cha mẹ đi làm, con đi học sớm chưa kịp ăn sáng ở nhà mà đến trường không có căng tin thì trẻ sẽ nhịn đói hoặc là phụ huynh sẽ mua đồ ăn cho con ở hàng quán, hàng rong trước cổng trường. Đây là nguy cơ dẫn đến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mất trật tự trước cổng trường…

Hoặc trong trường hợp học sinh cần mua các dụng cụ học tập như cục gôm, cây viết, cuốn tập trong thời gian học ở trường mà trường không có căng tin thì biết mua ở đâu, hay phải ra ngoài cổng trường mua; Rồi học sinh đi học không có bãi giữ xe thì gửi ở đâu, gửi trong trường không có người trông coi nếu mất xe ai sẽ là người chịu trách nhiệm?…

Các trường học hiện gặp khó khi thực hiện Nghị định 151

* Hiện UBND TP đã chấp thuận chủ trương giao UBND quận Gò Vấp tổ chức thực hiện nghiên cứu, xây dựng Đề án “thí điểm ủy quyền phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập”. Song thực hiện Nghị định 151 là khó khăn chung trên toàn TP với 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Như vậy, theo ông, với khó khăn của các địa phương còn lại thì cần có hướng tháo gỡ nào?

– Trong điều kiện hiện nay, việc tổ chức thí điểm là chủ trương đúng và cần thiết. Sau thời gian thí điểm mới đánh giá, xem xét tính phù hợp trước khi nhân rộng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 151 về xây dựng đề án sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp công lập là khó chung với 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. UBND TP hiện đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có tham mưu chặt chẽ về pháp lý và đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tế. HĐND TP cũng đã có báo cáo với lãnh đạo TP để sớm có hướng tháo gỡ căn cơ, đồng thời Ban Văn hóa Xã hội sẽ tiếp tục đeo bám…

Đề nghị Sở GD-ĐT có văn bản sớm báo cáo, đề xuất giải pháp thực hiện Nghị định 151

Ông Cao Thanh Bình: Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP đã làm việc với Sở GD-ĐT TP và các sở ngành có liên quan, kiến nghị cần khẩn trương tham mưu UBND TP để lãnh đạo TP xem xét chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn việc thực hiện Nghị định 151 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP.

Về phía Sở GD-ĐT TP, HĐND TP đề nghị cần khẩn trương rà soát, đánh giá, báo cáo số liệu chi tiết các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các nhà trường bị tác động bởi Nghị định 151 trong sử dụng tài sản công. Sở GD-ĐT TP phải có văn bản báo cáo gấp cho lãnh đạo UBND TP, nêu ra những khó khăn, bất cập, kiến nghị các giải pháp cụ thể tháo gỡ vấn đề này, để UBND TP tổ chức thực hiện một cách tốt nhất nội dung này, nhất là khi năm học mới đã cận kề.

Hiện nay đã là cuối tháng 7. Đầu tháng 8 là các trường đã phải thực hiện rà soát, đánh giá lại cơ sở vật chất, các công đoạn để ngay cuối tháng 8 đón học sinh chuẩn bị cho năm học mới. Nếu ngành giáo dục không khẩn trương thì tình hình này có thể sẽ khiến các trường trở tay không kịp…

* Xin cảm ơn ông!

Yến Hoa (thực hiện)

Bình luận (0)