Sáng 1-6, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TPHCM và một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, khảo sát về tình hình triển khai thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên GDTX trên địa bàn TP.HCM năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 17 và 29 của HĐND TP.
Cần khẩn trương thực hiện hỗ trợ học phí học sinh theo Nghị quyết 17, 29 HĐND TP.HCM
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam khẳng định, quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc thực hiện Nghị quyết số 17, 29 của HĐND TP là sẽ chi đầy đủ các trường, chi đầy đủ cho học sinh, chi đúng đối tượng theo đúng tinh thần của các Nghị quyết và đúng thời gian giảng dạy, đúng hình thức giảng dạy. Do vậy, việc triển khai thực hiện phải làm thật kỹ dẫn đến việc hơi chậm trễ chút, nhưng không ảnh hưởng đến học sinh. Ngành giáo dục cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết.
Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình cho hay, Nghị quyết ban hành là đã cân đối được nguồn ngân sách, dự báo được con số hỗ trợ mới ban hành chính sách. Ngay sau khi Nghị quyết HĐND TP ban hành thì UBND TP có quyết định để tổ chức thực hiện, ngành giáo dục và tài chính phải phối hợp ngay lập tức dự toán trên con số đã được thống kê. Việc chi quyết toán thực tế theo Nghị quyết thì có thực học mới chi. Do đó, nếu sau khi kết thúc học kỳ mới thống kê thì rất chậm trễ.
Ông Bình nhấn mạnh, trong quá trình thống kê, nếu trường học nào chậm thì với góc độ ngành giáo dục cần có biện pháp xử lý. Không vì một đơn vị nào đó chậm trễ mà ảnh hưởng đến đối tượng thụ hưởng là phụ huynh, học sinh. Nếu phòng giáo dục không có nhu cầu thì Sở GD-ĐT cần có văn bản gửi đến trường, các trường có nhu cầu gửi trực tiếp về Sở để tổng hợp.
Tăng cường giám sát khi thực hiện Nghị quyết
“Đến thời điểm này các trường đã tổng kết kết thúc năm học mà việc hỗ trợ học phí học kỳ 1 vẫn chưa nhận được thì rất áy náy”, ông Bình bày tỏ.
Tương tự, với học kỳ 2, ông Cao Thanh Bình cho rằng không chờ đến thống kê nữa vì một số bậc học đang bước vào giai đoạn nước rút chuẩn bị cho học sinh cuối cấp thi tuyển sinh đầu cấp, rất nhiều việc. Do đó cần căn cứ theo số lượng dự báo khi làm Nghị quyết, khẩn trương thực hiện.
“Hiện nay các trường vẫn còn phải xoay sở các nguồn kinh phí trang trải. Việc ngành tài chính cho rằng nguồn các trường vẫn còn có thể cân đo đong đếm được thì thực tế việc cân đo đong đếm này là các trường đang “thắt lưng buộc bụng”, học sinh phải đối mặt với sự thiệt thòi do thiếu nguồn.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 và 29 của HĐND TP.HCM, Sở GD-ĐT đã rà soát, tổng hợp nhu cầu thực hiện chính sách đặc thù theo Nghị quyết. Trong đó, dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ trong học kỳ 1 theo Nghị quyết số 17 là hơn 202 tỷ đồng; mức kinh phí gửi Sở Tài chính đề xuất cấp bổ sung trong học kỳ 2 theo Nghị quyết số 29 là hơn 498 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc một số khó khăn như một số đơn vị ngoài công lập việc tổ chức đi học lại tại các cơ sở giáo dục này số liệu học sinh thay đổi thường xuyên; phải tổ chức rà soát, cập nhật thời gian đi học theo hình thức trực tuyến, trực tiếp tương ứng mức học phí cấp bù nên việc thực hiện Nghị quyết còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ. Thực tế, năm học 2021-2022 sắp kết thúc nhưng kinh phí học phí hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện đến các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh. |
Thay vì có nguồn để có các hoạt động cho học sinh nhưng khi chưa được cấp bổ sung nguồn thì buộc lòng các trường phải dựa vào các nguồn có sẵn, thắt lưng buộc bụng. Ngoài ra, khi trường không tổ chức dạy học 2 buổi, dạy học online, giáo viên bị cắt nguồn thu lớn thì việc trang trải cuộc sống của giáo viên sẽ rất khó khăn”, ông Cao Thanh Bình phân tích.
Trong buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình đề nghị ngành giáo dục cần phải thống kê, tổng hợp đầy đủ việc thực hiện theo Nghị quyết số 17, 29. Nếu đơn vị nào chậm trễ hoặc không làm, phụ huynh có khiếu nại thì đơn vị phải chịu trách nhiệm; Đồng thời phải tăng cường giám sát để chi hỗ trợ có đúng đối tượng không, phụ huynh học sinh đã đóng tiền rồi thì có được trả lại tiền hoặc cấn trừ cho năm học sau hay không. Nếu học sinh đã ra trường rồi thì thực hiện hỗ trợ thế nào; Các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền Nghị quyết chính sách đặc thù.
Yến Hoa
Bình luận (0)