Dự án của Sudico tại khu đô thị mới Mỹ Đình |
Khẳng định vị thế!
Là một trong những cổ phiếu được đánh giá là “cổ phiếu dẫn dắt” thị trường, cổ phiếu của TCty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam – PVFC (mã chứng khoán PVF) đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư khi phiên chào sàn rớt giá, nhưng 2 ngày sau đã bật lên mức giá trần với khối lượng dư mua lớn.
Hoạt động kinh doanh chủ yếu của PVFC là huy động và cho vay, đầu tư. Khách hàng chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí và các Cty thành viên. PVFC có nhiệm vụ bảo đảm nguồn vốn cho các dự án của tập đoàn. Hiện Cty đã triển khai đầu tư các dự án có hiệu quả như dự án Tàu FPSO, dự án Thủy điện Việt Lào, Thủy điện Sông Vàng,… góp vốn cổ phần vào các dự án trong lĩnh vực dầu khí như Cty CP Điện lực Nhơn Trạch 2, Cty CP Chế tạo giàn khoan Dầu khí, Cty CP Đầu tư Dầu khí Sao Mai Bến Đình…
Lợi thế ông lớn
PVFC có lợi thế về nguồn vốn tài trợ ủy thác đầu tư và cho vay, chiếm đến trên 55% tổng nguồn vốn. Trong bối cảnh thị trường vốn gặp nhiều biến cố thời gian qua, nguồn vẫn có sự gia tăng mạnh và là nguồn quyết định khả năng mở rộng hoạt động của PVFC. Nếu tại thời điểm 31/12/2007 nguồn này chiếm 37,8% tổng nguồn với giá trị tương ứng 18.140 tỷ đồng thì đến 30/9/2008, nguồn này đã chiếm đến 55,2% tổng nguồn, với giá trị lên tới 25.879 tỷ đồng, tăng 42,7%. Đây là thành tích đáng ghi nhận của PFVC bởi theo báo cáo của NHNN thì tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 10,71%.
Trong 9 Cty tài chính lớn của các tập đoàn, PVFC là Cty lớn nhất, với 3 Cty con, có mạng lưới 9 chi nhánh và 15 phòng giao dịch rộng khắp trên toàn quốc. Hiện vốn điều lệ của Cty lên đến 5.000 tỷ đồng. Cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – 78%, Morgan Stanley International Holding Inc – 10%. |
Một lợi thế khác của PVFC là vốn chủ sở hữu lớn, lên tới 5.000 tỷ đồng và huy động từ giấy tờ có giá lên tới 1.500 tỷ đồng (năm 2007) với lãi suất cố định 8,6%. Tuy nhiên do chỉ nhận tiền gửi có kỳ hạn trên một năm nên lượng tiền gửi của khách hàng tại PVFC chiếm tỷ trọng rất nhỏ (0,6%) và giá trị chỉ có 276 tỷ đồng vào thời điểm 30/9. Điều này có thể khiến PVFC bất lợi nếu không có nguồn vốn ủy thác lớn và ổn định. Đây là điểm yếu của Cty so với các ngân hàng thương mại hiện nay. Lượng vốn huy động trên liên ngân hàng đóng góp đáng kể vào tổng nguồn vốn, với giá trị lên tới 6.268 tỷ đồng, chiếm 13,4%. Con số này tuy lớn nhưng chỉ bằng 45,9% số vốn PVFC gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác trên liên ngân hàng.
Với nguồn vốn tài trợ, ủy thác đầu tư lớn và tăng mạnh thời gian qua so với ngành ngân hàng, PVFC đã chủ động đẩy mạnh hoạt động cho vay khi hầu hết các ngân hàng đang gặp khó khăn và hạn chế cấp tín dụng. Dư nợ cho vay của PVFC lên tới 17.683 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng tài sản và tăng tới 74,5% so với thời điểm 31/12/2007. Đây có thể là một chiến lược đúng đắn để gia tăng lợi nhuận và mở rộng quan hệ khách hàng của PVFC khi hầu hết các ngân hàng hạn chế cho vay. Tuy nhiên, có một vài quan ngại về tỷ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu của PVFC, tại thời điểm 30/9 các tỷ lệ này tương ứng là 7,85% và 6,03%. Trong khi đó, tại thời điểm 31/12/2007 các con số tương ứng là 4,08% và 2,97%. So với cuối năm 2007, nợ quá hạn tăng 239,7% và nợ xấu tăng 258,2%. Ở đây, mở rộng tín dụng chưa đi kèm với chất lượng tín dụng và một phần là do nền kinh tế gặp khó khăn.
Tín hiệu tích cực
PVFC tham gia khá tích cực trên thị trường liên ngân hàng. Lượng vốn gửi và cho vay tổ chức tín dụng lên tới 13.642 tỷ đồng, chiếm 39,1% tổng tài sản của Cty. Và đây là tài sản có mức độ an toàn cao và có mức sinh lời khá lớn trong 9 tháng đầu năm 2008. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung của hệ thống tài chính, PVFC đã rút bớt một lượng vốn kinh doanh trên thị trường này, so với thời điểm 18/3/2008 Cty đã rút về 2.405 tỷ đồng để phục vụ cho các mảng hoạt động khác. Mặc dù vậy, PVFC vẫn là một nhà kinh doanh lớn trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh hoạt động cho vay khách hàng và kinh doanh tiền tệ trên liên ngân hàng, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn từ nguồn vốn ủy thác của PVFC cũng khá quan trọng. Tài sản này chiếm tới 25% tổng tài sản và tạo ra nguồn thu quan trọng cho PVFC. Tuy không có số liệu chi tiết đối tượng ủy thác cho PVFC nên không có bình luận sâu hơn về hiệu quả hoạt động này của PVFC đối với từng khách hàng và nguồn tài trợ cho tài sản này có tính ổn định hay không.
Trong quý 3, kết quả kinh doanh của PVFC khá ấn tượng, với lợi nhuận sau thuế đạt 261,0 tỷ đồng, tăng 34,05% so với quý 2 trong khi đó tổng tài sản tăng 11,7%. Thu nhập từ lãi là khoản thu quan trọng nhất của PVFC, đóng góp tới 72,5% tổng thu nhập của Cty trong khi tài sản tạo ra nguồn thu này chỉ chiếm 66,8% tổng tài sản. Điều này hàm ý rằng hoạt động chính của Cty là cho vay khách hàng và gửi và cho vay liên ngân hàng. Nó cũng cho thấy Cty đang đi đúng hướng trong việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng vốn. Thu từ mua bán kỳ hạn và hoàn nhập dự phòng cho vay chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu quý 3 của Cty với gần 150 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng thu. Tỷ lệ chi phí trả lãi và thu lãi của công ty đạt 87,8% và ở mức tương đối tốt.
Có một vài quan ngại về mảng kinh doanh ngoại hối của Cty khi để lỗ 7,7 tỷ đồng trong quý 3 và mảng chứng khoán kinh doanh với tỷ lệ dự phòng trên giá trị lên tới 34,5%. Ở đây không xem xét đến hiệu quả của mảng chứng khoán đầu tư từ vốn nhận ủy thác đầu tư, đầu tư ủy thác PVFC không chịu rủi ro và góp vốn đầu tư dài hạn từ vốn nhận ủy thác đầu tư.
PVFC được đánh giá cao về khả năng huy động từ nguồn vốn ủy thác đầu tư. Trong khi hệ thống tài chính khó khăn, nguồn vốn này của PVFC không những không giảm mà còn tăng khá mạnh và tạo cho Cty nguồn thu. Điều này cho thấy PVFC có lợi thế mà nhiều Cty tài chính cũng như ngân hàng không có được – sự hỗ trợ trợ mạnh mẽ từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một trong số rất ít tổ chức kinh tế có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam với doanh thu cả tập đoàn đạt 69.390 tỷ đồng, chiếm 20% GDP cả nước trong quý 1/2008.
PVFC đã niêm yết trên sàn HoSE vào đầu tháng 11 với giá niêm yết 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường đang trong xu hướng đi xuống và chịu tác động nhiều từ thị trường chứng khoán thế giới, như nhiều cổ phiếu khác, có thể là một bất lợi đối với cổ phiếu PVFC nhưng nó cũng có thể là cơ hội cho một bộ phận giới đầu tư trên thị trường.
Khối lượng giao dịch bình quân của PVF từ khi lên sàn đều trên 1 triệu đơn vị/phiên cho thấy giới đầu tư khá quan tâm tới cổ phiếu này. Bên cạnh đó, sự thay đổi giá của cổ phiếu này có thể có tác động tới các cổ phiếu họ nhà dầu khí trên sàn. Rõ ràng, không thể phủ nhận rằng PVF sẽ tác động khá lớn đến tâm lý giới đầu tư. Cùng với STB cổ phiếu này là một trong những cổ phiếu tài chính ảnh hưởng tới tâm lý giới đầu tư và mang tính dẫn dắt thị trường.
Sẽ niêm yết sàn ngoại vào 2009 Không ít nhà đầu tư quan ngại về thời điểm lên sàn của PVFC và cho rằng vào thời điểm này, sự xuất hiện của cổ phiếu này có những tác động tới VN – Index. DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Tống Quốc Trường – Tổng giám đốc PVFC. -Tại sao PVFC lại chọn thời điểm “nhạy cảm” của TTCK lúc này để niêm yết? Với việc lên sàn, PVFC thực hiện các cam kết với cổ đông, nhà đầu tư; góp phần tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu TCty, thực hiện minh bạch hóa tình hình tài chính, tình hình hoạt động; đồng thời tạo kênh thông tin chính xác, đầy đủ, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực, nguồn lực tiếp cận tham gia đầu tư. -Ông có lo ngại các yếu tố bất lợi của thị trường thế giới và trong nước sẽ tác động đến cổ phiếu? Có thể thấy, sau 2 ngày giảm giá, cổ phiếu PVF đã tăng trần vào ngày tiếp theo với lượng dư mua rất lớn. Mặc dù những yếu tố bất lợi của thị trường thế giới và trong nước ảnh hưởng tới hầu hết các DN, trong đó có PVFC, nhưng chúng tôi tin tưởng với tiềm lực quyết tâm của Cty sẽ không để các cổ đông, nhà đầu tư thất vọng. Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị và kế hoạch niêm yết tại sàn Singapore vào năm 2009 sẽ không thay đổi. – Xin cảm ơn ông ! Hoàng Oanh thực hiện |
TT phân tích và dự báo Cty CP chứng khoán An Bình (dddn)
Bình luận (0)