Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kháng thuốc: Vấn đề đáng báo động

Tạp Chí Giáo Dục

c ta, đi b phn ngưi dân có thói quen c bnh là rưc c đng kháng sinh v ung. Hu qu là t l kháng kháng sinh (kháng thuc) ti Vit Nam đang mc báo đng…

Thói quen cứ bệnh là ra nhà thuốc mua kháng sinh uống dẫn đến tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, kháng sinh chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thường được bán tại các nhà thuốc. Một nghiên cứu được tiến hành tại các bệnh viện cho thấy, 1/3 số bệnh nhân nội trú đã sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý trong quá trình nhập viện. Bằng chứng cho thấy 88-97% các cửa hàng bán thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm.

Có thể nói, việc lạm dụng kháng sinh tại Việt Nam đã dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở mức nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân đã không thể qua khỏi chỉ vì lạm dụng kháng sinh.

TS.Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – khẳng định: “Trên toàn cầu và ở Việt Nam, một số loại kháng sinh đã cứu sống hàng triệu người kể từ khi chúng được phát minh, giờ đã mất đi khả năng chữa bệnh”.

Theo Bộ Y tế, tình trạng kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các loại thuốc kháng vi khuẩn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm và thuốc chống ký sinh trùng – là những loại thuốc được sử dụng để phòng và điều trị bệnh cho con người, động vật, thực vật. Kết quả là các bệnh nhiễm trùng trở nên khó hoặc không điều trị được, điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật, bệnh có diễn biến nặng hơn, dẫn đến tàn tật và tử vong.

Kháng thuốc có thể lây lan nhanh chóng trong các cơ sở y tế, động vật, thực phẩm, đất và nước.

Kháng thuốc đang là mối đe dọa đến sức khỏe và nền kinh tế. Chính vì vậy cần có sự chung tay từ các cá nhân và các cấp ban ngành để chống lại tình trạng kháng thuốc.

Tại hội nghị bàn tròn cấp cao về kháng thuốc, TS.BS Nguyễn Tri Thức – Thứ trưởng Bộ Y tế – nhấn mạnh: “Ngay cả khi đã đạt được những cột mốc quan trọng kể từ khi xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia vào năm 2013, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong việc ngăn chặn và kiểm soát xu hướng kháng thuốc ngày càng gia tăng trong ngành y tế. Ngành y tế luôn cam kết hợp tác sâu sắc với các ngành nông nghiệp, môi trường để thực hiện Chiến lược quốc gia giai đoạn 2023-2030 một cách hiệu quả”.

“Chúng tôi kêu gọi sự cam kết của tất cả các bên liên quan và những người phụ trách về kháng thuốc, bao gồm nhân viên y tế, ngành dược phẩm, người bệnh, người tiêu dùng… nhằm ngăn ngừa và kiểm soát sự gia tăng tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam”, BS Thức nói.

Cũng tại hội nghị, TS. Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – kêu gọi người nông dân sử dụng “đúng thuốc” cho “đúng bệnh” và dùng “đúng liều lượng” trong những trường hợp thực sự cần thiết.

“Chúng tôi đã triển khai kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong lĩnh vực nông nghiệp từ năm 2017. Kể từ đó, nhiều quy định đã được ban hành hoặc sửa đổi để giảm việc sử dụng thuốc kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều quan trọng là các cấp từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng phải hỗ trợ việc thực hiện những quy định này và thực hiện kế hoạch hành động quốc gia. Mỗi người dân, dù tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hay không, cũng có thể hỗ trợ bằng cách sử dụng đúng thuốc cho đúng bệnh với liều lượng đúng theo quy định”.

TS.Rémi Nono Womdim – Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) – cho biết: “Ngăn chặn và ứng phó với kháng thuốc sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho ngành sản xuất thực phẩm, sức khỏe động vật, môi trường và ngành y tế. FAO phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nhóm bốn bên (gồm FAO, WHO, Tổ chức Thú y Thế giới và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) hỗ trợ phát triển một tuyên bố chính trị phù hợp với tương lai, tăng tốc các nỗ lực ứng phó với kháng thuốc trong tất cả các lĩnh vực và ở mọi cấp độ. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo việc tiếp cận bền vững và công bằng với kháng sinh cho việc sử dụng hợp lý, thận trọng trong sức khỏe con người, động vật và thực vật, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.

Theo TS. Angela Pratt: “Chiến lược quốc gia của Việt Nam nhận định kháng thuốc kháng sinh là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và nền kinh tế; là mối đe dọa trong việc đạt được các mục tiêu phát triển trong nước và các mục tiêu quốc tế khác như mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, cần hành động, phối hợp mạnh mẽ hơn từ các cá nhân và tất cả các lĩnh vực của xã hội, kinh tế, bao gồm sức khỏe con người, sức khỏe động vật, thực vật và môi trường để hỗ trợ việc thực hiện chiến lược quốc gia. Thời điểm hành động là ngay bây giờ”.

Theo đó, các hành động để ngăn chặn kháng thuốc bao gồm cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh và môi trường cho con người, động vật; tăng cường phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật trong các gia đình, cơ sở y tế, trang trại, cơ sở công nghiệp thực phẩm; cải thiện việc tiếp cận vắc-xin, chẩn đoán và kê đơn thuốc; giảm thiểu ô nhiễm và đảm bảo quản lý chất thải, vệ sinh đúng cách; nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh.

Ngc Hà

Bình luận (0)