“Bếp ăn bán trú mẫu” là mô hình bếp ăn bán trú một chiều trong trường học, được xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản do Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM tài trợ vừa được khánh thành tại Trường TH Phan Đình Phùng (Q.3).
Học sinh Trường TH Phan Đình Phùng hào hứng tham quan “bếp ăn bán trú mẫu” đạt chuẩn quốc tế
Đây là “bếp ăn bán trú mẫu” đầu tiên tại TP.HCM được đưa vào sử dụng và cũng là dự án thứ hai tại Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Đồng thời là bếp ăn bán trú mẫu thứ 3 trong khuôn khổ dự án bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT, Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai từ năm 2012.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Nho Huy (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT) đánh giá, hơn 10 năm qua dự án bữa ăn học đường đã mang đến cho hàng triệu học sinh trên toàn quốc những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Hơn thế, học sinh được giáo dục về giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm thông qua Chương trình “3 phút thay đổi nhận thức”, giúp học sinh nâng cao hiểu biết và thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh.
Trong đó, TP.HCM là đơn vị đi đầu cả nước về việc tiên phong triển khai dự án bữa ăn học đường, là cơ sở để dự án được nhân rộng, triển khai tại 62 tỉnh thành với hơn 4.200 trường học áp dụng đến nay.
Khánh thành bếp ăn bán trú mẫu tại TP.HCM
Đại diện Bộ GD-ĐT mong muốn TP.HCM và các tỉnh thành khác cần tiếp tục duy trì và triển khai ngày càng hiệu quả dự án bữa ăn học đường. Đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét việc tài trợ các bếp ăn mới tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần phát triển sức khỏe, tầm vóc của học sinh Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng (Phó phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM) thông tin, tính đến nay toàn TP đã có hơn 400 trường tiểu học triển khai dự án bữa ăn học đường. Từ việc giáo dục kiến thức dinh dưỡng thực phẩm thuộc chương trình “3 phút thay đổi nhận thức” cho học sinh, các trường dần áp dụng các thực đơn cân bằng dinh dưỡng trong phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng" thuộc dự án "bữa ăn học đường" vào bữa ăn bán trú của học sinh từ một vài đến tất cả các buổi trong tuần.
“Bếp ăn bán trú mẫu” tại Trường TH Phan Đình Phùng được khởi công xây dựng từ tháng 6-2021. Bếp được xây dựng theo tiêu chuẩn bếp ăn một chiều từ việc thu nhận, xử lý nguyên liệu đầu vào đến giai đoạn chế biến và thành phẩm là những khẩu phần ăn hoàn chỉnh. Đặc biệt, bếp được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để tối ưu hóa năng suất lao động của bếp ăn…
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT cùng đại diện các trường tiểu học tham quan bếp ăn bán trú mẫu tại Trường TH Phan Đình Phùng
Với tổng số 1.726 học sinh toàn trường trong đó 1.540 học sinh ăn bán trú, thầy Nguyễn Văn Lợi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng) tin rằng bếp mẫu không chỉ góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho các em học sinh, mà còn là một mô hình bếp ăn tiêu chuẩn cho các trường trong thành phố và các tỉnh thành đến tham quan, học tập. Trong bối cảnh dịch COVID-19, bếp mẫu sẽ góp phần không nhỏ vào công tác phòng dịch, đảm bảo an toàn, giúp phụ huynh thêm an tâm khi đưa con em đến trường học trực tiếp.
Đại diện Ajnomoto Việt Nam khẳng định xây dựng “Bếp ăn bán trú mẫu” là một trong những hoạt động quan trọng của dự án bữa ăn học đường. Được khởi xướng từ năm 2012, đến nay “Bữa ăn học đường” đã được mở rộng đến 4.200 trường tiểu học tại 62 tỉnh thành trên toàn quốc. Qua “Bếp ăn bán trú mẫu” sẽ hỗ trợ tốt cho công tác chuẩn bị những bữa ăn cân đối dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và ngon miệng cho học sinh…
Yến Hoa
Bình luận (0)