15g ngày 24-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng tuyên bố khánh thành công trình cầu Hàm Luông trên quốc lộ 60 nối liền TP Bến Tre và huyện Mỏ Cày Bắc. Hàng ngàn người dân Bến Tre đội nắng hàng giờ hai bên đầu cầu chờ đợi giây phút này đã vỡ òa hạnh phúc.
Những người dân huyện Mỏ Cày Bắc đầu tiên đặt chân lên cầu Hàm Luông lúc 15g ngày 24-4 – Ảnh: Vân Trường
|
Ông Bùi Sĩ Quan (80 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi, xã Bình Phú, TP Bến Tre) nghẹn ngào: “Người dân Bến Tre ngàn đời nay bị chia cắt bởi các con sông, đi lại khó khăn, đò giang cách trở. Năm rồi có cầu Rạch Miễu và giờ có thêm cầu Hàm Luông coi như xứ dừa đã nối liền một dải. Bản thân tôi cũng không ngờ rằng mình vẫn còn nhìn thấy và đặt chân lên cây cầu này. Vậy là toại nguyện rồi”. Ông Quan nói nhà ông ở ngay dưới chân cầu. Từ khi xây dựng cầu Hàm Luông tháng 4-2007 đến nay, ông thường xuyên tới xem công nhân làm việc. Những lúc ốm đau, ông ước mình sống đến ngày khánh thành để được đặt chân lên cầu đi qua bên kia sông Hàm Luông mà không phải đi đò hay phà. “Tôi lại muốn sống lâu hơn để nhìn thấy Bến Tre phát triển nhanh hơn, giàu bằng các tỉnh khác trong khu vực” – ông Quan tâm sự.
Trong số những người háo hức chờ đợi qua cầu Hàm Luông sau lễ khánh thành có bà Phan Thị Linh (ấp Bình Thành, xã Bình Phú, TP Bến Tre). Bà là người đầu tiên đặt bút ký tên giao mặt bằng xây dựng cầu Hàm Luông cuối năm 2006. Bà nói: “Tôi biết chắc chắn là khi có cầu Hàm Luông, kinh tế – xã hội của tỉnh Bến Tre và bà con nhân dân ở đây sẽ khá hơn nên tôi tình nguyện hiến diện tích đất mà tỉnh cần để xây cầu. Nhưng tỉnh không đồng ý mà trả tiền bồi thường đúng quy định”. Toàn bộ người dân ở công trình này đã giao mặt bằng rất nhanh, chỉ mất bốn tháng là xong. Ai cũng hiểu cây cầu này có ý nghĩa giống như “thống nhất” tỉnh Bến Tre nên hưởng ứng ngay.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thái Xây cảm động nói đây là giờ phút lịch sử vì Bến Tre đã được nối liền một dải, Bến Tre đã rất gần TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông nói: “Đây là công trình mà 1,3 triệu dân xứ dừa chờ đợi từ rất lâu. Bến Tre phát triển chậm một phần là do địa bàn trong tỉnh bị chia cắt bởi những nhánh sông Cửu Long. Từ khi có cầu Rạch Miễu kinh tế Bến Tre có sự khởi sắc, nhà đầu tư đến nhiều hơn. Nay cầu Hàm Luông nối liền Bến Tre thì chắc chắn tỉnh có điều kiện rất lớn để bứt phá nhanh hơn, mạnh hơn. Trong thời gian không xa, tôi tin Bến Tre sẽ bằng anh bằng chị trong khu vực ĐBSCL”.
Từ 15g trở đi người dân các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Chợ Lách, TP Bến Tre… hớn hở chạy xe bon bon trên cây cầu Hàm Luông lộng gió.
VÂN TRƯỜNG (TTO)
Bình luận (0)