Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Khánh thành Dự án bảo tồn di tích lăng mộ Hoàng hậu Từ Dũ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ khánh thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ.


Lễ cắt bắng khánh thành

Khu lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ (còn có tên gọi là Xương Thọ lăng) thuộc quần thể di tích lăng vua Thiệu Trị, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Hoàng Thái hậu Từ Dũ (tên húy là Phạm Thị Hằng). Bà là trưởng nữ của Lễ Bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (1764 – 1825), quê quán tại giồng Sơn Quy, thôn Tân Niên Đông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay là xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà vốn là Quý phi của vua Thiệu Trị và là mẹ ruột của vua Tự Đức. 

Lăng Hoàng hậu Từ Dũ được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, nằm trong tổng thể cảnh quan lăng vua Thiệu Trị, có bố cục theo hướng “nội quan, ngoại quách”. Đây cũng chính là hình thức kiến trúc điển hình từ thời các vị chúa Nguyễn. Trải qua hơn 100 năm tồn tại, mặc dù trên tổng thể có thể nhìn nhận rằng lăng Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ còn khá nguyên vẹn. Tuy nhiên, qua quá trình tác động của lịch sử và điều kiện môi trường tự nhiên bất lợi đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nguyên vẹn của di tích. 

Với sự quan tâm, ủng hộ của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các nhà yêu mến Huế đặc biệt là gia đình ông Huỳnh Văn Mạnh và bà Phạm Đăng Tuý Hoa (đại diện gia đình họ Phạm Đăng) đã tài trợ kinh phí thực hiện dự án thông qua Quỹ bảo tồn di sản Huế được Chính phủ thành lập theo Nghị định 84/2022/NĐ-CP ngày 20-10-2022, với tổng số tiền gần 6,9 tỷ đồng và 49 cây tùng La Hán. Đây là một đóng góp vô cùng quan trọng của dòng họ Phạm Đăng trong việc chung tay cùng nhà nước bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của quần thể Di tích Cố đô Huế.


Tổng quan khu di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ

Công trình được khởi công vào ngày 13-6-2023, được thi công, thực hiện cẩn trọng, không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của di tích. Đến nay, công trình đã hoàn thiện với các hạng mục, gồm: Trụ biểu; Hồ Tân Nguyệt và hệ thống cống đối lưu; Sân nền, bậc cấp trước lăng; Sân nền tự nhiên; Cổng; Vòng Tường thành ngoại và tường thành nội. Di tích được tôn tạo khang trang xứng tầm công lao cống hiến của Hoàng Thái hậu Từ Dũ đối với lịch sử của dân tộc.

Ông Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết, dự án hoàn thành góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc – cảnh quan – văn hóa của lăng vua Thiệu Trị, xứng đáng là tài sản văn hóa quý báu của nhân loại đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản văn hóa thế giới. Thông qua đó, du khách tham quan sẽ có thêm một điểm đến hấp dẫn, từng bước nâng cao giá trị khai thác du lịch, làm tăng ưu thế cho mục tiêu phát triển KT-XH, phù hợp với định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh” theo Nghị Quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045. 

“Trong thời gian tới chúng tôi lập hồ sơ xếp hạng di tích theo Quyết định số 1507/QĐ-UBND năm 2023 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt đề cương “Đề án nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Nhằm tôn vinh công lao của Hoàng Thái hậu Từ Dũ, một Hoàng Thái hậu nổi tiếng nhất trong việc cưu mang và để lại nhiều bài học quý trong việc dạy dỗ con nên người. Trong suốt 78 năm ở cạnh ngai vàng với cương vị cố vấn, bà tham gia bàn bạc chính sự, hết lòng hết sức vì dân vì nước, giữ trọn vai trò trọng yếu trong chính sự triều đình nhà Nguyễn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX”, ông Trung nói.

Vĩnh Yên

Bình luận (0)