Y tế - Văn hóaThư giãn

Khánh thành phòng trưng bày ứng dụng công nghệ

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 9-10, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức Lễ khánh thành phòng trưng bày ứng dụng công nghệ chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”; khai mạc trưng bày chuyên đề “Khuôn bánh dân gian Nam Bộ” và triển lãm ảnh với chủ đề “Vành đai đen”.


Khách tham quan các khuôn bánh Nam Bộ tại bảo tàng

Đây là sự kiện nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI; kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930/20-10-2020); kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (1985-2020).

Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ” được kết nối giữa truyền thống và hiện đại tái hiện lại những câu chuyện, những bài học lịch sử thông qua ứng dụng công nghệ sinh động. Các công cụ thiết bị trình chiếu sẽ hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3D thông qua thiết bị trình diễn Hologram kết hợp với ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo.


Lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đón nhận 2 tượng đồng chân dung của cô Nguyễn Thị Định và cô Võ Thị Sáu

Đối với trưng bày chuyên đề “Khuôn bánh dân gian Nam Bộ”, bảo tàng giới thiệu một bộ sưu tập khuôn bánh, các loại bánh này đều gắn liền với quá trình phát triển và tiếp biến trong tiến trình lịch sử song hành giữa văn hóa và văn minh miền sông nước.

Triển lãm ảnh với chủ đề “Vành đai đen” là hoạt động nhằm quảng bá bản sắc văn hóa, khẳng định mối quan hệ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ với Chính phủ Colombia.

Theo bà Nguyễn Thị Thắm – Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, kế thừa truyền thống yêu nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng với tấm lòng thủy chung, son sắt đã chiến đấu chống giặc ngoại xăm với khẩu hiệu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, xứng đáng với truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu và với lời khen của Bác Hồ: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Chính các mẹ, các chị đã tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, làm cho dân tộc Việt Nam rạng danh, khiến thế giới phải khâm phục, ngợi ca. Để tưởng nhớ công ơn đó, năm 1985 Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ ra đời (tiền thân của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ngày nay). Đây là một bảo tàng đã thực hiện phương thức xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam. Qua 35 năm xây dựng và phát triển, ngoài việc nghiên cứu, bổ sung tư liệu, hiện vật, bảo tàng còn đẩy mạnh nghiên cứu đời sống, văn hóa, sinh hoạt của phụ nữ Nam Bộ, mở rộng diện tích, đưa công nghệ vào phục vụ khách tham quan.


Khách tham quan phòng trưng bày ứng dụng công nghệ

Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhận định: Dưới sự phát triển của công nghệ 4.0, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã nắm bắt xu thế kịp thời, đem tới những trải nhiệm thú vị cho khách tham quan góp phần giới thiệu văn hóa, lịch sử Nam Bộ thêm hiệu quả và rộng rãi. “Sự ra đời phòng trưng bày ứng dụng công nghệ của Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ hôm nay cũng là tiền đề để TP.HCM quan tâm và hướng tới thực hiện ứng dụng công nghệ số ở các bảo tàng khác” – ông Thuận cho biết.

Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã đón nhận 2 tượng đồng chân dung của cô Nguyễn Thị Định và cô Võ Thị Sáu và nhiều hiện vật liên quan đến phụ nữ.

Tin, ảnh: Hồ Trinh

Bình luận (0)