Khoa học - Công nghệ

Khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM ở Khu Công nghệ cao.

Theo đó, sau khi tham dự khai mạc phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM (C4IR) ở Khu Công nghệ cao. Tại đây, Thủ tướng làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực tích cực của lãnh đạo TP.HCM và cảm ơn lãnh đạo WEF. Đặc biệt là GS. Klaus Schwab, các doanh nghiệp sáng lập, các đối tác quốc tế, các tổ chức và cá nhân đã đồng hành cùng Việt Nam trong việc xây dựng trung tâm này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ tại Trung tâm C4IR TP.HCM. Ảnh: BTC

Thủ tướng chỉ ra một số ý nghĩa quan trọng của việc thành lập trung tâm như cụ thể hóa, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết của Trung ương.

Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu khách quan thực tiễn trong phát triển đất nước; góp phần vào hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, việc thành lập trung tâm nói trên cũng thể hiện vai trò tiên phong của TP.HCM – trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực; thể hiện khát vọng, niềm tự hào của đất nước, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo của dân tộc Việt Nam…

C4IR TP.HCM có vai trò là trung tâm đầu não của Việt Nam về tham mưu các chính sách chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi ngành sản xuất theo hướng thông minh, và trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó, trung tâm được kỳ vọng góp phần thực hiện thành công chiến lược công nghiệp 4.0 của quốc gia, phù hợp với chính sách chiến lược công nghiệp quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi gắm 20 chữ đến Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam, đó là: Tiên phong, hợp tác, kết nối, số hóa, xanh hóa, thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, vì nước, vì dân.

Tại trung tâm C4IR, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 C4IR là mô hình thể hiện rõ nét nhất hợp tác công tư, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Với trung tâm C4IR, TP.HCM cử nhân lực tài chính ban đầu và phát huy vai trò của các doanh nghiệp tiên phong tham gia, đóng góp vào sự phát triển chung của TP.HCM và của vùng.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thêm, có 10 thành viên sáng lập ban đầu của C4IR là Đại học Quốc gia TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Sovico, Tập đoàn CMC, Công ty Công nghệ viễn thông Sài Gòn, các ngân hàng Techcombank, HDBank… Các thành viên mới sẽ tiếp tục đóng góp tài chính, nhân sự tham gia quản trị điều hành trung tâm. Với 10 thành viên ban đầu, cố gắng mỗi thành viên có một hoạt động, trước mắt mỗi năm khoảng 10 hoạt động.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM và ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM tại buổi lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM. Ảnh: BTC

Ông Mãi kỳ vọng từ kinh nghiệm của các trường, các tập đoàn sẽ giúp trung tâm vận hành tốt hơn. TP.HCM cam kết, bố trí nguồn lực có thể, doanh nghiệp sáng lập, thành lập khung hành động, quy chế, nhanh đóng đưa hoạt động của trung tâm, phối hợp với WEF để có những hoạt động đầu tiên.

C4IR được thành lập đầu tiên tại San Francisco, Mỹ vào năm 2017. Tính đến năm 2023, đã có 18 trung tâm C4IR trên toàn thế giới. C4IR là nền tảng hợp tác giữa nhiều bên liên quan, kết nối khu vực công và tư nhằm tối đa hóa lợi ích công nghệ đem lại cho xã hội, đồng thời giảm thiểu rủi ro, cải thiện và đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ mới nổi. Trung tâm sẽ tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, trí tuệ nhân tạo…

Trung tâm C4IR TP.HCM là một trong các nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026. Đây là trung tâm C4IR thứ 2 của Đông Nam Á sau Malaysia, tham gia vào mạng lưới Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 toàn cầu của WEF.

C4IR đặt tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, hình thành các hệ sinh thái công nghệ đúng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gồm các lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, drone, trí tuệ nhân tạo, IoT….

Bên cạnh đó, đây còn là nơi tập trung hợp tác nghiên cứu, đề xuất chính sách, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực cho lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp mà TP.HCM và Việt Nam đang quan tâm.

Trần Hướng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)