Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Khảo sát không nhằm loại bỏ giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu cứ giữ bí mật, che lấp sự yếu kém của giáo viên sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội, gây thiệt thòi cho học sinh.
Ngày 16-10, tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ (quận 1, TP.HCM), hơn 750 giáo viên (GV) tiếng Anh tiểu học trên toàn thành phố đã tham gia khảo sát trình độ. Bài thi bao gồm các kỹ năng nghe, đọc, viết và các kiến thức ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm. Kết quả bài thi được phiên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu (CEFR). GV tiếng Anh nếu không tham gia khảo sát đợt này sẽ phải tự túc kinh phí về sau để bồi dưỡng nâng cao trình độ nhằm đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Không ít GV cho rằng việc quy ra điểm “đạt, chưa đạt” sẽ tạo ra áp lực căng thẳng không cần thiết. Nhưng theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM (ảnh), đây là cuộc khảo sát mang tính “cách mạng” trong giáo dục.

Cơ hội để giáo viên hoàn thiện
. Thưa ông, GV rất hoang mang vì lo rằng kết quả khảo sát sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học của họ. Quan điểm của Sở GD&ĐT về đợt khảo sát này?
+ Chương trình khảo sát này nằm trong đề án của Chính phủ nhằm biến ngoại ngữ thành một tiềm năng của đội ngũ nguồn nhân lực vào năm 2020. Các tỉnh đều đã khảo sát, TP.HCM làm sau cùng. Kết quả khảo sát đương nhiên là không công bố công khai, chỉ để GV nhìn lại mình và để ngành lên kế hoạch bồi dưỡng số GV chưa đạt chuẩn. Một số GV tiếng Anh tuy tốt nghiệp ĐH sư phạm nhưng tiếng Anh chưa đạt yêu cầu, không sử dụng được kỹ năng nghe, nói. Qua khảo sát, chúng ta mới biết họ thiếu, yếu ở điểm nào, mặt nào để xây dựng chương trình bồi dưỡng cho hiệu quả. Nếu chúng ta cứ giữ bí mật, che lấp sự yếu kém của GV thì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội, gây thiệt thòi cho học sinh.
. Vậy kết quả khảo sát sẽ được thông tin như thế nào, thưa ông?
+ Mục đích khảo sát không phải để loại bỏ GV mà chỉ nhằm đánh giá mặt mạnh mặt yếu của đội ngũ và có kế hoạch bồi dưỡng. Do đó, khi nhận được kết quả thi, ban giám hiệu chỉ được phép thông báo trực tiếp cho GV dự thi và lưu trong hồ sơ công chức, hồ sơ quản lý của mình để bố trí giảng dạy cho phù hợp.

Một tiết học Anh văn tại lớp 3/2, Trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: Q.VIỆT
Nếu GV chưa đạt chuẩn đợt này thì sẽ được học bồi dưỡng nâng cao. Ví dụ trình độ chuẩn của GV tiếng Anh THCS trở xuống là phải đạt B2, mà chỉ đạt B1 thì Nhà nước bỏ tiền ra bồi dưỡng, đấy là quyền lợi của GV.
Tôi cho rằng đề án này rất quan trọng, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhà giáo. Trong suốt quá trình công tác, GV không phải chỉ có cái bằng rồi ra dạy suốt đời được và phải luôn luôn học tập nâng cao kiến thức. Xã hội luôn thay đổi đòi hỏi người thầy cũng phải thay đổi, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, GV dạy môn này mà không theo dõi lĩnh vực này ba tháng sẽ lạc hậu liền.
Cuộc cách mạng dạy – học ngoại ngữ
. Ông có cho rằng kết quả khảo sát này cũng nên cho các trường ĐH, đặc biệt là ĐH sư phạm biết để họ xem lại chất lượng đào tạo GV?
+ Đúng vậy, GV không đạt chuẩn nhiều thì các trường sư phạm cần xem lại quy trình đào tạo và cấp bằng của mình.
. Theo ông, tâm lý sợ khảo sát, sợ phải đi học bồi dưỡng của một bộ phận GV có làm nảy sinh tình trạng “chạy” kết quả khảo sát?
+ Không thể có chuyện đó! Chúng tôi đã quán triệt tư tưởng GV là khảo sát để đánh giá năng lực, không phải loại bỏ GV. Trước khi khảo sát, chúng tôi có hướng dẫn, ôn tập chứ không làm bất thình lình.
Đợt này, Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ sẽ cho làm bài khảo sát trên giấy và trực tiếp do người nước ngoài thực hiện, điểm thi 135-149 đạt B1, 150-169 điểm đạt B2. Chúng tôi sử dụng thang điểm kiểm tra của nước ngoài để tránh tiêu cực, thay đổi kết quả. Tôi xem đây như là một cuộc cách mạng trong việc dạy ngoại ngữ, chúng ta không thể cấp chứng nhận đạt yêu cầu khi thực chất họ không đạt yêu cầu.
. Tại sao lại chọn Trung tâm Hội Việt Mỹ để khảo sát năng lực GV tiểu học mà không phải nơi nào khác, thưa ông?
+ Hội Việt Mỹ đồng thuận, hỗ trợ cho Sở GD&ĐT TP.HCM khảo sát miễn phí. Họ dùng công cụ của TOEFL để làm thước đo của chuẩn ngôn ngữ châu Âu. Riêng GV bậc THCS và THPT sẽ khảo sát vào tháng 12 tới là do ĐH Cambridge đảm nhận.
. Xin cám ơn ông.
Thầy giáo bị học trò “sửa lưng”

Năm học 2009-2010, tập thể học sinh lớp 7A4 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3, TP.HCM) phản ánh với ban giám hiệu việc thầy giáo Nguyễn MS (GV dạy tiếng Anh tăng cường của lớp) phát âm sai, viết sai chính tả, sai ngữ pháp. Thậm chí, khi nói chuyện với GV người nước ngoài, thầy S. cũng không nghe được. Chính học sinh phải dịch sang tiếng Việt cho thầy hiểu và chuyển giúp ý thầy muốn nói sang tiếng Anh cho GV người nước ngoài hiểu. Hiệu trưởng đã cử giáo viên xuống dự giờ và thấy phản ánh của học sinh là có thật. Trước đó, thầy S. là GV thể dục. Sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh sư phạm hệ tại chức của Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), thầy mới được phân công dạy tiếng Anh.
Đến năm 2020, học sinh tốt nghiệp tiểu học phải đạt trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) theo khung chuẩn châu Âu là A1, tốt nghiệp THCS đạt A2, THPT B1. Tuy nhiên, đề án của TP.HCM có nâng chuẩn cao hơn so với đề án quốc gia. Theo đó, HS tốt nghiệp tiểu học phải đạt chuẩn gần A2, THCS gần B1 và THPT gần B2. Để thực hiện đề án trên, GV dạy Anh văn tiểu học phải đạt chuẩn B1, THCS tối thiểu B2, THPT đạt chuẩn C1.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020
Theo QUỐC VIỆT
(PL)

Bình luận (0)