Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Khảo sát sinh viên năm cuối để giải bài toán thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Giáo dục Trung Quốc có kế hoạch thực hiện cuộc khảo sát hàng triệu sinh viên năm cuối trong lực nỗ lực giải quyết tình trạng nhiều sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường.

Cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Trung Quốc nhắm vào gần 11 triệu sinh viên năm cuối sẽ tốt nghiệp trong năm 2023.

Mỗi phiếu khảo sát có 15 câu hỏi quanh nội dung: lựa chọn nghề nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, tiếp tục học cao học hay đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, theo tờ South China Morning Post ngày 17.10.

Khảo sát sinh viên năm cuối để giải bài toán thất nghiệp - ảnh 1

Sinh viên Trung Quốc trong một buổi lễ tốt nghiệp. AFP

Các câu hỏi còn nhắm tới những kỳ vọng của sinh viên sắp tốt nghiệp như: dự định làm việc trong khối tư nhân hay nhà nước, mức lương mong muốn, cần sự giúp đỡ gì khi gia nhập thị trường lao động.

Cuộc khảo sát là một trong số nhiều công cụ chính phủ Trung Quốc đang sử dụng trong nỗ lực giải quyết tình trạng cứ mỗi 5 sinh viên tốt nghiệp thì có 1 người thất nghiệp. Doanh nghiệp cũng sẽ được khảo sát về kế hoạch tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH trong vòng 2-3 năm tới.

Trong cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo ĐH tuần rồi, ông Wang Hui, một quan chức phụ trách về vấn đề sinh viên của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nhấn mạnh cần phải kịp thời nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lẫn nguyện vọng của những người xin việc làm, nhất là sinh viên mới tốt nghiệp, thông qua khảo sát. Còn các lãnh đạo ĐH thì cho biết sẽ khuyến khích sinh viên tham gia cuộc khảo sát.

Trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post, Wu Mingti, sinh viên năm cuối ĐH Tân Châu (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), cho biết giảng viên thường xuyên chia sẻ thông tin tuyển dụng với sinh viên thông qua nhóm chat trên ứng dụng WeChat.

Nam sinh viên này ban đầu dự định xin làm giáo viên tiếng Anh ở trường tiểu học, kết hợp dạy thêm tại các trung tâm, nhưng đến năm cuối, anh nhận thấy tỷ lệ cạnh tranh quá cao.

“Chưa kể, giờ đây các cơ sở dạy thêm không còn nữa sau khi chính phủ ban hành lệnh cấm dạy hồi năm ngoái”, Wu chia sẻ. Vì thế, giống như hàng triệu người Trung Quốc khác, Wu chuyển sang khối nhà nước với hy vọng tìm được một công việc khác ổn định sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của những người lao động làm việc tự do (freelancer). Theo báo cáo hồi tháng 3 của công ty chuyên về khai phá dữ liệu iiMedia Research, năm 2021, Trung Quốc có hơn 200 triệu người là freelancer, trong đó 16% là sinh viên mới tốt nghiệp.

Theo Thuận Hòa/TNO

 

Bình luận (0)