Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

“Khát” hàng khuyến mại, dân chen lấn xếp hàng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cuối năm là dịp các doanh nghiệp, cửa hàng tung ra một loạt các chương trình khuyến mại, giảm giá. Với những lời quảng cáo hấp dẫn, “Giờ vàng không hạn chế”, “Giá bán lẻ rẻ hơn bán buôn”, safe off 50%… đã đánh trúng tâm lý người tiêu dùng dẫn đến cảnh chen lấn, đùn đẩy, tranh nhau mua hàng giá rẻ.
“Hội chứng” xếp hàng
Nghe tin Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh khuyến mại “Giờ vàng giá sốc” với số lượng không hạn chế từ ngày 24 – 27/12/2009, chị Mạc Thị Diễm (quê Hải Dương) vội vàng bắt xe lên Hà Nội ngay từ ngày đầu.
Tuy nhiên, khi đến địa chỉ 1174 đường Láng, chứng kiến cảnh hàng trăm người đang chen lấn, đùn đẩy, tranh nhau xếp hàng trước cửa siêu thị, chị ngạc nhiên: “Không thể tưởng tượng được người dân mình lại mê hàng khuyến mại đến thế”.
Xếp hàng mua bánh mỳ tại siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Phan Trang
 Sau khi suy nghĩ kỹ, chị vẫn quyết định xếp hàng để thử vận may. Song, xếp hàng đến ngày thứ 2 thì chị ngán ngẩm: “Vẫn cái tình trạng này thì có cố gắng xếp hàng đủ 4 ngày cũng chẳng được gì” nên chị ra về sớm.
Còn Vũ Minh Ngọc, sinh viên năm thứ 2, Đại học Thăng Long lại tham gia xếp hàng chỉ vì vui: “Hôm đó đi qua siêu thị Trần Anh ở 292 Tây Sơn, thấy cả biển người đang xô đẩy, tranh nhau phiếu giảm giá mua hàng khuyến mại. Vì tò mò, muốn biết cảm giác chen lấn xếp hàng nên em cũng thử xếp xem sao”.
Tháng khuyến mại Hà Nội 2009 diễn ra trong sự nhộn nhịp, háo hức của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là “Ngày vàng khuyến mại” (15/11). Tại Pico Plaza Nguyễn Trãi, ngay từ sáng sớm người dân đã xếp thành từng hàng, kéo dài đến tận chân cầu Ngã Tư Sở.
Anh Triệu, nhà ở Nguyễn Ngọc Nại, Thanh Xuân may mắn mua được chiếc máy ảnh hiệu Sony với giá 3,2 triệu đồng (giá niêm yết của sản phẩm là 7 triệu đồng). Anh bày tỏ: “Tuy mua được hàng nhưng phải chen lấn, xô đẩy, chờ hơn 2 tiếng đồng hồ thanh toán”.
Không chen lấn, đùn đẩy mua hàng khuyến mại nhưng phải chen chân xếp hàng để mua bánh lại là cảnh tượng diễn ra thường xuyên tại quầy bán bánh mỳ của siêu thị Big C Thăng Long. Đến gian hàng này vào bất cứ thời điểm nào cũng đông nghẹt khách.
Bác Nguyễn Phú Thái, 75 tuổi ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Lần nào vào Big C tôi cũng mua bánh mỳ và phải xếp hàng, thậm chí có lần đợi gần 45 phút mới mua được bánh”.
Sự lợi dụng của các doanh nghiệp?
Giải thích về sự lộn xộn trong “Giờ vàng giá sốc” tại Công ty Trần Anh, ông Hoàng Anh Tuấn, trưởng phòng kinh doanh thị trường cho biết: “Do công ty không ước tính được số lượng khách hàng đến quá đông như vậy nên không bố trí đủ lực lượng an ninh ổn định việc xếp hàng để phát phiếu”.
Catolog quảng cáo chương trình khuyến mại của Công ty Trần Anh
 Ông Tuấn cũng thừa nhận, để xảy ra sự việc như trên là do thiếu sót của công ty khi triển khai thực hiện dẫn đến thời điểm khách hàng ồ lên, chen lấn, đùn đẩy. Cũng theo ông Tuấn, việc tổ chức các chương trình khuyến mại là nhằm kích cầu tiêu dùng, hạn chế bớt lượng hàng tồn kho.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phụ trách truyền thông Pico Plaza cụ thể hơn: “Thông thường các doanh nghiệp chỉ để sản phẩm trong kho từ 30 đến 45 ngày, sau đó phải quay vòng. Đến thời điểm, nếu lượng hàng hóa trong kho vẫn còn thì buộc phải xả hàng”.
Phụ trách phòng marketing Thế giới điện máy Mediamart, bà Lê Thu Hoài cũng chia sẻ: Tuy thu nhập kinh tế tăng cao nhưng người tiêu dùng hiện nay vẫn có nhu cầu thích sử dụng hàng xịn, giá rẻ. Kèm theo đó là những phần quà, các chương trình bốc thăm trúng thưởng có giá trị.
“Đây là lý do chính để các doanh nghiệp thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại”, bà Hoài khẳng định.
Phan Trang / Khoa học & Đời sống

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)