Xuất sắc lội ngược dòng, giành vòng nguyệt quế trong cuộc thi quý, Chu Quang Trường (học lớp 11A7, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP.HCM) đã trở thành thí sinh duy nhất ở TP.HCM lọt vào vòng chung kết năm của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 18 (2018) sau hai năm vắng bóng.
Em Chu Quang Trường |
Kỳ tích của Trường được bạn bè và thầy cô ví như chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trong giải vô địch châu Á vừa qua. Nhưng ít ai ngờ rằng, để có thể đi xa được như thế, Trường đã phải có một sự chuẩn bị dài hơi từ rất lâu.
Không phải là… con mọt sách
Đó là lời nhận xét của thầy Nguyễn Tỷ Chế Đạt (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh) về cậu học trò thân yêu của mình. Theo thầy Đạt, Trường hoàn toàn không phải kiểu học sinh đeo kính cận mắt lòi ra ngoài, con mọt sách chỉ biết học và học. “Trường chỉ là học sinh tiên tiến ở trường. Nhưng ở em ấy, những kiến thức về văn hóa, xã hội đến khoa học đều rất rộng. Trường cũng rất năng nổ tham gia trong các hoạt động của lớp, của trường”, thầy Đạt cho biết.
“Đỉnh Olympia không đơn thuần là một cuộc leo núi. Đó là cuộc tranh tài về tri thức của nhân loại. Đòi hỏi người chơi phải có vốn hiểu biết rất sâu rộng, từ văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý đến văn học, khoa học, điện ảnh”, Trường chia sẻ. |
Vì chỉ là học sinh khá ở trường nên khi Trường gặp xin phép được đăng ký đi thi Đường lên đỉnh Olympia, thầy Đạt cho biết lúc đó thầy không hề có một niềm tin rằng “học trò trường mình-sẽ-làm-nên-một-điều-gì-đó”. “Trường là học sinh đầu tiên của Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia cuộc thi này. Khi tôi hỏi em đã chuẩn bị thế nào cho cuộc thi này vì đây là cuộc thi không phải dễ. Để chinh phục được đỉnh cao tri thức đòi hỏi phải có một vốn kiến thức sâu rộng về mọi mặt. Lúc đó, em ấy nói rằng: em đã chuẩn bị từ rất lâu rồi”, thầy Đạt nhớ lại.
Rồi hai thầy trò lên đường đi thi, ròng rã từ cuộc thi tuần đến cuộc thi tháng… “Khi đó, từng chút một, hy vọng về chiến thắng cứ le lói. Đến khi em ấy giành vòng nguyệt quế của cuộc thi quý, mọi niềm vui đã thật sự vỡ òa. Lúc này, nhà trường đã mơ về một kỳ tích để viết nên lịch sử. Dù kết quả có thế nào thì nhà trường cũng đã rất tự hào về Trường”, thầy Đạt xúc động nói.
Đam mê duy nhất là đỉnh Olympia
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Trường là một cậu học sinh bình thường như bao học sinh khác, thậm chí còn có phần hay mắc cỡ nhưng nụ cười thì rất tự tin. Suốt cuộc trò chuyện với cậu học sinh có gốc Bắc Giang, chính nụ cười ấy đã khiến tôi phải “ngơ ngẩn”, tự hỏi phải chăng chính phong thái ấy đã giúp em đĩnh đạc làm nên kỳ tích.
“Đam mê duy nhất của em là cuộc thi Olympia. Ngay từ khi còn rất nhỏ, em đã rất thích xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Chưa bao giờ bỏ sót một cuộc thi nào. Khi xem các anh chị thi đấu, em luôn mơ một ngày mình sẽ được đứng trên bục của đỉnh Olympia”, Trường cười tươi chia sẻ.
Khát khao chinh phục đỉnh Olympia đã len lỏi trong Trường như thế. Đam mê đến độ nhớ mặt, thuộc tên từng thí sinh đoạt giải mỗi năm, từng gương mặt ấn tượng nhất. “Qua mạng xã hội, em mày mò kết bạn với các anh chị đã từng tham gia cuộc thi và em trở thành thành viên của “gia đình Olympia” ngay từ khi còn đang học lớp 9”, Trường chia sẻ.
Ở trong “gia đình Olympia”, Trường cho biết bản thân đã học hỏi được rất nhiều từ kiến thức, kinh nghiệm đến những chia sẻ trong cuộc sống. “Đỉnh Olympia không đơn thuần là một cuộc leo núi. Đó là cuộc tranh tài về tri thức của nhân loại. Đòi hỏi người chơi phải có vốn hiểu biết rất sâu rộng, từ văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý đến văn học, khoa học, điện ảnh. Mỗi ngày em đều cố gắng học hỏi để tích lũy vốn kiến thức từ sách báo, mạng xã hội, mong một ngày được chạm đến đỉnh vinh quang”, Trường chia sẻ.
Góp sức lan tỏa ngọn lửa vừa khơi Thành tích đoạt giải á quân châu lục của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam vừa qua đã gieo vào lòng người hâm mộ niềm tin mãnh liệt về sức mạnh của bản lĩnh Việt. Vượt khỏi khuôn khổ của một lĩnh vực là thể thao, câu chuyện cho thấy sức lan tỏa của nó trong xã hội. Khi sự kiện vẫn còn “nóng”, khi ngọn lửa niềm tin, sự tự hào vẫn còn sức lan tỏa, rất cần những hành động tiếp sức, tiếp lửa kịp thời. Trong phạm vi học đường, việc lan tỏa càng trở nên cần thiết đối với học sinh, sinh viên. Mặt khác, với xa lộ thông tin, sinh viên, học sinh hiện nay có vô vàn cơ hội để tiếp xúc với thế giới. Cần khuyến khích các em quan tâm và phân tích nhiều hơn nữa các thông tin, sự kiện mang tính tích cực hơn là sa đà vào các trào lưu, những tin tức vô bổ. Thế nên, trong các tiết học, thầy cô có thể nhắc đến câu chuyện kỳ tích của các chàng trai trẻ để qua đó định hướng học trò lưu tâm đến những hoài bão ước mơ của bản thân. Hoặc chỉ giản đơn hơn: qua chân dung của các cầu thủ trẻ, chúng ta học được những bài học về sức mạnh thi đấu đoàn kết của tập thể, của tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật; về tầm nhìn chiến lược của các thế hệ huấn luyện viên; về ý chí, nghị lực của sức trẻ, cháy hết mình với đam mê và nhiệt huyết… Bên cạnh đó, cũng trong các tiết học, thầy cô giúp các em từng bước nhận diện và cùng thảo luận một số vấn đề xã hội xung quanh câu chuyện này như: đi “bão” kém văn minh, phản cảm (xả rác bừa bãi nơi công cộng; cổ vũ về khuya gây ô nhiễm âm thanh, các hành động phản cảm nơi đường phố, gây mất an ninh trật tự…); truyền thông quá đà; các dịch vụ phi văn hóa ăn theo; các hành vi lợi dụng tên tuổi U23 và từng cá nhân cầu thủ để trục lợi về kinh tế… Có thể nói, câu chuyện về đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam là bài học vô cùng sinh động và thiết thực mà chúng ta rất cần nắm lấy cơ hội để truyền lửa cho thế hệ trẻ. Trần Xuân Tiến (TP.HCM) |
Năm học lớp 10, Trường đăng ký tham gia cuộc thi nhưng không được gọi. Năm học lớp 11, một lần nữa Trường tiếp tục đăng ký và lần này em khiến tất cả phải ngỡ ngàng. “Nắm được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình để cố gắng. Điểm mạnh của em là tiếng Anh, toán và tin học, còn điểm yếu chính là hóa học và văn. Để chuẩn bị cho cuộc thi chung kết, bên cạnh việc trau dồi thêm kiến thức thì em sẽ vẫn giữ tinh thần chơi thoải mái, chơi hết mình”, Trường cho biết.
Cho rằng đi xa được như vậy là vì có chút may mắn khi câu hỏi quyết định trong cuộc thi quý là câu tiếng Anh, Trường chia sẻ rằng, dù thắng hay thua trong cuộc thi chung kết thì cũng đều không quan trọng. “Quan trọng là bản thân em đã làm hết sức để không có gì phải hối hận. Olympia là kỷ niệm rất tuyệt vời, mang đến cho em những người bạn, những kiến thức mới mẻ. Để biết rằng, bản thân còn rất nhiều điều cần phải cố gắng”, Trường trải lòng.
Yến Quân
Bình luận (0)