Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai xem thông tin trên Báo Giáo Dục |
LTS: 15 năm – một chặng đường không dài đối với một tờ báo nhưng cũng đủ để tập thể CB-PV-CNV của báo nhìn lại thành quả của những năm tháng miệt mài lao động, hầu mong sao cho tờ báo ngày một phát triển phục vụ tốt cho bạn đọc gần xa. Kỷ niệm 15 năm thành lập báo (1994 – 2009), Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng những ý kiến của lãnh đạo cùng bạn đọc đã đồng hành cùng tờ báo trong những tháng năm qua…
TS. Đỗ Quốc Anh (Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM):
Tổ chức nhiều sân chơi bổ ích cho thầy, cô giáo và học sinh
Trong những năm qua, Báo Giáo Dục TP.HCM đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động phía sau mặt báo. Các chương trình xã hội của báo đã góp một phần không nhỏ vào việc tổ chức sân chơi lành mạnh cho thầy, cô giáo cũng như các em học sinh. Và mỗi chương trình đều mang một ý nghĩa đặc biệt…
Cuộc thi “Giải quyết tình huống giáo dục” và giải thưởng “Ngọn nến sáng tạo” dành cho các thầy, cô giáo được dư luận xã hội rất hoan nghênh. Đối với các em học sinh, báo cũng có nhiều cuộc thi như cuộc thi “Tự hào sử Việt”, Giải Trần Đại Nghĩa, Giải bóng đá Truyền thống nam học sinh THPT toàn thành…
Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM Đỗ Quốc Anh tặng bằng khen cho các đơn vị và cá nhân có đóng góp tích cực cho ngành giáo dục TP |
TS. Huỳnh Công Minh (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Giáo Dục TP.HCM đóng góp rất lớn trong công cuộc đổi mới của ngành
|
15 năm qua, bắt đầu từ những bước rất sơ khai là một tờ tạp chí, dần phát triển thành một tờ báo cách ngày để có thể đáp ứng nhu cầu thông tin cho nhiều đối tượng. Đặc biệt là thông tin về giáo dục dành cho đối tượng phụ huynh, học sinh.
Đối với riêng ngành giáo dục, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có những đóng góp rất to lớn trong công cuộc đổi mới của ngành. Báo đã giới thiệu những điển hình tiên tiến, quan điểm giáo dục mới, tích cực góp phần làm cho nhà trường có được sự đồng thuận của phụ huynh và xã hội. Bên cạnh đó còn có sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý và giáo viên, sự hợp tác tích cực trong quá trình dạy – học của thầy và trò.
Tuy nhiên, Báo Giáo Dục TP.HCM cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể là điều kiện cơ sở vật chất còn giới hạn, chưa đáp ứng tốt được nhu cầu làm việc của đội ngũ. Về phía đội ngũ cán bộ quản lý và phóng viên, mặc dù đã có sự trưởng thành lớn về số lượng cũng như chất lượng nhưng tính ổn định chưa thật sự vững bền.
Song, với 15 năm tuổi thì những khó khăn trên là tất yếu. Quan trọng là tinh thần công tác, trách nhiệm, tình cảm và uy tín của đội ngũ biên tập và phóng viên. Mọi người đã biết vượt qua khó khăn và gắn bó với tờ báo, đưa tờ báo ngày một phát triển. Đây là sức mạnh rất đáng trân trọng. Tôi hy vọng các bạn sẽ đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp làm báo, trong lý tưởng phục vụ ngành, nghề của mình.
Với tư cách là người phụ trách cơ quan chủ quản, tôi hài lòng về sự phát triển của Báo Giáo Dục TP.HCM trong 15 năm qua.
TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT trao cúp vô địch giải bóng đá THPT |
Thầy Lê Văn Hòa (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè):
Báo cung cấp nhiều thông tin cho giáo viên
Ở Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, không chỉ cán bộ quản lý, giáo viên mà cả nhân viên và bảo vệ đều rất say mê đọc. Bên cạnh những thông tin về giáo dục, báo còn cung cấp cho chúng tôi các thông tin thời sự, xã hội, y tế… Nhà trường thường photo những bài báo hay phục vụ cho công tác giảng dạy của giáo viên, những bài viết về công tác y tế học đường giúp phòng chống bệnh tật trong trường học rồi dán lên bảng thông báo để tất cả mọi người cùng đọc.
Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo là một trường ở vùng sâu, vùng xa nên giáo viên, nhân viên và học sinh có phần thiếu thông tin. Qua Báo Giáo Dục TP.HCM, chúng tôi được cung cấp nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là những thông tin có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của giáo viên.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình (Trưởng ban Phóng sự – Báo Tuổi Trẻ):
Đã bảo vệ được quyền lợi cho giáo viên
Là một người thường xuyên đọc Báo Giáo Dục trong nhiều năm qua, tôi cảm thấy báo ngày càng có những bước cải tiến, phát triển về cả nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt là trong khoảng hai năm trở lại đây, phải nói Báo Giáo Dục đã có những bước đột phá về mặt nội dung, một mặt tờ báo vẫn gắn liền với tôn chỉ, mục đích tập trung nội dung phản ánh các sự kiện, vấn đề về giáo dục – đào tạo của TP và cả nước nhưng thông tin đã thật sự “nóng”, sát sườn và mang hơi thở cuộc sống, gắn liền với đời sống của từng người, từng gia đình hơn lúc trước. Tôi thật sự ấn tượng với trang Sự kiện – vấn đề của báo thời gian gần đây vì không chỉ phản ánh được những chủ trương lớn của ngành GD-ĐT mà còn có tính phản biện cao, đi sâu vào đời sống của những người làm công tác giáo dục, bảo vệ quyền lợi của GV, CB, CNV ngành giáo dục đào tạo cũng như quyền lợi chính đáng của các em học sinh, phụ huynh học sinh, phản ánh kịp thời những mặt tiêu cực, còn tồn tại đây đó trong ngành, ở các địa phương. Đại loại như chuyện lương bổng của giáo viên chưa thỏa đáng, chuyện y tế, nhà vệ sinh học đường, quán xá ven trường học, nghịch lý trong việc tuyển sinh – đào tạo, tiêu cực trong tuyển sinh… Tôi cũng rất thích đọc các trang Gia đình – xã hội gần đây với nhiều phóng sự, phóng sự nhiều kỳ đi sâu vào đời sống của người dân, nhất là giới trẻ, phản ánh được muôn mặt cuộc sống trong TP và mang tính nhân văn, định hướng giáo dục cao.
Lãnh đạo thành phố trao giải báo chí cho nhà báo Nguyễn Thanh Tú (Phó tổng biên tập Báo Giáo Dục TP.HCM) |
Đỗ Minh Nhật (học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa):
Em học hỏi được nhiều từ cuộc thi Giải Trần Đại Nghĩa của báo
Có thể nói so với học sinh các trường THPT khác thì học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa rất quan tâm đến cuộc thi Giải Trần Đại Nghĩa trên Báo Giáo Dục TP.HCM. Qua cuộc thi này, tụi em học hỏi được rất nhiều, được củng cố kiến thức môn toán và tiếng Anh. Nhưng trên hết, tụi em biết được năng lực của bản thân để từ đó khắc phục những thiếu sót…
Chu Thị Ngọc Ánh (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ):
Em đã làm tốt môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhờ đọc báo
Từ 3 năm nay, em rất siêng đọc Báo Giáo Dục TP.HCM, ba mẹ đã đặt riêng cho em một tờ. Khi còn học lớp 10, lớp 11, em quan tâm đến tất cả các thông tin trên báo. Nhưng từ khi lên lớp 12, em đặc biệt quan tâm đến việc ôn tập để thi tốt nghiệp cũng như đại học.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhờ đọc bài phỏng vấn thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trên Giáo Dục TP.HCM mà em biết được trọng tâm ôn tập. Bên cạnh đó những bài viết của các thầy, cô giáo về cách làm bài trắc nghiệm, cách làm bài môn toán, môn văn, môn sinh, môn địa… đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho em. Em đã làm rất tốt môn sinh trong kỳ thi tốt nghiệp nhờ “trúng tủ”…
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp (Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM):
Báo giúp phụ huynh và nhà trường gần nhau hơn
Lần đầu tiên tôi biết đến Báo Giáo Dục TP.HCM là cách đây 5 năm. Lúc đó, con gái tôi đem báo từ trường về nhà. Ngay từ lần đầu đọc báo, tôi đã thấy thích. Sau đó tôi đặt báo dài hạn.
Qua những bài viết của phóng viên, tôi phần nào hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Hiểu được những bất cập, khó khăn trong ngành giáo dục. Vì vậy mà tôi dễ thông cảm với nhà trường hơn. Ngoài ra, báo còn giúp tôi định hướng việc học tập của con cái.
Nhà giáo lão thành tìm hiểu thông tin trên báo GIáo Dục |
Nhà giáo Võ Thái Kim Phượng (Phó hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng, quận Gò Vấp): Lúc đầu, khi mới đưa tờ báo vào trường, nói thật lòng các anh bên báo đừng buồn, chúng tôi xác định ủng hộ báo ngành là chính. Tôi biết, hiện nay ban giám hiệu, giáo viên một số trường vẫn còn ý nghĩ này. Ở Trường Kim Đồng khi gặp vấn đề này chúng tôi nảy ra một sáng kiến. Để giáo viên, học sinh thấy được giá trị của tờ báo ngành, khi có những bài báo hay, nóng nhà trường cắt và dán trang trọng trên bảng thông tin cho mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận. Sau này, khi có được sự ủng hộ của Ban đại diện cha mẹ học sinh (hỗ trợ về kinh phí mua báo), nhà trường đã mua được cho mỗi khối một tờ. Nhưng, lúc này bắt đầu có “tiếng nhỏ, to” ban giám hiệu có “ăn” gì của báo hay không, mà mua nhiều báo vậy? Một tờ là quá đủ cho mọi người đọc rồi. Biết được điều này, những tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường lồng ghép câu hỏi về các gương tốt, người tốt được đăng trên báo, học sinh nào trả lời đúng ngoài phần thưởng cá nhân, lớp đó còn được tuyên dương. Bấy giờ, những giáo vên “khó tính” mới nhận thức được những giá trị tích cực của tờ báo ngành. Chúng tôi rất mừng, vì đã “giải oan” được cho ban giám hiệu, nhưng quan trọng nhất là giúp được giáo viên, học sinh dễ dàng tiếp cận với những thông tin bổ ích của tờ báo. Đến nay, được sự đồng thuận của phụ huynh và giáo viên, mỗi lớp đã có một tờ báo Giáo Dục với số lượng báo mua toàn trường là 70 tờ/kỳ.
Học sinh THPT tìm đọc thông tin trên Báo Giáo Dục |
Nhà giáo Nguyễn Văn Thanh (phụ trách thư viện Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi):
Chắc chắn báo sẽ được nhiều đối tượng tìm đọc
Do là huyện vùng sâu vùng xa của TP, kinh phí phục vụ cho báo chí thực sự eo hẹp, vì vậy có trường mua, trường không. Nhưng khi các trường thấy được cái hay, cái tốt của tờ báo ngành, hiện nay 100% các trường trong huyện đều có báo. Hy vọng với đội ngũ như hiện nay, báo Giáo Dục sẽ ngày càng lan tỏa và chắc chắn báo sẽ được nhiều đối tượng tìm đọc.
Nhà giáo Trần Quang Mỹ (Hiệu trưởng Trường TH Phan Văn Trị)
GD-ĐT trên cả nước ngày một hội nhập và tiếp thu nhiều cái hay cái mới của thế giới, đạt những thành quả vượt bậc trong các năm qua. Tuy vậy vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Để thầy cô, học sinh học hỏi được những gương tốt, áp dụng được những sáng kiến hay trong việc “trồng người”, là tờ báo ngành, báo cần có nhiều bài viết về những mô hình tốt như “Chân dung nhà giáo, nhà quản lý, học sinh tốt…”. Có cách làm để các thầy cô trong ngành biết và tự tìm đến với báo.
Nhóm PV
Thành lập năm 1994 với tên gọi là Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo, xuất bản hàng tháng, hình thức báo cuốn 36 trang A4 (giấy phép của Bộ VHTT và quyết định của UBND TP.HCM).
+ Từ năm 1999 tăng xuất bản 3 kỳ/tháng; và 2001 thành tuần báo 36 trang khổ A4.
+ Từ tháng 9 năm 2003 đến nay: Đổi tên Tạp chí Giáo dục & Sáng tạo thành Báo Giáo Dục TP.HCM; đổi hình thức báo cuốn 36 trang A4 thành báo tờ 16 trang A3; tăng kỳ xuất bản 3 kỳ/tuần; thêm chuyên đề Cuối tuần VTM; thêm phụ san dành cho Tuổi Thơ, Mẹ & Con (3 kỳ/tháng); thêm Báo Giáo Dục điện tử với tên miền www.giaoduc.edu.vn.
|
Bắt đầu hình thành từ một tờ bản tin nội bộ, trải qua 15 năm Báo Giáo Dục TP.HCM đã lớn mạnh không ngừng, khẳng định một bước đi vững chắc và trở thành tờ báo cách nhật. Dung tải một khối lượng thông tin rất lớn về thời sự chính trị, xã hội và đặc biệt là thời sự giáo dục như: học hành, thi cử, xây dựng trường lớp, đời sống giáo viên, cán bộ công nhân viên ngành giáo dục, những tấm gương học sinh hiếu học, thầy cô giáo một đời tận tụy với công việc, trường lớp… Dẫu vậy, báo vẫn còn nhiều khiếm khuyết và lỗi hẹn khi không mang được những thông tin bổ ích đến cho độc giả. Bước sang tuổi 16, Giáo Dục TP.HCM luôn khát khao được đồng hành, được kề vai sát cánh cùng bạn đọc, nhà trường và gia đình. |
Bình luận (0)