Y tế - Văn hóaThư giãn

Khất lại cái… bắt tay giữa mùa dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề báo giúp tôi đi nhiều nơi, biết nhiều chỗ, được gặp nhiều nhân vật – mỗi nhân vật là một cuộc đời đầy sống động giúp mình có cái nhìn đa diện hơn về cuộc sống. Nghề báo, tại mỗi thời điểm lại cho mình một kỷ niệm, một ấn tượng khác nhau. 10 năm vào nghề, nhớ nhất vẫn là những ngày tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19.

Còn nhớ vài tháng trước, khi cả xã hội phải thực hiện giãn cách để phòng chống dịch Covid-19, phóng viên chúng tôi vẫn đều đặn tác nghiệp, đưa tin bài mỗi ngày. Nếu nói phóng viên không sợ lây dịch bệnh đó là điều không thật. Tác nghiệp online qua những cuộc gọi điện thoại là lựa chọn trước tiên được chúng tôi đưa ra. Chuyện tác nghiệp online cũng vô cùng thú vị. Có lần phỏng vấn một cậu học trò lớp 7 viết bài về việc cậu tự tay vào bếp làm bánh trong thời gian nghỉ học tránh dịch, lấy tiền ủng hộ quỹ chống dịch Covid-19. Dù đã thông qua cô giáo và phụ huynh nhưng khi phỏng vấn xong, cậu vẫn nhắc mẹ phải xác minh lại cho kỹ kẻo… bị lừa!

Dịch bệnh diễn ra buộc mọi người phải thực hiện giãn cách nhưng với phóng viên lại khác. Không phải trường hợp nào cũng có thể phỏng vấn qua điện thoại là có thể cho ra những đứa “con tinh thần” hoàn hảo. Có những sự việc cần phải đi thực tế, đó là chưa kể một bài báo được xem là hoàn chỉnh khi có những bức ảnh hiện trường. Vào những trường hợp như thế, không còn cách nào khác, chúng tôi phải mang ba lô lên và đi.

Tác nghiệp hiện trường mùa dịch Covid-19 có muôn vàn nỗi lo và sự thú vị. Sự “nhạy cảm” thời điểm ấy dường như tăng gấp nhiều lần. Phóng viên lại đi nhiều nơi nên đôi lúc đến một cái hắt hơi cũng phải… nhịn để tránh sự e dè cho nhân vật mình đang gặp. Còn nhớ hôm đến Trường Tiểu học Hàm Nghi (thành phố Đông Hà – Quảng Trị) để tác nghiệp hiện trường về bữa cơm tiếp tế cho khu cách ly người về từ nước bạn Lào do đội ngũ cấp dưỡng và toàn thể nhân viên, giáo viên nhà trường phụ trách. Thầy Hiệu trưởng vui vẻ đón tôi vào khu nấu ăn sau khi làm đủ các thủ tục phòng dịch kèm theo nụ cười thật tươi, nhưng cái bắt tay thì thầy xin… khất nợ lần sau, khi nào qua mùa dịch. Trò chuyện cùng các thầy cô giáo về chuyện tiếp sức cho khu cách ly, ai cũng niềm nở nhưng không thiếu sự cẩn trọng. Từ giữ khoảng cách trong khi trò chuyện cho đến chai nước riêng được chuẩn bị sẵn. Ở đó, tôi được thấy những giọt mồ hôi của người giáo viên đổ xuống không phải trên bục giảng mà trong vai trò người phụ bếp. “Mình tranh thủ làm mọi việc nhà từ sáng sớm, đến đây cùng đồng nghiệp góp chút công sức mong đẩy lùi dịch bệnh, để cùng trở lại trạng thái bình thường một cách nhanh nhất. Và hơn hết là để các em học sinh được đến trường vui chơi và học tập” – Tâm tư của cô giáo Thái Thị Biên cũng là tấm lòng chung của hàng chục giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Có một câu chuyện cười ra nước mắt mà các đồng nghiệp chúng tôi hay đùa nhau để giảm bớt căng thẳng, âu lo trên đường tác nghiệp đó là đừng về nhà khi dịch bệnh chưa được khống chế. Đùa nhưng không phải là không có thật. Suốt mấy tháng dài ở phố, đôi khi thèm một buổi về quê nhưng chúng tôi vẫn cố kìm nén và chờ đợi, hạn chế tối đa sự di chuyển nếu điều đó không phải là công việc cấp thiết. Thay vì những chuyến trở về như trước đó, chúng tôi thăm hỏi gia đình qua mỗi cuộc điện thoại mỗi ngày, đương nhiên ngoài lời hỏi thăm sức khỏe, công việc thì câu chuyện bao giờ cũng nhắc đến việc phòng chống dịch bệnh.

Đã tròn một tháng, tiếng trống trường lại đều đặn vang lên, đón học sinh tới lớp. Chúng tôi đã trở lại với nhịp công việc bình thường, được đến tận nơi gặp và phỏng vấn nhân vật. Bao giờ vẫn vậy, dấn thân vào nghề báo, chúng tôi luôn trăn trở trên từng trang viết, trước mỗi cuộc đời, tìm tòi và sáng tạo ra những tác phẩm đúng, hay để gửi đến độc giả bằng cái tâm và niềm đam mê của người làm nghề. Mỗi câu chuyện chúng tôi viết ra, mỗi mảnh đời chúng tôi từng gặp là một kỷ niệm khó quên nhưng tôi đồ rằng kỷ niệm tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19 hẳn sẽ khó quên nhất trong cuộc đời làm báo của mình.

Nhà báo Phan Vĩnh Yên

 

Bình luận (0)