Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khát lao động 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TP.HCM, 4 ngành công nghiệp trọng yếu đang ngày càng “khát” lao động. Tuy nhiên theo các chuyên gia, sự chuyển dịch đáp ứng yêu cầu thị trường lao động này diễn ra rất chậm.

Lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm 4 ngành công nghiệp trọng yếu ngày 28-10. Ảnh: T.An

Sàn giao dịch việc làm 4 ngành công nghiệp trọng yếu (Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố tổ chức) vào cuối tháng 10 có đến 6.407 vị trí tuyển dụng ở nhiều chức danh, như kỹ sư điện – điện tử; kỹ sư cơ khí, bảo trì máy, thợ hàn, kỹ thuật điện, kỹ sư CNTT, kỹ sư hóa vô cơ/ hữu cơ, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng QA/QC, quản lý sản xuất… Theo đó, ngành cơ khí chế tạo cần tuyển lao động cao nhất: 2.657 người; kế đến là ngành chế biến tinh lương thực – thực phẩm: 2.238 người; ngành điện tử – công nghệ thông tin: 1.480 người; ngành hóa chất – nhựa cao su: 32 người. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng, lao động tuyển dụng làm được việc ngay là rất thấp, hầu hết đều phải đào tạo lại về chuyên môn, ngoại ngữ và cả tin học.

Sàn giao dịch việc làm này là một dẫn chứng sự chuyển dịch rất chậm về thị trường lao động 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Với sự tham gia tuyển dụng của 42 doanh nghiệp mà cần đến con số lao động như trên là quá lớn, trong khi đó các trường TC-CĐ nghề thì đầu tư nghề dàn trải, gây lãng phí nhưng không cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu phát triển.

Ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) chia sẻ, quá trình chuyển dịch 4 ngành công nghiệp này của TP.HCM diễn ra rất chậm, cần tái cơ cấu. Theo khảo sát của viện, năng suất lao động của các ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM rất thấp, trong khi đó trình độ công nghệ của các doanh nghiệp phần lớn là yếu và trung bình.

Một khó khăn nữa theo ông Nghĩa là ngành công nghiệp hỗ trợ của TP.HCM chưa phát triển. Công tác quy hoạch phát triển mạng lưới dạy nghề, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực còn nhiều bất cập.

Ông Nghĩa cũng nhìn nhận: “Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và thị trường lao động. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nghèo nàn và không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trong khi đó, cơ cấu ngành nghề có sự dịch chuyển, đi vào cụ thể, chuyên ngành và đòi hỏi người lao động cần các kỹ năng, nắm kiến thức pháp luật và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ…”.

Tại buổi họp bàn góp ý dự thảo Đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020 do Sở LĐ,TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, đại diện các trường nghề đã thừa nhận việc đầu tư đào tạo nghề dàn trải, hiệu quả đào tạo kém dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực thấp. Theo các chuyên gia, việc tái cơ cấu trong đào tạo các ngành công nghiệp trọng yếu của TP.HCM không hề đơn giản nhưng vẫn có cơ hội, nếu chính sách thoáng hơn để thu hút đầu tư xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH TP.HCM cho biết, sẽ tham mưu UBND TP về cơ chế chính sách, cụ thể là hỗ trợ vốn, đất đai đầu tư đào tạo nghề đáp ứng lao động 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.

Tuy An

Bình luận (0)