Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Khát” lao động có tay nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Các sinh viên đang học nghề cơ khí tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức. Ảnh: V.M

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện nay lực lượng lao động có trình độ từ trung cấp đến đại học chỉ chiếm 30%, còn lại là lao động chưa qua đào tạo. Thực tế này cho thấy nguồn nhân lực hiện rất dồi dào nhưng đội ngũ có thể đảm nhận công việc tại các doanh nghiệp thì rất ít. Trên địa bàn TP hiện có 900 doanh nghiệp, cần khoảng 249 ngàn lao động có tay nghề, tuy nhiên đào tạo chỉ đáp ứng được 20%.
Lao động qua đào tạo thiếu trầm trọng
Hiện nay, nhu cầu lao động qua đào tạo nghề để phục vụ sản xuất trong cả nước rất lớn và thiếu ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: làng nghề có nhu cầu đào tạo nghề hàng năm khoảng 370.000 người; vùng chuyên canh cây nguyên liệu, cây cao su, chè, thuốc lá, cà phê, giấy… có nhu cầu lao động qua đào tạo khoảng 100.000 người (mỗi năm cần đào tạo từ 12.000 – 15.000 người); một số tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp đến năm 2020 khoảng 800.000 người (dệt may: 530.000 người; điện lực: 151.000 người; công nghiệp tàu thủy: 50.000 người; lắp máy 15.000 người; than khoáng sản: 8.000 người; thép: 3.000 người…); nhu cầu lao động qua đào tạo nghề của ngành du lịch giai đoạn 2009 – 2015 khoảng 25.000 người/năm, năm 2016 – 2020 khoảng 50.000 người/năm. Trong khi nhu cầu lớn như vậy thì 3 năm qua (từ 2006 – 2008), các cơ sở dạy nghề chỉ đào tạo được 4,3 triệu lao động, tức chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu. Hiện nay, tại địa phương, các cơ sở dạy nghề đã triển khai thí điểm đặt hàng dạy nghề đối với lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, lao động làng nghề, vùng chuyên canh và lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề.
Riêng tại TP.HCM, nơi trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước và tập trung số lượng doanh nghiệp lớn nhất nước thì việc thiếu nhân lực qua đào tạo lại càng là vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết. Hiện TP.HCM có hơn 100 trường đào tạo nghề trình độ từ trung cấp, cao đẳng với số lượng đào tạo mỗi năm khoảng hơn 200 ngàn lao động. Tuy nhiên về chất lượng và quy mô đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp.
Sức ép lớn cho đào tạo nghề
Thực tế nguồn nhân lực đã tạo sức ép lớn trong việc đào tạo nghề. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP.HCM chia sẻ: “Với nhu cầu phát triển rất lớn của thị trường lao động, các cơ sở đào tạo dường như chưa thể đáp ứng được. Cụ thể những ngành nghề như: cơ khí, điện lạnh, du lịch hàng năm vẫn thiếu”. 
Để giải quyết bài toán nóng về nguồn nhân lực qua đào tạo (ngắn hạn và dài hạn), ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho rằng: “Đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp là cấp thiết để đáp ứng sự phát triển. Vì vậy từ nay đến năm 2020 bộ đã đề ra mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Thanh niên theo học nghề sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo từ 2 đến 3 triệu đ/người. Một số đối tượng thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi còn được hỗ trợ tiền ăn (15.000đ/ngày), hỗ trợ tiền đi lại…”.
Hiện công tác dạy nghề đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn có một thực tế là học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không mặn mà với đào tạo nghề. Xã hội còn coi trọng bằng cấp, học vị mà chưa quan tâm đúng mức đến vai trò, vị trí của nghề nghiệp. Mặt khác, công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, thanh niên chưa được chú trọng khiến thanh niên chưa hiểu đúng về học nghề và chưa coi học nghề là một con đường lập nghiệp. Thị trường lao động hiện nay với sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng nhiều, các doanh nghiệp trong nước với những dây chuyền công nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn nữa lực lượng kỹ sư thực hành, đội ngũ công nhân kỹ thuật và đặc biệt là đội ngũ công nhân.
Thực tế cho thấy rằng tỉ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt từ 70-80%. Tổng kinh phí thực hiện đề án được lấy từ nguồn ngân sách, dự kiến là trên 32.000 tỉ đồng. Trong thời gian tới Bộ LĐ-TB-XH sẽ huy động các cơ sở dạy nghề, các trư­ờng cao đẳng, đại học có đào tạo nghề cùng vào cuộc.n
Trần Văn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)