Học viên tìm hiểu ngành nghề tại chương trình tư vấn
|
Kỹ thuật công nghệ là một trong những ngành phát triển kinh tế trọng điểm của nước ta, hàng năm có nhu cầu rất lớn về nhân lực. Ngành này không yêu cầu có bằng cấp cao mà chỉ cần có tay nghề TC hay CĐ nghề…
Đó là chủ điểm được chuyên gia đưa ra tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Học nghề, bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức tại Trung tâm GDTX Q.Bình Thạnh ngày 20-4.
Chiếm 35% nhu cầu nhân lực
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nhu cầu nhân lực hiện nay (35%). Trong nhóm ngành này, ngành CNTT chiếm tỷ trọng nhu cầu nhân lực cao nhất, kế tiếp là cơ khí, hóa chất, công nghệ may, chế biến lương thực thực phẩm”.
Hiện nhóm ngành công nghệ kỹ thuật đang khan hiếm nguồn lao động, ngành này không yêu cầu người lao động phải có bằng cấp cao mà chỉ cần có tay nghề. “Các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đông ở địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Vì thế, nhu cầu lao động ở nhóm ngành này rất lớn, nhiều người vừa học xong đã có việc làm. Tuy nhiên, nếu học xong lớp 12 mà tham gia thị trường lao động ngay thì công việc sẽ rất bấp bênh, muốn có việc làm ổn định, đặc biệt là trong lĩnh vực này thì các em phải qua đào tạo”, ThS. Lê Dũng, Trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay.
ThS. Lê Dũng phân tích thêm: “Các em có thể học TC, CĐ hay ĐH tùy vào năng lực, điều kiện kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, bằng cấp chỉ là một tấm vé xét hồ sơ, còn tuyển dụng hay không phải qua vòng phỏng vấn, thử việc, nghĩa là đòi hỏi các em phải có tay nghề”.
Tỷ phú bước ra từ trường nghề
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2015-2025, nhu cầu nhân lực TP.HCM mỗi năm cần khoảng 260.000-270.000 chỗ làm việc, trong đó 130.000 chỗ làm việc mới. Theo đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, trình độ TC chiếm cao nhất 35%, sơ cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 20%, CĐ chiếm 15%, ĐH và trên ĐH chỉ chiếm 15%.
|
Không phải có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mới thành công mà nhiều người chỉ học qua trường nghề cũng chứng tỏ được khả năng bản thân khi thu về tiền tỷ hàng năm.
Tại chương trình, ông Nguyễn Duy Thơ, Hiệu trưởng Trường MaacViet Arena, đã chia sẻ rất nhiều tấm gương trở thành tỷ phú từng học tại trường. Đó là Nguyễn Huy Cường (ở Tiền Giang) đạt giải nhất cuộc thi Tài năng quảng cáo Sư tử trẻ Việt Nam 2010, đại diện Việt Nam thi đấu quốc tế. Hiện Huy Cường đang làm việc cho một công ty quảng cáo uy tín với thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. Được biết, Huy Cường từng học ĐH nhưng chỉ học khoảng… 10 ngày thì rẽ ngang vì thấy ngành học không phù hợp với mình. Hay anh Tuấn Ngọc Hương Giang thi đậu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và học đến năm thứ 3 thì nghỉ để theo học nghề thiết kế, hiện là nhân vật thiết kế chủ chốt cho nhiều phim hoạt hình 3D của nước ngoài; hoặc anh Hoàng Anh Vũ đã tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng sau đó lại theo học ngành CNTT tại Trường MaacViet Arena và hiện nay là chuyên gia kỹ xảo điện ảnh khá nổi tiếng trong nghề…
Ông Nguyễn Duy Thơ cho biết: “Các bạn trẻ Việt Nam có tính sáng tạo rất cao nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyên về thiết kế đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất thay vì những nước có nguồn lao động dồi dào như Trung Quốc. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, thời gian tới Việt Nam sẽ trở thành một trong hai cường quốc về CNTT”. Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Anh Tuấn cho hay: “CNTT hiện có nhu cầu lao động rất lớn, nếu không có gì thay đổi, từ năm 2019 đến 2024, Việt Nam rất có thể trở thành cường quốc về CNTT, vượt cả Ấn Độ”.
Bài, ảnh: Minh Châu
Hỏi – Đáp
Nếu học nghề, nhiều trường chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THCS mà không cần tốt nghiệp THPT. Vậy, nếu em đăng ký xét tuyển Khoa CĐ thực hành thuộc Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì em có phải tốt nghiệp THPT không?(Một học viên nữ thắc mắc)
– ThS. Lê Dũng, Trưởng khoa CĐ thực hành Trường ĐHCông nghệ TP.HCM, trả lời: “Những năm trước Khoa CĐ thực hành có tuyển hệ TCCN dành cho học sinh sau THCS. Tuy nhiên, năm nay nhà trường chỉ tuyển bậc CĐ nên các em phải có bằng tốt nghiệp THPT mới được xét tuyển. Khoa CĐ thực hành hiện đào tạo 17 ngành, thời gian đào tạo 2,5 năm (không nghỉ hè), 70% thời gian đào tạo các em sẽ được thực hành nên khi ra trường các em sẽ nắm chắc tay nghề để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.
Thời gian tới (khoảng 3-5 năm nữa), thị trường lao động Việt Nam có gì thay đổi không? Nhóm ngành tài chính ngân hàng nhu cầu lao động như thế nào? Liệu có khó kiếm việc làm như thời gian qua không?(Một học viên nam hỏi)
– Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trả lời: Các doanh nghiệp đang tái cấu trúc, thị trường lao động đang mở rộng nên thời gian tới người lao động không lo thiếu việc làm. Đặc biệt, cuối năm nay, Việt Nam gia nhập thị trường lao động ASEAN, nghĩa là lao động không chỉ dừng lại trong nước mà mở rộng cả 10 nước trong khu vực, việc làm mở ra nhiều nhưng tính cạnh tranh rất cao. Nếu các em có tay nghề, kỹ năng mềm tốt, có thái độ nghiêm túc, có trình độ ngoại ngữ thì sẽ không lo thiếu việc làm. Ngành tài chính ngân hàng chiếm khoảng 30% nhu cầu nhân lực, nhưng các em lưu ý là cẩn trọng khi lựa chọn nghề, không nên đổ xô quá nhiều vào một nghề vì tính cạnh tranh sẽ rất cao.
D.Bình (ghi)
|
Bình luận (0)