Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Khát nhân lực giảng dạy đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Thi tuyển công chức của ĐH Quốc gia TP.HCM tại hội đồng thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên - Ảnh: NHƯ HÙNGVừa dứt cuộc đua tuyển sinh vất vả, mệt mỏi, căng thẳng, giờ đây các trường ĐH, CĐ lại bước vào cuộc đua tuyển dụng giảng viên cũng vất vả, Ngian nan không kém!

Có nhiều yếu tố làm thị trường tuyển dụng ngày càng căng thẳng, đó là chuyện các trường đang ráo riết chuẩn bị nguồn giáo viên để đáp ứng việc triển khai dạy và học theo hệ thống tín chỉ. Ngoài ra, việc chuẩn hóa đội ngũ theo tỉ lệ giảng viên có học hàm, học vị cũng là yếu tố quan trọng, nhất là khi số lượng các trường tăng nhanh mà nguồn nhân lực chưa đáp ứng được.

Bố trí việc làm cho cả… vợ (chồng)!

Có thể tìm thấy thông báo tuyển dụng giảng viên được đăng trên trang web của các trường, quảng cáo trên các báo… và ở bất cứ nơi nào có thể.

Trong năm 2008, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển dụng hai đợt được 20 cán bộ giảng dạy trong số 37 người dự tuyển. Cũng giống như nhiều trường ĐH khác, trường này luôn chiêu hiền đãi… tiến sĩ. Ứng viên có trình độ tiến sĩ đều được hiệu trưởng phỏng vấn riêng, và thường cầm chắc cơ hội làm việc. Thậm chí  nếu có nhu cầu, nhà trường sẽ bố trí việc làm cả vợ (chồng). Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cũng vừa ra quyết định tuyển 24 giảng viên cho năm 2008.

Mới nhất là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa thông báo tuyển 46 giảng viên cho 20 chuyên ngành. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển 13 giảng viên cho bốn ngành.

Trước đó, hàng loạt trường cũng thông báo tuyển dụng giảng viên cơ hữu như Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) tuyển 27 giảng viên cho tám ngành, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có thông báo tuyển 19 giảng viên cho 15 ngành và hai giáo viên cho hệ trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trường ĐH Hoa Sen tuyển giảng viên cho các ngành công nghệ thông tin, toán xác suất thống kê.

Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) tuyển 40 giảng viên cho 15 bộ môn. Học viện Hàng không VN năm 2008 cần tuyển 22 chỉ tiêu giảng viên, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) tuyển 38 giảng viên cho 14 ngành, Trường ĐH Đà Lạt tuyển 23 giảng viên cho 11 khoa, ĐH FPT tuyển giảng viên cho các ngành công nghệ thông tin, tiếng Nhật, tiếng Anh, kỹ năng mềm, toán, giáo dục thể chất. Rồi hàng loạt trường như ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Mở, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH tư thục Kinh tế công nghiệp Long An… cũng tuyển giảng viên.

Tiếp tục “cơm chấm cơm”

Mặc dù Bộ GD-ĐT tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng “cơm chấm cơm”, giảng viên phải có trình độ sau ĐH nhưng các trường đều thông báo tuyển cả giảng viên có trình độ ĐH, dĩ nhiên là khá giỏi. Bởi nguồn thạc sĩ, tiến sĩ quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu.

Điểm lại một số trường đã tuyển dụng mới thấy nguồn “cơm chấm cơm” chiếm số lượng lớn. Như Trường ĐH Ngoại thương năm học vừa qua tuyển được 85 cán bộ mới thì trong đó chỉ có một tiến sĩ, 12 thạc sĩ và 65 trình độ ĐH. Trường ĐH Tiền Giang năm học 2007-2008 tuyển dụng được 41 cán bộ mới thì có đến 92% trình độ ĐH, còn lại là thạc sĩ. Trường ĐH Cần Thơ tuyển được 93 cán bộ mới, trong đó tiến sĩ chiếm 8%, thạc sĩ 20% và ĐH 63%…

Thậm chí Trường ĐHDL Phú Xuân đã tuyển sinh và đào tạo 12 ngành trình độ ĐH nhưng chỉ có ba giảng viên cơ hữu. Trường ĐH tư thục công nghệ thông tin Gia Định có quyết định mở bảy ngành đã đào tạo và tuyển sinh từ năm 2007 nhưng chỉ có duy nhất giảng viên cơ hữu ngành quản trị kinh doanh có trình độ tiến sĩ… 

Năm học 2007-2008 cả nước có 38.217 giảng viên đang giảng dạy lĩnh vực ĐH, trong đó trình độ giáo sư có 303 người (0,79%), phó giáo sư 1.805 (4,72%), tiến sĩ 5.643 (14,77%), thạc sĩ 5.643 (14,77%), 15.045 người trình độ ĐH. Đây là con số từ các trường báo cáo về Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ lãnh đạo các trường, con số này chưa chính xác tuyệt đối, vì hiện nay có rất nhiều trường hợp một giảng viên có trình độ cao (tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư) đang làm cán bộ cơ hữu 2-3 trường trở lên. Và thế là được các trường cho “phân thân” để… báo cáo nguồn giảng viên của mình.

Và tình trạng “cơm chấm cơm” sẽ còn tiếp diễn.

NGUYỄN PHAN (TTO)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)