Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Khát” nhân lực ngành tài nguyên môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

SV Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tìm hiểu thông tin đào tạo của trường. Ảnh: M.Tâm

Vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường đang đặt Việt Nam trước nhiều thách thức. Không chỉ trên lĩnh vực tài chính mà quan trọng hơn chính là nguồn nhân lực. Sự thiếu hụt trầm trọng số lượng và chất lượng đang đặt ra những bài toán khó cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong việc đào tạo nhân lực cho ngành tài nguyên – môi trường.
Trong thời gian tới, Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực, chiến lược phát triển như thế nào? Để tìm lời giải cho những câu hỏi này, vừa qua, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu (Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM) về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành TN-MT.
Thiếu trầm trọng
Báo cáo của Bộ TN-MT cho thấy, hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành có khoảng gần 50.000 người. Cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối: nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8% nguồn nhân lực, nguồn nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác chiếm tới 30,8%. Đặc biệt, nguồn nhân lực yếu kém còn thể hiện ở chỗ chưa có một giáo sư nào trong ngành TN-MT, trong khi các viện hiện cũng chỉ có 8 phó giáo sư, 5 tiến sĩ khoa học, 55 tiến sĩ, 82 thạc sĩ. Các cán bộ có học hàm, học vị tập trung chủ yếu ở một số ngành như: địa chất, khoáng sản, khí tượng, thủy văn, môi trường, quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, kinh tế.
Tại các địa phương, nguồn nhân lực ngành TN-MT thiếu hụt nghiêm trọng. Đa số các địa chính xã phải kiêm luôn quản lý nước, môi trường. Nhưng trong số cán bộ xã, chỉ có 10% có bằng ĐH, có tới 19% chưa có trình độ gì. Còn theo Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an thì cả nước hiện nay mới chỉ có 250 cảnh sát môi trường quản lý tất cả các vùng miền. Đứng từ góc độ địa phương, đại diện Sở TN-MT đưa ra thực tế đa số cán bộ của sở có kinh nghiệm đều từ quản lý đất đai. Những cán bộ trẻ có trình độ thì lại thiếu kinh nghiệm. Đây là một trong những bất cập mà TP.HCM đang gặp phải. Đại diện của sở cũng đưa ra nguyên nhân của những bất cập này là do chương trình đào tạo lĩnh vực MT rộng trong khi thực tế lại cần sâu. Cơ sở đào tạo mở ra nhiều nhưng thiếu đội ngũ giảng viên. Đầu vào của sinh viên thấp, kỹ năng tự học yếu, cơ sở vật chất không đáp ứng được cũng là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Không những thế, chương trình bồi dưỡng cũng thiếu. Cán bộ thiếu kiến thức cũng không biết tìm chỗ nào để học. Không những thế, tại các cơ sở đào tạo, sinh viên lại chủ yếu được đào tạo về công nghệ, không được đào tạo về quản lý. Để khắc phục tình trạng này, TP.HCM đã dựa vào chương trình biến đổi khí hậu quốc gia để đưa vào giảng dạy. Đồng thời đặt ra ba tiêu chuẩn cho chương trình này là người học phải trẻ, có chuyên môn và trình độ ngoại ngữ tốt.
Được biết, hiện nay cả nước có 78 cơ sở đào tạo bậc ĐH, CĐ các ngành, chuyên ngành về TN-MT. Riêng các trường của Bộ TN-MT đang đào tạo khoảng 7.500 sinh viên hệ cao đẳng, 4.000 học sinh hệ trung cấp.
Cần gấp đôi số nhân lực
Với tình hình thực tế hiện nay, theo lãnh đạo Bộ TN-MT, nhu cầu nguồn nhân lực được đào tạo các chuyên ngành TN-MT bổ sung lực lượng công chức, viên chức đang công tác đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2011-2015 lên đến 4,5 vạn người. Giai đoạn 2016-2020, với sự phát triển khoa học công nghệ ngành TN-MT, nhu cầu nhân lực này sẽ giảm xuống khoảng 20-25% so với giai đoạn trước, trong đó tập trung tăng cường cho một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới. Tập trung nguồn nhân lực có trình độ cao, tăng tỷ lệ có trình độ đại học trở lên từ mức 70% đến 90%. Đối với đào tạo cán bộ công chức, viên chức ngành TN-MT giai đoạn từ 2011-2015, đào tạo từ 150-200 tiến sĩ, ưu tiên đối với các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành TN-MT. Đào tạo từ 800-1.000 thạc sĩ trong các chuyên ngành về quản lý, kinh tế ngành và về TN-MT. Đào tạo, đào tạo chuyển đổi và đào tạo nâng cao từ 6.000-8.000 cán bộ trình độ đại học chuyên ngành về TN-MT. Tại hội nghị, lãnh đạo các trường đều đề nghị Bộ TN-MT, Bộ GD-ĐT nâng cấp, tăng quy mô đào tạo ở các trình độ nhất định, nhất là trình độ đại học và sau đại học nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành và xã hội, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Với các bậc học của một trường đại học, sinh viên sẽ có điều kiện học tập nâng cao hơn, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về đào tạo.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)